Trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng, dinh dưỡng hàng ngày là vô cùng cần thiết. Trẻ độ tuổi mẫu giáo (4-5 tuổi) có nhu cầu năng lượng bằng 2/3 nhu cầu năng lượng của người lớn lao động nhẹ, nhưng số lượng mỗi bữa ăn ít hơn người lớn rất nhiều. Vì vậy, để đảm bảo đủ năng lượng, trẻ cần phải ăn khoảng 5 bữa/ngày. Nếu bữa ăn thiếu chất hoặc không đảm bảo vệ sinh đều có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ.
Đó là lý do khi chọn trường cho con, ngoài cơ sở vật chất, phương pháp giáo dục, trình độ giáo viên thì thực đơn ở trường là điều mà phụ huynh nào cũng quan tâm. Và từ trước đến nay, chuyện cha mẹ "tố" bữa ăn của con ở trường thiếu đảm bảo về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm là chuyện vẫn thường xảy ra.
Tuy nhiên mới đây, một bà mẹ ở Hà Nội lại "phốt" trường mầm non con mình đang học theo cách không thể ngược đời hơn. Theo đó, chị đã đăng loạt ảnh bữa ăn nhìn rất hấp dẫn của con mình lên một diễn đàn dành cho phụ huynh. Không khen cũng chẳng chê, điều người mẹ lo lắng chính là: "Con mới 3 tuổi, liệu ăn thế này thì có bị quá tải không vì lượng thế này phải cho các bé lớn 5-6 tuổi".
Ảnh được bà mẹ này đăng tải.
"Nhiều lúc cô quay clip con ăn hết nhưng vì con là con gái mà cho ăn thả phanh thì mấy nữa bụng to xấu lắm", người mẹ nói. Đồng thời, chị xin ý kiến làm sao góp ý cho trường để tránh mất lòng cô giáo mà con ăn không bị quá no, ảnh hưởng đến ngoại hình.
Topic của chị thu hút hơn nửa triệu lượt like cùng gần 500 bình luận.
Chọn sức khỏe cho con hay chọn... dáng đẹp ở tuổi lên 3?
"Con mới 3 tuổi, giữ dáng là giữ thế nào? Đọc mà tưởng mẹ định 5 tuổi cho con đi thi Hoa hậu. Đúng là trên đời kiểu cha mẹ nào cũng có", một phụ huynh bình luận kèm vài icon thể hiện sự ngao ngán. Cư dân mạng khác thì nhận xét, làm giáo dục đúng là chẳng khác nào "làm dâu trăm họ". Cho ít thì bảo không đủ chất dinh dưỡng, rồi "ăn" bớt nọ kia. "Ngon lành" xinh xắn, đồ ăn thoải mái thì bảo sợ con bụng to, sống sao cũng không vừa lòng quý phụ huynh được.
"Thế chắc ở nhà mẹ cho con ăn cơm gạo lứt, ức gà, thịt bò, cá hồi để giữ dáng thôi đúng không? 3 tuổi lo giữ dáng thì khổ thân con bé"; "Tầm này là ăn theo nhu cầu, con ăn còn lớn, nhìn ăn nhiều thế chứ các con cũng vận động nhiều mà. Dậy thì lớn rồi tự con biết giữ dáng, mẹ lo xa quá", một phụ huynh bình luận.
Hay một số phụ huynh khác cũng để lại ý kiến: "Cuối tuần ở nhà cho detox (thanh lọc) bằng nước ép, sinh tố, sữa hạt nữa thì có mà dáng như siêu mẫu; "Tôi đã ước con tôi được đi học ở Việt Nam để được ăn ngon và nhiều như vậy. Chứ đi mẫu giáo bên Đức ăn toàn bánh mì với xúc xích và dưa chuột, cà chua phô mai mỗi ngày thôi",…
Cũng có ý kiến cho rằng, việc mẹ lo lắng con béo phì là điều có thể hiểu được. Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều phụ huynh hiện nay. Béo phì ở trẻ em không chỉ khiến trẻ ngừng tăng trưởng sớm mà còn làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ, các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, một số bệnh ung thư… Tuy nhiên, nhiều người cho biết, với những suất ăn được đăng tải này, con mình mới 2 tuổi vẫn thừa sức ăn hết. Với bé 3 tuổi thì lượng thức ăn này không quá nhiều để mà sợ... mất dáng. Con ăn tốt, ngủ tốt là mơ ước của nhiều phụ huynh.
Ở độ tuổi này, các con ăn bao nhiêu là lựa chọn của con. Cùng 1 phần ăn, có bạn ăn nhiều, bạn ăn ít. Cô giáo không thể quản được việc con ăn bao nhiêu cho bụng đỡ to. Ở trường có bữa trưa như này (chưa kể 1 bữa phụ) đến tận tối mới về nhà ăn bữa chính thì trong khoảng thời gian đó con cũng đã vận động tiêu hao năng lượng đi nhiều.
Nếu hiện tại con béo phì, hoặc sợ con béo phì, mẹ có thể cân đối bữa ăn cho con vào giờ tối, nhưng phải đảm bảo đủ dinh dưỡng để con phát triển. Đối với trẻ mầm non, mẫu giáo (3-5 tuổi), nhu cầu năng lượng khuyến nghị trung bình từ 1.230-1.320 kcal/ngày. Trong đó, chất bột đường chiếm 52-60%, chất đạm chiếm 13-20%, chất béo chiếm 25-35% tổng năng lượng khẩu phần.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao phù hợp để bé phát triển chiều cao và cân nặng một cách tốt nhất. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ độ tuổi mầm non cần hoạt động thể lực cường độ vừa trở lên bằng các môn thể thao như bơi lội, đi bộ, chạy, chơi đuổi bắt… ít nhất 60 phút/ngày. Phụ huynh có thể chia nhỏ hoạt động trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, mỗi lần ít nhất 10 phút.