Trong khi vụ ly hôn bạc tỷ của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn chưa có hồi kết thì mới đây, trên trang cá nhân, bà Thảo đã có những dòng hồi tưởng xúc động về những ngày đầu lập nghiệp của hai vợ chồng bắt đầu từ căn nhà gỗ 2.8m bề ngang tại Buôn Mê Thuột, đồng thời tiết lộ "chiến lược tam giác" trong xây dựng chuỗi cà phê của Trung Nguyên, đưa Trung Nguyên từ một quán cà phê nhỏ trở thành một thương hiệu toàn cầu.
Trước đó, bà Thảo đưa ra đánh giá: "Tiềm năng của ngành cà phê Việt Nam thực ra rất lớn, không những tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người, đem về cho đất nước hàng chục tỷ USD từ xuất khẩu mà còn có thể quảng bá thành một đặc trưng văn hóa của Việt Nam.
Nhưng làm thế nào để vừa giải được bài toán định kiến tiêu cực về quán cà phê, về sự nhập nhèm trong sản xuất kinh doanh của một số tiểu thương thời bao cấp, vừa khai thác được những nét đẹp trong văn hóa thưởng thức cà phê mà chúng ta đã có từ hơn trăm năm qua?"
Trước câu hỏi đó, vợ chồng bà Thảo đã xây dựng chiến lược và khai phá điểm nhấn khác biệt của Trung Nguyên so với các quán cà phê thời đó: "Bắt đầu từ căn nhà gỗ nhỏ 2.8m bề ngang tại Buôn Mê Thuột, vợ chồng tôi bàn nhau xây dựng chiến lược khai phá thị trường sao cho độc đáo mà vẫn cần sự chuyên nghiệp ngay từ những điều nhỏ nhất. Chúng tôi chọn gam nâu đỏ bazan của vùng đất Tây nguyên và slogan "Khơi nguồn sáng tạo" cho bộ nhận diện thương hiệu, đồng thời "phân vai" nhau rõ ràng: anh ra ngoài làm hình ảnh, tôi ở trong quản lý. Được đứng sau để chồng tỏa sáng và thành công chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của riêng tôi.
Tuy nhiên, khi ấy cà phê vẫn đang chịu tiếng xấu là "cà phê đèn mờ", "cà phê ôm", tôi bàn với anh: mình cần "giải oan" cho cà phê thì người ta mới dám bước chân vào quán. Vì thế, chúng tôi chọn hình thức xây dựng quán theo mô hình lịch sự, sang trọng. Khách hàng đến quán không chỉ để uống cà phê mà còn để thư giãn, đọc sách nghe nhạc, trò chuyện với bạn bè, làm việc với đối tác..."
Nguồn: FB bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Bà Thảo nhớ chi tiết từng sự kiện quan trọng và những bước tiến thành công của Trung Nguyên: "Ngày 20/8/1998, cơn sốt trên thị trường bùng nổ khi quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên tại Nguyễn Kiệm (Gò Vấp, TP.HCM) ra đời. Với chiêu thị phục vụ cà phê miễn phí trong 7 ngày, hàng ngàn lượt khách vào ra đông nườm nượp, ai cũng khen cà phê ngon đậm đà mà từ trước đến nay họ chưa từng thử qua. Sau chương trình đó, quán tiếp đón khách đến uống cà phê mỗi ngày một đông.
Trên đà thành công, Trung Nguyên tiếp tục mở quán thứ hai ở ngã tư Pasteur – Điện Biên Phủ. Vào thời điểm đó, đây là một trong những quán cà phê hiện đại, có không gian đẹp để tận hưởng cà phê ngon thuộc hàng đầu tiên ở Sài Gòn, gần như tạo nên một hiện tượng trong giới sành cà phê".
Bà Thảo không giấu diếm niềm tự hào khi Trung Nguyên dần xuất hiện trong nếp sinh hoạt, nếp thưởng thức của những người yêu "hạt ngọc cao nguyên". Bằng chứng là rất nhiều câu hỏi được gửi tới bà, nhưng bằng cách nào Trung Nguyên phát triển được hệ thống nhanh chóng đến vậy? Đi đâu cũng thấy Trung Nguyên - tại những vị trí đắc địa, ngay các vòng xoay, các ngã ba ngã tư của thành phố?
Với tinh thần chia sẻ, bà Thảo tiết lộ: "Bí quyết của tôi chính là chiến lược "tam giác" trong xây dựng chuỗi. Cụ thể, khi bắt đầu, tôi cho mở 2 quán gần nhau, sau đó tìm thêm quán thứ ba để tạo thành 1 tam giác. Từ tam giác thứ nhất đó, chỉ cần thêm 1 điểm kế tiếp sẽ tạo thành tam giác thứ hai, thêm 1 điểm nữa thành tam giác thứ 3.
Cứ thế, Trung Nguyên gợi cảm giác được mọc lên chỉ trong 1 đêm. Suốt 1 năm như vậy, hơn 500 quán cà phê Trung Nguyên được thành hình, đi đâu cũng thấy. Cả Sài Gòn như được khoác chiếc áo mới, trông văn minh, lịch sự hẳn lên, phá tan định kiến "quán cà phê là quán đèn mờ, chỉ có ôm ấp" từ những năm tháng bao cấp để lại.
Có thể nói, đây là cuộc khai phá thị trường ngoạn mục nhất trong lịch sử xây dựng thương hiệu Việt Nam ngay khi đất nước vừa đổi mới."
Nguồn: FB bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Nhưng chinh phục thị trường trong nước mới là bước đầu tiên. Chúng tôi đặt mục tiêu xa hơn nữa: phải xuất khẩu được cà phê thành phẩm để vừa gia tăng giá trị cho cà phê Việt Nam, vừa quảng bá được văn hóa của đất nước mình. Trọng trách ấy, anh giao cho tôi. Tôi bắt đầu trau dồi tiếng Anh và tham gia các khóa học quản lý ở nước ngoài để bắt đầu một hành trình mới.
Từ những dòng hồi tưởng này, có thể thấy bà Thảo vẫn rất nặng lòng với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, đúng như bà từng khẳng định, hai người sinh ra là để dành cho nhau, phối hợp ăn ý với nhau trong cả công việc kinh doanh lẫn đời sống.
"Ngày trước, chúng tôi từng phân vai nhau thật hoàn hảo: anh đảm nhận việc xuất hiện trước công chúng và truyền cảm hứng cho cộng đồng; còn tôi ở trong chuẩn bị giúp anh mọi thứ: soạn thông điệp, đưa anh số liệu nền tảng để thuyết trình, chăm lo hình thức cho anh v.v. Còn giờ thì mình tôi phải đứng ở cả hai vai, và thêm trọng trách cất tiếng nói trên diễn đàn toàn cầu.
Vất vả kèm sóng gió, nhưng tôi vẫn tin đây chỉ là một thử thách của tình yêu và niềm tin. Tôi vẫn hứa với lòng mình: sẽ tạm thời thay anh vừa làm mẹ vừa làm cha lúc này, đồng thời tiếp tục hành trình đưa cà phê Việt ra thế giới như khát vọng chung của 2 chúng tôi ngày đầu cùng khởi nghiệp."
Hiện tại, ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, còn bà Lê Hoàng Diệp Thảo là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên.