Tiền tiết kiệm không chỉ là một vùng đệm tài chính trong thời kỳ kinh tế bấp bênh. Nó còn mang tới sự an tâm và không bị quá áp lực từ các khoản chi tiêu. Nhưng việc thực hành thế nào để giảm tải áp lực, gia tăng cơ hội phục hồi ví tiền mà vẫn mang tới cảm giác thoải mái, thư thái chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Song, trái ngược với số đông, Nguyễn Hương Giang (30 tuổi, hiện đang sinh sống ở Biên Hoà, Đồng Nai, công tác trong một công ty sản xuất nội thất xuất khẩu) lại cảm thấy hạnh phúc từ khi cắt giảm 50% đồ đạc trong nhà. Hương Giang cho biết, cô đã bắt đầu thực hành lối sống tối giản và không rác thải được khoảng 3-4 năm.

Tôi sống hạnh phúc từ khi cắt giảm 50% đồ đạc trong nhà - Ảnh 1.

Gia đình Hương Giang đã thực hành lối sống tối giản được khoảng 3-4 năm.

Làm sao để tiết kiệm mà vẫn hạnh phúc?

"Vợ chồng tôi sống trong một ngôi nhà kiểu cũ có 3 phòng chức năng và một sân rộng. Chúng tôi chỉ có 2 người và cũng chỉ có những nhu cầu cơ bản. Vậy mà lại sở hữu đến 3 bộ chén bát, 5 bộ cốc chén được tặng, nhiều dụng cụ làm bếp và các sản phẩm đa dạng để sử dụng cho lau chùi dọn dẹp... Khi được tặng hoặc mua về, tôi cứ nghĩ mình sẽ có thể dùng đến sau này, phòng khi nhà có khách đông hay các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, đa phần đồ đạc chưa dùng tới, chỉ nằm đó chiếm chỗ và hút thêm bụi bặm, góp phần tăng công việc lau dọn cho tôi.

Vì thế, tôi quyết định chia sẻ hết, mang tặng người thân, hàng xóm, những người lượm ve chai... Lúc chuẩn bị cho đồ đi, tôi cân nhắc và thấy tiếc của ghê gớm, nhưng khi cho rồi, tôi lại cảm nhận được một niềm vui lâng lâng và nhẹ nhõm lắm. Tôi thực hành việc này cho tất cả những đồ đạc trong nhà và chỉ giữ lại những đồ dùng thật sự cần thiết đối với mình" - Hương Giang chia sẻ lý do và động lực thúc đẩy cô quyết định thực hành lối sống tiết kiệm.

Theo đó, Hương Giang chia sẻ về cách cô đã tiết kiệm cho cuộc sống của gia đình mình:

1. Điện

Hương Giang cho biết, không có cảnh đèn bật sáng toàn bộ ngôi nhà (trừ khi có việc hoặc đông khách).

"Nhà Giang tập thói quen đi khỏi phòng nào là tiện tay tắt quạt/đèn phòng đó, điện xài nơi không người là lãng phí tài nguyên, nên hạn chế. Giang cũng không thích điều hoà, rất ghét ngủ điều hoà, nên thay vì quen với cảm giác mát mẻ của điều hòa thì nhà Giang lại quen với việc nóng một tí. Nóng bình thường thì dùng quạt cây, nóng lắm thì quạt hơi nước (chế độ không có nước)", Hương Giang nói.

2. Nước

Không có chuyện xả ào ào ra để chùi sân!

Theo đó, Giang cho biết cô thường hứng nước mưa hoặc chùi sân khi trời mua. Lúc tắm giặt thì xả nước ra chậu, nước sau khi tráng chén bát thì dùng để cọ nhà tắm hoặc nhà vệ sinh.

3. Nấu đủ ăn

Khi nấu cơm, Giang luôn cố gắng căn theo khả năng ăn uống của mọi người, không nấu thừa mứa. Dù Giang đi chợ theo ngày nhưng tuyệt đối cũng không trữ đồ ăn, tiền ăn mỗi tháng gần như cố định. Mỗi ngày đi chợ, Giang chỉ cầm 100k hoặc ngày nào tính nấu món gì ăn được 2 ngày mới cầm thêm.

"Về khoản ăn uống của nhà Giang rất đơn giản, đủ chất nhưng ưu tiên chọn đồ lành sạch, tính ra là vẫn kiểm soát được. Tiêu nhiều chứ tiền ăn không đáng bao nhiêu đâu!", Giang nói thêm.

Những bữa cơm tự nấu tại nhà của Hương Giang.

4. Mua quần áo

Quần áo của Gấu (con trai của Giang) mỗi dịp sinh nhật thì các ông bà, dì bác mua cho cả chục bộ, mặc không hết nên mẹ hầu như không mua mới mà còn phải thanh lọc thường xuyên.

Còn quần áo của ba mẹ thì mua có kế hoạch. Mỗi năm thường mua mới vào đợt sale cuối năm cho giá tốt. Giang cũng rất ít khi lượn lờ các cửa hàng thời trang hay sàn thương mại điện tử để coi đồ, vì không có ngân sách mấy cho khoản này.

5. Giấy ăn/khăn giấy

Trừ khi mua đồ được tặng giấy vệ sinh, còn lại chưa bao giờ Hương Giang dành tiền để chi cho khoản này. Muốn lau tay hay lau gì thì cứ dùng khăn vải giặt được mà lau.

6. Không tivi, cáp truyền hình

Gia đình Hương Giang chưa có nhu cầu cho việc này.

7. Đồ gia dụng các loại

Nhà Hương Giang có nồi điện, nồi áp suất, máy nấu sữa, cối xay sinh tố... Với cô, từng đây là đủ cho một cuộc sống cơ bản nên dù có nhiều quảng cáo về các món đồ gia dụng hay ho khác Giang cũng không mua. Vì không có nhu cầu dùng đến nên nếu mua về thì cảm giác vừa phí tiền, vừa phí máy.

"Các chị em thường hay mạnh tay cho mấy khoản này nhưng mà Giang tin rằng, cần hay không cần thì mỗi người sẽ biết, thấy cần thì nó cần mà không có nó vẫn sống tốt thôi mọi người ạ", Giang nói.

8. Nhu cầu giải trí, xem phim, cà phê,...

Như bao người khác, gia đình Hương Giang cũng có nhu cầu này nhưng không nhiều. Cô cho biết, kể từ khi có con là chưa ra tới rạp phim và cũng không có nhu cầu đi xem phim hay các hoạt động vui chơi giải trí khác. Nếu có thì thi thoảng cũng chỉ đi nghe nhạc.

9. Đồ chơi cho con

Dù con có rất nhiều đồ chơi nhưng toàn là được tặng. Hương Giang chỉ dùng tiền để mua sách vở cho con chứ đồ chơi thì không.

10. Hoạt động ăn uống, giao lưu bạn bè tại nhà

Gần như là không có, vì nhà nhỏ, tối giản, ít đồ nên không thường tổ chức nhậu tại nhà, vừa tiết kiệm tiền bạc lại giữ được sức khoẻ. Nếu sau này có nhà riêng rộng hơn thì tính sau.

Gia đình Hương Giang cũng tự trồng thêm một số loại rau xanh tại nhà.

11. Không làm tóc

Hương Giang nhận thấy, mấy năm không uốn ép duỗi nhuộm hấp dầu phủ bóng là mấy năm tiết kiệm được từ 2-5 triệu. Quan trọng hơn là bảo vệ được sức khỏe của mình và mái tóc lâu dài hơn. Giang cũng cho biết cô vẫn chăm tóc đều đặn bằng các liệu pháp khác có chi phí rẻ hơn đến 2-3 lần mà vẫn cho hiệu quả như ý.

Giang cũng rất ít khi đi gội đầu ở tiệm, vừa tốn thời gian vừa tốn tiền trong khi hiệu quả thì được lúc đó thôi.

12. Không làm da

Về mặt này, Giang chọn tự spa tại nhà bằng cách: xông hơi, rửa mặt, massage nâng cơ với dầu dưỡng mỗi ngày. Chi phí cả năm có lẽ cũng chỉ tương đương 1 bữa spa ngoài tiệm. Tất nhiên da kiểu đẹp không tì vết thì không được, nhưng có lẽ sẽ khỏe hơn một cách tự nhiên mỗi ngày và cũng không cần thiết phải sợ nắng như khi dùng các biện pháp làm đẹp bằng công nghệ.

13. Sách

Mấy năm gần đây, Giang không còn duy trì tình trạng sách gì cũng đọc, cũng mua đầy kệ nữa.

"Vì nói thật, thị trường sách quá nhiều đầu sách và đôi khi vài cuốn lại trùng ý nhau. Chưa kể nhiều sách nghe tiêu đề hấp dẫn lắm mà đọc không đọng lại được gì.

Hiện giờ, Giang đọc sách một cách chọn lọc hơn. Có nghĩa là chỉ chọn đúng những cuốn mình cần phải đọc thôi. Cuốn nào hay thì giữ đọc lại, cuốn nào thấy không ưng hoặc không hợp thì sẽ bán luôn", Giang chia sẻ.

14. Các khóa tập thể dục

Để tiết kiệm, Giang chọn cách mở youtube lên và tập theo. Nhưng hôm nào không thích tập trong nhà thì chạy bộ quanh khu nhà, tất cả đều miễn phí và tốt cho sức khoẻ.

Cách này có thể giúp cô tiết kiệm được số tiền từ 600.000 đồng đến vài triệu đồng/tháng.

15. Đồ dùng cần thiết trong nhà

Ví dụ như nồi chảo, bát đũa,...: Giang chọn mua các món đồ tốt và có khả năng dùng lâu dài. Thông thường, mọi người hay lựa chọn mua các loại chảo khoảng 300.000 đồng/chiếc và có khả năng sử dụng tối đa là 2 năm thì Giang chọn mua chảo gang thô với giá 1.500.000 đồng để dùng 20 năm. Bằng cách này, về lâu dài, các món đồ dùng trong nhà không chỉ giúp cô tiết kiệm mà còn tốt cho sức khỏe vì chúng tiếp xúc trực tiếp vào thức ăn mình mỗi ngày.

16. Không trữ đông thức ăn nhiều

Trừ vài món cần trữ mát như trứng gà mẹ gửi hoặc các món ăn làm nhiều mà ăn dần thôi, còn lại Giang ít khi trữ đồ ăn. Trữ nhiều vừa tốn diện tích vừa tốn điện mà thức ăn trữ đông cũng không còn ngon. Nhiều khi trữ một thời gian xong đem bỏ, thấy tiếc quá, nên từ bỏ thói quen này.

17. Nước rửa chén

Thật ra nhà Giang dùng enzyme bồ hòn, nhưng mà cũng phải tiết kiệm. Nhiều khi Giang rửa chén mà thấy không có gì dầu mỡ hay bẩn quá là Giang chỉ rửa sạch với nước.

18. Tiết kiệm trước, tiêu sau

Dù lương đủ tháng hay như giờ đi làm tuần 3 ngày Giang vẫn trích ra một khoản cắt ngay khi nhận lương, cho vào tài khoản tiết kiệm. Cái khoản này chính là để phòng thân những ngày "mưa đổ". Còn lại bao nhiêu thì tiêu, vì thấy mình chỉ có từng đó nên mạnh tay cũng không được.

19. Hạn chế ăn uống ngoài hàng

Có thể nhiều khi mọi người sẽ thấy ăn ngoài kiểu bình dân đĩa cơm với mức giá 25.000 đồng so ra có vẻ rẻ hơn tự nấu ở nhà luôn. Nhưng Hương Giang cho biết, tự nấu ăn sáng trưa tối, mang theo cơm đi làm luôn là phương án tối ưu nhất về cả dinh dưỡng lẫn tài chính. Thỉnh thoảng nhà Giang vẫn có đi ăn ngoài, để mẹ rảnh tay và thay đổi không khí thôi.

Ưu tiên ăn uống healthy và chọn trái cây theo mùa.

20. Mua trái cây theo mùa, không mua trái cây nhập

Ở Việt Nam, may mắn là vựa trái cây, nên mùa nào thì thức đó vô cùng đa dạng. Trái cây vào mùa cũng ít phải thuốc thang và giá thành rất rẻ. Việc mọi người cần chỉ là chọn địa chỉ uy tín để mua là được.

Trái cây nhập thực tế là nó vừa mắc tiền vừa qua nhiều khâu bảo quản nữa, có khi còn độc hại hơn, đồ hữu cơ thì mình với một phát là cháy túi. Hơn nữa "eat local" - đồ xứ khác hầu như phù hợp với dân xứ đó hơn mình, cho nên Hương Giang ưu tiên lựa chọn trái cây Việt theo mùa.

21. Cho con học tiếng Anh tại nhà

Đương nhiên, nếu có điều kiện thì mọi người có thể cho con học trường quốc tế hẳn, ngày 8 tiếng ngâm tiếng Anh; còn nếu không thì đi học ở lớp tuần 2-3 buổi mỗi buổi 1-2 tiếng là chưa đủ. Bây giờ học liệu miễn phí rất nhiều và máy dạy là chính, có thể chọn cho con tự học ở nhà vẫn được. Nếu chọn phương án này, các mẹ có thể tiết kiệm được từ 500.000 đồng tới vài triệu/tháng.

22. Mua đồ đã qua sử dụng

"Giang chưa bao giờ đập hộp một chiếc điện thoại mới nào trong đời, toàn là mua hàng đã qua sử dụng còn mới hoặc chỗ uy tín. Bất kể món đồ công nghệ hay xe cộ máy móc, quần áo cũng có thể mua second-hand và dùng ngon lành với giá chỉ nhỉnh hơn tí so với 1/2 giá đập hộp", Giang nói.

Lời khuyên dành cho những người đang muốn tiết kiệm

Thừa nhận bản thân không phải là người giỏi kiếm tiền, biết đầu tư nhưng nhờ việc nghiêm túc học về quản lí tài chính và thực hành lối sống tối giản đã giúp Hương Giang hình thành thói quen tiết kiệm hiệu quả.

"Giang cho rằng, tiết kiệm là tốt, vì đời người chúng ta không phải khi nào cũng luôn thăng tiến. Vận đến vận đi không lường được, do đó học cách sống ổn khi nghèo khó vẫn luôn có ích với tất cả mọi người", Giang nói thêm.

Tôi sống hạnh phúc từ khi cắt giảm 50% đồ đạc trong nhà - Ảnh 5.

Hương Giang cảm thấy hạnh phúc kể từ khi cắt giảm chi tiêu.

"Mình kết hôn năm 2018, lúc đó gia đình cho 500.000.000 đồng để mua mảnh đất nhỏ. Thời điểm đó, mảnh đất có giá là 1.200.000.000 đồng. Giai đoạn đầu dự án phải trả 850.000.000 đồng. Tụi mình vay thêm 350.000.000 đồng. Trong khi đó, lương của 2 vợ chồng là 16.000.000 đồng. Mình tiêu 8.000.000 đồng và để dành 8.000.000 đồng.

Sau 1 năm, mình trả hết 100.000.000 đồng. Tiếp theo, bọn mình đổi qua mảnh đất hiện tại, vật vã xoay vần đủ kiểu thì hiện tại mình đang có mảnh đất gần 200m2 ở thành phố Biên Hòa trị giá hơn 2.000.000.000 đồng và 1 chiếc xe hơi Honda Civic cùng kha khá loại tài sản khác. Đương nhiên là vẫn còn nợ. Bởi thế, hiện tại gia đình mình vẫn đang cố gắng duy trì mức chi tiêu chỉ trong 40% thu nhập thôi.

Mình áp dụng lối sống tối giản rồi từ đó nhu cầu tiêu xài và chi tiêu cũng giảm đi theo. Thực ra cũng không biết nói sao, tiết kiệm giúp chúng mình mua được đất, xe, đi du lịch trải nghiệm được. Có một khoản tiết kiệm thì luôn sẽ an tâm hơn. Hiện tại nhà mình đang tiết kiệm cho mục tiêu trả hết nợ và xây nhà trong 3 năm nữa", Giang nói tiếp.

Theo đó, Hương Giang cũng đưa ra 1 số lời khuyên cho các bạn đang muốn tiết kiệm như sau:

- Ghi chép chi tiêu hàng tháng

- Tiết kiệm một khoản: bao nhiêu % thì tùy vào các bạn, nhưng có tiết kiệm thì sẽ có những lúc cần đến để nắm bắt cơ hội nữa.

Theo Giang, cô tiết kiệm không chỉ vì những mục tiêu tài chính cho bản thân và gia đình mà còn để xây dựng 1 lối sống tối giản cho con trai mình noi theo. Nhờ thói quen này, gia đình Hương Giang vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc khi tiết kiệm.

(Ảnh: NVCC)