Mua quần áo bằng… niềm tin!
Nhiều năm nay, chị Phạm Thu Hương (36 tuổi, Hà Nội) dành sự quan tâm đặc biệt cho các nhãn hàng thời trang Việt Nam. Xuất phát từ người cháu họ khởi nghiệp may vá, mở một thương hiệu đồ thiết kế với chất liệu và phụ kiện tận dụng tối đa từ các làng nghề Việt, chị Hương tâm đắc nhận ra, có một bộ phận không nhỏ người Việt trẻ đang cần mẫn và nỗ lực không ngừng để đặt những viên gạch sỏi lát đường cho tương lai thời trang nước nhà.
Đó là lý do mà chị Hương thay đổi hoàn toàn thói quen mua sắm. Từ việc hay lên mạng “ngó nghiêng” tìm hàng Zara, H&M, Mango, F21… mùa sale, chị chuyển sang theo dõi các thương hiệu trong nước từ dòng bình dân đến tầm trung. Theo chị, phân khúc này có mức giá phải chăng, người có thu nhập trung bình đến khá có thể mua được, đồng thời, chất lượng khá ổn. “Ví dụ cùng một chất liệu vải vóc và cùng kiểu dáng đang là xu thế, một thiết kế trong nước có giá chỉ bằng 70% thương hiệu nước ngoài.”, chị Hương cho hay.
Chị Hương áp dụng quy tắc “100% hàng Việt Nam” với áo quần của ông xã và cả ba con. Tuy nhiên, không phải lúc nào chị cũng hài lòng, nhiều lần mua phải những sản phẩm dán mác Việt nhưng thực tế là hàng không rõ nguồn gốc. Sau nhiều lần thử nghiệm, nhiều lần “trả giá”, đồng thời tìm hiểu qua bạn bè, chị Hương dần dần tích lũy một danh sách nhỏ các “thương hiệu ruột” của mình.
Nói về tiêu chí lựa chọn, chị Hương chia sẻ: “Có thể hơi cảm tính, những điều đầu tiên tôi lựa chọn một thương hiệu là: chủ nhãn hàng đó là ai. Chồng tôi cũng làm kinh doanh, điều hành một doanh nghiệp nhỏ. Phẩm chất, tư tưởng, cá tính của người chủ một nhãn hàng luôn quyết định diện mạo của nhãn hàng đó. Đây là cơ sở của niềm tin.”
Chị Hương đọc rất nhiều những câu chuyện về các nhãn hàng thời trang trong nước, về người sáng tạo ra thương hiệu đó, về người điều hành, và cảm động với cách mà họ đã tạo nên một cái tên Việt. Như câu chuyện lập nghiệp của hai chàng trai Việt Anh - Việt Hùng của thương hiệu Boo - Bò sữa, chuyện về hành trình của một doanh nghiệp cung cấp len sợi cho thị trường Đông Âu Canishop thành thương hiệu thời trang nội địa Canifa, chuyện về ông chủ Ivy Moda - nhà văn Doãn Dũng…
Với chị Hương, việc dành sự ủng hộ kiên trì cho hàng Việt Nam không chỉ đơn thuần là tình cảm dành cho các thương hiệu nội địa, mà còn là cách chị chia sẻ trách nhiệm xã hội. “Tôi cũng đọc những bài báo về cách người Hàn Quốc đã chung tay thúc đẩy nền sản xuất nội địa của họ trong thập niên 70, 80. Tôi chỉ sợ không có sản phẩm tốt, còn hễ có hàng Việt Nam tốt, tôi nhất định sẽ đặt sự ưu tiên lên đầu. Khi càng có nhiều người làm như vậy, các thương hiệu Việt càng có động lực, tiềm lực và tích lũy để lớn mạnh hơn trong tương lai.”
Tủ đồ “hàng Việt Nam chất lượng cao”
Không phải một tín đồ thời trang, chuộng phong cách đơn giản, thoải mái, chú trọng tính tiện lợi, tủ đồ của gia đình chị Hương vì thế không có quá nhiều màu sắc, cũng không đa dạng, lộng lẫy, “sang chảnh”. Ngoài ra chất liệu tốt, không xù, bai hay bạc màu trong quá trình sử dụng cũng là các yếu tố được chị cân nhắc,
Nhiều nhất trong tủ đồ có lẽ là các thiết kế của Boo - Bò sữa. Cả hai vợ chồng chị Hương đều thích mặc áo phông, quần jeans trong các hoạt động thường nhật, đôi khi là để đi làm do tính chất công việc khá tự do. Hiện tại, thương hiệu nhiều nhất trong tủ đồ của họ là Boo - Bo sữa vì thiết kế khá trẻ trung.
Chị tiết lộ chị có đến cả tá những chiếc áo phông đen của thương hiệu này cũng như một số áo khoác, quần shorts, áo kiểu. Riêng đồ jeans, chị Hương còn hay mua jeans của Gen Việt. Theo chị Hương, dù thương hiệu này chưa nhiều kiểu dáng, nếu giặt không đúng cách còn dễ bị bạc màu. Tuy nhiên, độ bền so với mức giá lại khá ổn. Đặc biệt, đồ jeans của thương hiệu được thiết kế theo phom dáng người Việt nên quần chị mua ở đây chưa bao giờ phải chỉnh sửa gì.
Với đồ đầm, đồ kiểu, chị Hương không trung thành với một nhãn hàng cụ thể nào. Nhưng có một số thương hiệu mà chị thường xuyên để mắt tới như Xéo Xọ, Everluxe, So Young, Magonn, Hữu Là La… Chị Hương chia sẻ, những thương hiệu này thuộc tầm trung đến cao cấp, không phải lúc nào cũng có thể mua được. Thường chị chỉ sắm vào những dịp đặc biệt, như khi có sự kiện quan trọng, hoặc vào các dịp sale hiếm hoi. Đôi khi, chị mua làm quà tặng người thân.
Sở dĩ chị Hương ưa thích các thương hiệu nói trên là vì cách cắt may tỉ mỉ, nét tinh tế riêng, kiểu dáng tự do và dễ mặc với cả những cơ thể nhiều khuyết điểm.
Nếu như bản thân có một danh sách dài các nhãn hàng để lựa chọn thì chị Hương lại chỉ “tín nhiệm” một thương hiệu đồ nam cho ông xã là Phan Nguyễn. Sơ mi, quần âu, vest, áo đờ mi, áo khoác, áo len… chị đều sắm tại các cửa hàng trong hệ thống này. Chị Hương tấm tắc: “Âu phục mua ở đây quần chưa bao giờ phải cắt gấu hay bóp bụng, sơ mi rất vừa vai". Chị cũng tiết lộ thêm, em trai chồng chị - một luật sư - cũng chỉ mua đồ tại Phan Nguyễn cho các buổi lên tòa của mình.
Với đồ cho con, Canifa là thương hiệu được chị lựa chọn. Chị Hương ghé thăm đều đặn vào mỗi dịp đầu năm học, Tết, đầu mùa đông, đầu hè hay các dịp giảm giá mạnh trong năm. Mức giá phải chăng và kiểu dáng đa dạng của Canifa giúp chị Hương thoải mái lựa chọn cho các con ở ba độ tuổi khác nhau cả trai lẫn gái, dù theo thời gian thương hiệu này đã một số thay đổi, có thứ khiến chị hài lòng hơn, có thứ khiến chị kém ưng ý như xưa.
Không chỉ là áo quần, chọn đồ thương hiệu Việt còn là niềm tin, sự tự hào
Chị Hương và chồng đều rất là những tín đồ “hàng Việt Nam chất lượng cao”. Ông xã chị nằm trong số những người mua chiếc B phone đợt đầu tiên, và sau này là Vsmart. Quan điểm của anh là, có thể sản phẩm chưa tốt như kỳ vọng, nhưng có người mua thì nó sẽ tốt dần lên.
Chị Hương tâm sự: “Có thể mọi người không tin, nhưng mỗi lần ngồi gấp quần áo, tôi đều cảm thấy một sự trân trọng khi nhìn vào chiếc mác”.
Mỗi lần lấy quần áo ra là lượt, treo lên mắc hay gấp lại vuông vắn, chị Hương lại thấy một cảm xúc dễ chịu nhen lên. “Gấp 1 chiếc áo quần, sắp đặt 1 cảm xúc. Đó không hẳn là tự hào, mà là một sự ngưỡng mộ xen lẫn với niềm tin tưởng. Đa số các thương hiệu thời trang Việt đều được lập nên bởi những người trẻ đến rất trẻ. Đa số cũng là 8x, những người thuộc thế hệ tôi và chồng tôi. Những chiếc áo quần thơm phức sau mỗi lần sấy giặt khiến tôi cảm thấy có thêm động lực, rằng nếu mình cố gắng đến cùng cho một thứ gì tử tế, mình cũng sẽ nhận được sự ủng hộ và nhất định sẽ thành công.”
Và không chỉ là áo quần, trong nhà chị Hương, thương hiệu Việt có mặt khắp nơi. Từ đôi giày “Một” của cô gái trẻ Huỳnh Quang Ngọc Hân, từ lọ nước hoa hồng Karose của bà chủ vườn hồng Bùi Thị Thanh Hằng đến những chiếc khăn, túi đựng laptop, ví tiền của Tò he, lọ tinh dầu của Đồn Điền, chăn nệm của Acarcia, bát đũa Bát Tràng… Không gian của những thương hiệu Việt với gia đình chị Hương chính là không gian của những cảm xúc tích cực và tinh thần tươi mới.
Việc mua sắm quần áo nội địa của chị Hương được chồng rất ủng hộ. Chị Hương bày tỏ, chị không phải là người sẵn sàng bỏ ra số tiền cả triệu bạc cho một chiếc váy áo, trừ âu phục của chồng, cho nên chị có thể không phải khách hàng VIP của các thương hiệu Việt. Tuy nhiên, chị luôn tin hành động mua sắm có chủ đích của mình sẽ góp những viên sỏi nhỏ trong hàng triệu viên sỏi lát đường giúp các thương hiệu đi tới tương lai mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, khi các doanh nghiệp Việt Nam đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc lựa chọn các thương hiệu Việt, dùng hàng Việt từ những sinh hoạt đời thường cũng là cách để cả nước chung tay “giảm đau kinh tế” và cũng là cách thiết thực nhất để bày tỏ lòng yêu nước của mỗi người.