Mua của người chán – bán cho người cần

Nghề kinh doanh đồ cũ hiện tại là nghề không mới. Tuy nhiên, trong khi các chủ kinh doanh đồ cũ khác thường chọn một mặt hàng nhất định như: chuyên xe máy, xe đạp, điện thoại, laptop, quần áo cũ… thì bà Mỹ lại mở “shop” kinh doanh tất cả các mặt hàng đã qua sử dụng còn “sống” hoặc đã “chết” như: bếp gas, đầu DVD, ấm đun nước, bếp từ, radio, đồng hồ, gương kính và cả các loại đồ thời trang, quần áo, áo mưa, mũ bảo hiểm, giầy dép…

"Bà hoàng đồng nát" và thu nhập đáng mơ ước 1
Bà Mỹ luôn bận rộn với công việc định giá, mua bán các loại đồ cũ.

"Bà hoàng đồng nát" và thu nhập đáng mơ ước 2
Địa điểm bán đồ cũ của bà nằm cạnh đường nên thu hút khá nhiều người ghé thăm.

“Shop” đồ cũ của "Bà hoàng đồng nát" khá nổi tiếng với người dân khu vực Cầu Đôi (Mễ Trì – Từ Liêm, HN) bởi đây không chỉ là địa điểm cung cấp đa dạng các mặt hàng mà giá thành cũng rẻ đến bất ngờ. Điểm bán đồ cũ của bà Mỹ khá đặc biệt bởi chưa đủ lớn để gọi là chợ nhưng cũng chẳng giống bất kỳ một cửa hàng nào. Tất cả các loại hàng hóa được bày trên một bãi đất trống, không có biển hiệu, không mái che.

"Bà hoàng đồng nát" và thu nhập đáng mơ ước 3

"Bà hoàng đồng nát" và thu nhập đáng mơ ước 4
Những chiếc túi xách, ba lô, cặp, một số trong đống này được bà cho là "hàng hiệu".

Trước kia, bà Mỹ cũng là người buôn bán đồng nát thứ thiệt cả chục năm trời. Hàng ngày, bà rong ruổi với đôi quang gánh, với chiếc xe đạp cọc cạch khắp ngõ ngách của Hà Nội. Vừa làm, bà vừa đúc rút kinh nghiệm cho mình rồi mới quyết định mở điểm thu mua đồng nát. 

Với thâm niên làm nghề thu mua đồng nát hơn chục năm trời, bà nhận thấy có rất nhiều đồ dùng, vật dụng sinh hoạt hàng ngày có thể tận dụng được. Từ đó, bà quyết định mở riêng cho mình một “shop” chuyên kinh doanh đồ cũ.

"Bà hoàng đồng nát" và thu nhập đáng mơ ước 5

"Bà hoàng đồng nát" và thu nhập đáng mơ ước 6
Những đôi giày cũ được bà Mỹ treo khắp lối ra vào.

Điểm kinh doanh đầu tiên được bà đặt cạnh đường Lê Văn Lương kéo dài. Tuy nhiên dường như ở đó việc kinh doanh của bà “không hợp vía” nên cách đây 6 tháng, bà đã chuyển toàn bộ cơ nghiệp về khu vực Cầu Đôi. 

Với phương trâm kinh doanh “mua của người chán – bán cho người cần” nên người dân tại khu vực này ít nhiều cũng là khách hàng quen của bà. Đặc biệt, những người mua sản phẩm về nếu không vừa hoặc không ưng ý đều có thể mang ra trả hoặc đổi lại.

"Bà hoàng đồng nát" và thu nhập đáng mơ ước 7
Chị Vân đang ngắm đôi guốc được bà quảng cáo là "hàng hiệu", còn khá mới nhưng giá chỉ 25 ngàn đồng.

"Bà hoàng đồng nát" và thu nhập đáng mơ ước 8
Một khách hàng đang lựa chọn chiếc hộp nhựa đựng thực phẩm tại đây, giá cho chiếc hộp này là 6 ngàn đồng.

Đặc biệt bà thu mua hoặc cho trao đổi tất cả những món đồ. Nói về điều này bà hồ hởi: “Nếu anh có một chiếc nồi cơm điện cũ hoặc hỏng cứ mang ra đây tôi sẽ đổi cho những món đồ tương đương giá trị như đôi giầy, chiếc thắt lưng, cục sạc điện thoại hay một chiếc gương, hộp đựng tăm…”

"Không có việc này chắc tôi đổ bệnh mất"

Mặc dù đã 60 tuổi nhưng dáng dấp, thần sắc đến sức khỏe của bà Mỹ khá tốt. “Nếu không có công việc này làm niềm vui chắc tôi đổ bệnh mất, ngày nào có việc như đi đám cưới, đi hội hay có công việc đột xuất mà không có mặt tại đây là lòng dạ bồn chồn không yên. Nhiều lúc nhớ đến quay quắt ấy chú ạ”, bà bảo.

"Bà hoàng đồng nát" và thu nhập đáng mơ ước 9
Chị Tuất mang những đôi giầy cũ về đây bán lại.

"Bà hoàng đồng nát" và thu nhập đáng mơ ước 10
Những chiếc nồi, xoong hỏng, cũ...

"Bà hoàng đồng nát" và thu nhập đáng mơ ước 11
... thậm chí cả chú cá sấu bông, chiếc áo mưa cũ...

"Bà hoàng đồng nát" và thu nhập đáng mơ ước 12
... đều được bà thu mua về từ cánh đồng nát với giá hấp dẫn.

Những người làm nghề đồng nát như chị Tuất, chị Lài, chị Quế… khi rong ruổi khắp Hà Nội hễ thu mua được món đồ gì thấy có thể dùng được là “để dành” về cho bà Mỹ, đơn giản bởi bà khá xởi lởi trong chuyện mua lại. Chính điều này khiến cánh đồng nát rất quý mến bà. 

Chúng tôi có mặt tại điểm bán này khi đồng hồ điểm 11 giờ trưa cũng là lúc cánh đồng nát về. Họ mang đến cho bà những món đồ, cuộc định giá cũng rất chóng vánh, ai cũng nở nụ cười thật tươi. 

Còn với những người mua hàng thì trong “đống hỗn lộn” ấy, họ bắt đầu tìm cho mình những vật dụng cần thiết. Nói về điều này chị Hương (Trung Văn, Từ Liêm) chia sẻ: “Thỉnh thoảng tôi cũng hay ghé thăm bà và chọn cho mình những món đồ như giầy dép, chiếc máy xay sinh tố, chiếc đèn bàn... Về giá cả thì bà bán rẻ lắm”.

"Bà hoàng đồng nát" và thu nhập đáng mơ ước 13
"Mua của người chán - bán cho người cần".

Còn chị Thương (Phú Mỹ, Từ Liêm) hồ hởi: “Hôm nay chị mang cái quạt bị hỏng ra đây đổi được chiếc thắt lưng và hai đôi bốt khá xinh xắn”.

Khi được hỏi về thu nhập của mình, bà Mỹ khá dè dặt. Trừ tiền thuê 2 nhân công, tiền thuê địa điểm, một tháng bà cũng thu được về trên dưới 10 triệu. Đây không phải là con số lớn nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn, người thất nghiệp tràn lan như hiện nay, 10 triệu/tháng quả là số tiền đáng mơ ước.

Hiện tại, "Bà hoàng đồng nát" còn thuê thêm 1 người chuyên dọn dẹp, giúp đánh bóng lại một số đôi giầy, thắt lưng, hay làm sạch chiếc túi xách cũ. “Thời gian tới, chủ hai bãi đất trống sẽ đầu tư dựng lều bạt để những món đồ kia không bị mưa nắng hành hạ nhưng tiền thuê cũng tăng thêm 1 triệu đồng mỗi tháng” – bà cười tươi nói.