Cặp đôi lệch nhau 22 tuổi
Câu chuyện tình yêu lệch tuổi nổi tiếng ở khu Ngã Bảy (Hậu Giang) không còn quá xa lạ với những người dân sống quanh đây. Ông Hai Út (51 tuổi) và vợ là bà Lý Thị Lãnh (73 tuổi) được bà con chòm xóm yêu thương, đùm bọc bởi sự hiền lành, chân chất.
Ông Út quê ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, sinh ra trong gia đình có 7 người anh em, cha mẹ đã mất. Cách đây 23 năm, khi đó mới 28 tuổi, ông Út cùng một người anh em lên Ngã Bảy (Hậu Giang) kiếm mối làm ăn. Ông gặp bà Lãnh ngày ngày gánh hàng trái cây đi bán ngoài chợ. Bà Lãnh đã có một đời chồng, đã ly hôn và có một đứa con trai. Chồng cũ nhậu nhẹt, không tu chí làm ăn nên một mình bà phải bươn chải nuôi con khôn lớn.
Khi được người quen mai mối với ông Út kém gần hai con giáp, ban đầu, bà Lãnh lắc đầu từ chối: "Hồi mới mai mối, tôi la không chịu, kêu ổng nhỏ tuổi hơn, sao mà lấy được. Nhưng cũng có người vun vén bảo: Thôi mày ở với nó đi, tội nghiệp nó. Hai đứa bảo nhau làm ăn, sau già còn có người chăm sóc".
Nghe mọi người khuyên nhủ, bà Lãnh gật đầu đại và phó mặc chuyện tới đâu thì tới. Lúc ấy, cha vẫn còn sống nên ông Út đưa bà về ra mắt. May sao, phía đàng trai không có ai phản đối. Chỉ có con trai bà Lãnh một mực không chịu.
"Nó không đồng ý cho tui chung sống cùng ổng. Nhưng con cái mình dạy nó, nó đâu dạy mình được. Các cô các bác khuyên nhủ mãi cũng chịu. Nó kêu ông Hai Út bằng cậu", bà Lãnh kể.
Không đám cưới, không đăng ký kết hôn, bà Lãnh và chồng trẻ cứ thế dọn về sống chung với nhau trong căn nhà nhỏ. Con trai bà Lãnh đã lập gia đình, sinh được hai cháu. Cách đây 3 năm, con trai bà đột ngột qua đời, cháu nội được mẹ đưa về bên ngoại. Vậy là chỉ còn duy nhất ông Út ở bên bà Lãnh.
Ở tuổi 73, bà Lãnh bị gãy xương chậu, lãng tai, mắt mờ, đau ốm triền miên. Mỗi khi đi ra ngoài, bà phải chống gậy. Dù vậy, ông Út không bao giờ kêu than nửa lời mà luôn túc trực, kề cạnh chăm sóc từng li từng tí.
Nhiều người đùa, vợ già yếu vậy sao ông còn đèo bòng làm gì cho nặng gánh, người đàn ông 51 tuổi chỉ cười hiền: "Vợ chồng sống với nhau hai mấy năm rồi. Giờ bả như vậy, tôi nỡ bỏ đi đâu được. Con cái không còn, họ hàng bên ngoại cũng không có ai. Bả xấu đẹp hay già thì dẫu sao tôi cũng đã kêu là vợ của mình".
Chồng trẻ không chê vợ già, quyết sống trọn nghĩa tình
Ngày ngày, ông Út đi làm mướn, ai thuê gì làm đó, có khi được 200 - 300 nghìn/ngày. Không có ai thuê, ông lại đi đánh cá, kiếm tiền thuốc men, rau cháo qua ngày. Chuyện cơm nước, giặt giũ trong nhà cũng một tay ông Út lo hết.
Căn nhà của cặp vợ chồng lụp xụp nằm trong hẻm, không đồ đạc gì giá trị, ở giữa chỉ kê một chiếc nệm để ngủ.
"Đồ trong nhà toàn người ta cho cả. Trước tui nấu bằng than, giờ có nồi cơm điện, bếp ga. Có hôm không có tiền mua thức ăn, phải đi vay mượn mua chịu hộp cá mòi, vợ chồng ăn cả ngày", ông Út kể.
Thay vì xưng "anh - em" như bao cặp đôi khác, ông Út và bà Lãnh trìu mến gọi nhau bằng tên. Trước đây, ông Út cũng muốn có đứa con chung nhưng bà Lãnh bị bệnh, trông ngóng mãi chẳng thấy tin vui. Dẫu vậy 23 năm qua, vợ chồng ông bà chưa bao giờ gây gổ hay mâu thuẫn. Cũng có người bàn tán, dị nghị nhưng cả hai đều bỏ ngoài tai.
"Ổng trẻ, ổng không chê mình già thì thôi. Có người nói, tôi có phước lắm, lấy được chồng biết thương vợ, biết làm ăn", bà Lãnh tự hào.
Khi có ai hỏi về bí quyết giữ chân chồng trẻ, cụ bà 73 tuổi ngại ngùng nói rằng, có lẽ là do cả hai luôn đặt nghĩa vợ chồng lên đầu. "Ổng cũng hay thể hiện tình cảm lắm. Không thương sao mà ở được với nhau! Nhiều khi hai vợ chồng giận hờn, tui kêu ổng đi đi, ổng bảo không đi được, bà bệnh hoạn vậy sao tôi dám bỏ.
Nguồn: Tiến Sài Gòn