Làm thế nào để con có ý thức tự học là câu hỏi không của riêng ai, bởi chẳng bố mẹ nào muốn tối nào cũng kè kè bên cạnh kèm con học bài. Mắng nhiếc, đe dọa hay thậm chí "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" chưa bao giờ là biện pháp hiệu quả, ngược lại chỉ khiến con cái sợ sệt, khó tiếp thu hơn mà thôi.
Mới đây, một bà mẹ ở Hà Nội "đau đầu" lên một diễn đàn xin được tư vấn khóa học "đặc biệt" cho con. Chị viết: "Các mẹ ơi! Có mẹ nào cho con tham gia khóa học gì giúp con tự giác học không ạ? Chứ con em lớp 2 mà học chả tự giác tí nào cả? Em áp lực và đau đầu vì chuyện học của con quá ạ".
Dưới phần bình luận, nhiều người thể hiện sự đồng cảm với bà mẹ này. Họ cho biết, con mình học lớp 1, lớp 2, mỗi lần kèm con học là cha mẹ con cái như "kẻ thù", hết la mắng rồi lại cốc đầu. Nhưng nếu "thả trôi" thì con không bao giờ chịu học, như thể việc học và đạt điểm cao là nhiệm vụ của cha mẹ vậy.
"Nếu mẹ có việc chạy ra ngoài phòng nghe điện thoại, con cũng tạm nghỉ thư giãn, khi nào mẹ vào mới quay lại học. Khổ lắm, không biết làm thế nào. Ngày xưa mình tự học, bố mẹ chẳng phải giục giã hay kiểm tra. Bây giờ trẻ con học sao khó thế, chẳng tập trung gì cả. Trông con học xong là hết buổi tối, chẳng làm được việc gì hết", một người than thở.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, bà mẹ này quá "ỷ lại" vào "người ngoài" mà không xét lại trách nhiệm của bản thân. Trên thực tế, chẳng có khóa học nào vài buổi, vài tuần thậm chí vài tháng giúp con tự giác. Muốn rèn cho con ý thức học tập, chính cha mẹ phải là người đồng hành.
Nói đâu xa, chủ yếu những đứa trẻ không có ý thức tự giác cũng xuất phát từ chính phụ huynh khi ngay từ những ngày đầu con đi học, đã tạo tiền lệ "làm hộ con": Soạn sách vở hộ con, nhắc con đi học, ngồi học hộ con, lâu dần hình thành thói quen chỉ khi có cha mẹ bên cạnh trẻ mới tập trung được. Thói quen này khiến cho trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập khi lên cấp 2 và cấp 3.
"Trộm vía con mình lớp 3 rồi nhưng học hành tự giác mẹ không phải ngồi kèm hay hò hét. Em nghĩ tính tự giác ba mẹ nên rèn cho con ngay từ khi còn nhỏ. Mới vào lớp 1 nhưng bạn ấy đi về đến nhà là ngồi vào bàn học luôn. Có hôm nhiều bài con cũng 23h30 mới đi ngủ. Mình không áp đặt con phải làm đúng hết nhưng phải hoàn thành bài cô giao. Có mẹ bên cạnh nhà thì thấy muộn con chưa làm kịp là gấp sách cho con đi ngủ. Mình không vậy. Trộm vía giờ con lớp 3 vẫn duy trì thói quen tự học, tự đặt báo thức dậy đi học, tự chuẩn bị đồ ăn sáng: Nấu mỳ, rang cơm, ốp trứng... Con toàn bảo: Mẹ cứ ngủ đi khi nào con ăn xong con gọi mẹ dậy đưa đi học thôi", một phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm.
Cha mẹ kiên trì, nhất định sẽ gặt được quả ngọt
Nếu bạn đang "vò đầu bứt tai" vì chưa nghĩ ra "kế sách" nào khả dĩ thì đừng lo, hãy bỏ túi ngay 4 tuyệt chiêu này. Nếu kiên trì, bạn nhất định sẽ gặt được quả ngọt.
Trước tiên quan sát thói quen, sau đó mới lập kế hoạch
Cha mẹ có thể dành một tuần để theo dõi chặt chẽ thói quen học tập của con cái. Ví dụ, khi nào viết bài? Viết môn nào? Viết bao lâu? Có thể xong trước 9 giờ tối không? Viết không xong đứa trẻ sẽ phản ứng như thế nào? Hãy ghi chú lại lịch học của trẻ, sau đó trao đổi để lập kế hoạch. Nên nhớ, hãy để trẻ cùng tham gia vào quá trình này.
Đừng đặt mục tiêu phải hoàn thành bài tập hoàn hảo 100% mà nên nương theo khả năng của trẻ rồi từ từ cải thiện. Khi biết được điểm yếu của con, cha mẹ sẽ không đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mà biết cách động viên, giúp đỡ con khắc phục điểm yếu, phát huy những điểm mạnh, như thế trẻ mới có hứng thú học, hứng thú khám phá cái mới.
Yêu cầu quá cao sẽ làm cho trẻ em cảm thấy chán chường, cảm thấy không thể hoàn thành. Nên bắt đầu xây dựng kế hoạch từng bước một, sau đó nâng cao độ khó từ từ. Trẻ sẽ có nhiều khả năng đạt được mục tiêu của mình trong quá trình này và có cảm giác hoàn thành hơn.
Trước khi con hình thành thói quen tốt, xin cha mẹ hãy làm một người bạn dịu dàng
Trong quá trình lập kế hoạch học tập, tránh mắng mỏ nặng lời, đánh đòn con. Cha mẹ phải kiểm soát tốt cảm xúc, tự nhắc mình kiên nhẫn. Tiểu học là giai đoạn hình thành thói quen học tập tốt nhất, cha mẹ ngoài cố gắng bình tĩnh cũng phải chấp nhận một thực tế, đó là con cái chúng ta có thể không phải là thiên tài mà chỉ là một người bình thường.
Kế hoạch học tập có thể diễn ra suôn sẻ hay không phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc của cha mẹ.
Giỏi nắm bắt sự tiến bộ dù lớn hay nhỏ, kịp thời khuyến khích con cái
Việc động viên, khen con cũng rất cần thiết, điều này giúp trẻ cảm thấy bản thân tiến bộ từng ngày khi việc học của mình được ghi nhận, trẻ vì thế sẽ hứng thú hơn. Khi thấy con bắt đầu cảm thấy căng thẳng hoặc không muốn học nữa thì nên cho con nghỉ 10-15 phút thì con sẽ thoải mái hơn mà mình cũng không phải nổi nóng với con.
Ví dụ, hôm nay con học thêm 3 từ tiếng Anh; ôn tập bài tiếng Việt sớm hơn 2 phút; Hiểu một phép Toán rất nhanh... Đừng tiếc lời động viên con ngay lập tức. Có thể nói với trẻ: Con học thêm 3 từ ngày hôm nay, đó là nhờ con đã rất cố gắng, mẹ tự hào về con. Mẹ tin rằng sắp tới con sẽ có tiến bộ hơn nữa. Đừng bao giờ nói, con rất giỏi, rất tuyệt vời. Cách khen chung chung sẽ khiến trẻ không biết sự tiến bộ cụ thể ở đâu.
Sau khi con hoàn thành việc học, bố mẹ có thể thảo luận với con nơi để vui chơi, ăn uống, để trẻ hiểu rằng học tập không phải là tất cả của cuộc sống. Một phương diện khác của việc động viên, khuyến khích con cái là thái độ của cha mẹ khi con bị điểm kém.
Bố mẹ đừng bao giờ trách móc hoặc có những hành động gây thêm áp lực cho con và ngược lại, cũng không nên chỉ dừng ở việc nói con hãy cố gắng ở những lần sau. Tiếp sau những lời động viên an ủi, việc quan trọng hơn là bố mẹ phải nói chuyện thẳng thắn với con, giúp con phân tích một cách cụ thể nguyên nhân và có phương án cải thiện. Miễn là cha mẹ ổn định cảm xúc và nhẹ nhàng khuyến khích, đứa trẻ chắc chắn có thể hoàn thành kế hoạch học tập suôn sẻ.
Hãy học cách buông tay
Nếu ba thủ thuật trên đều diễn ra suôn sẻ, đứa trẻ chắc hẳn có thể phần nào tự hoàn thành bài tập của mình. Tại thời điểm này, bố mẹ không cần phải kè kè bên con mỗi ngày, chỉ cần nói với con nếu con cần giúp đỡ, đừng ngại nhờ bố mẹ rồi làm công việc của mình.
Buông tay không phải mặc kệ mà vẫn để việc học của con trong tầm mắt. Bố mẹ nên quan sát ý thức tự giác của con. Cha mẹ có thể ngồi bên con khi bắt đầu làm bài tập thời gian đầu, nhưng sau đó từ từ tách xa con để tạo cho con cảm giác thoải mái khi ngồi học một mình mà vẫn có động lực để hoàn thành công việc. Đều đặn theo thời gian, cha mẹ nên tăng dần khoảng cách với con khi học tập để con quen cách tự lập và phụ huynh cũng có thêm thời gian cho riêng minh.