Không tính tiền dụng cụ học tập, ăn sáng, tiêu vặt hay một số khoản phát sinh, mỗi tháng chị Hoàng Ngọc (TP.HCM) tính toán sẽ phải tiêu vào tiền học của con khoảng 7,9 triệu đồng, hai con gần 16 triệu đồng, trong khi thu nhập của chị là 12 triệu đồng.

"Gia đình đã tiết kiệm và nâng lên hạ xuống hết mức, nhưng giảm thế nào cũng không hạ được khoản chi tiêu học hành của con xuống dưới 7 triệu đồng mỗi đứa. Mang tiếng con học trường công tháng chưa tới 2 triệu đồng nhưng những khoản tiền ngoài quá nhiều, từ học thêm đến ngoại khóa. Lương hai vợ chồng được hơn 25 triệu đồng, cả năm đi làm không tiết kiệm được đồng nào vì nuôi con học đã hết 2/3", chị chia sẻ.

Bà mẹ ở TP.HCM liệt kê tiền học 1 tháng của con, nhiều người lắc đầu: Tưởng học trường công thì "dễ thở" lắm - Ảnh 1.

Số tiền học của con được chị Ngọc liệt kê.

Được biết, con chị mới học lớp 7. Người mẹ này trăn trở khi nghĩ đến viễn cảnh vài năm nữa con vào đại học không có khoản tiết kiệm nào. Tuy nhiên, chị Ngọc khẳng định, nếu không đi học thêm, các con sẽ không có khả năng cạnh tranh được với các bạn trong lớp cũng như không thể đỗ được vào các trường điểm khi chuyển cấp.

Trên danh sách thống kê có thể thấy, tiền học hai bé ở trường công chỉ 3 triệu đồng. Tuy nhiên, phần học thêm Toán, tiếng Việt tuần 3 buổi hai bé mất hết 4,8 triệu đồng. Học đàn và bơi 2,5 triệu đồng/tháng, hai bé hết 5 triệu đồng. Anh văn tuần 2 buổi, 1,4 triệu 1 bé, hai bé gần 3 triệu đồng. Ở thành phố lớn chi phí đắt đỏ, 9 triệu còn lại trong tổng thu nhập của hai vợ chồng chị chỉ đủ để tiêu xài "nhin nhín" mới tạm gọi là đủ ăn đủ tiêu. "Nhiều lúc muốn cho con học thêm vài môn ngoại khóa, lập trình... cho bằng bạn bằng bè nhưng lực bất tòng tâm", chị Ngọc nói.

Dưới phần bình luận, nhiều người tỏ ra đồng cảm. Một phụ huynh cho biết, con mình mới lớp 1, chi phí học thêm và phụ đạo cũng ngót nghét như trên. Theo một báo cáo của Tổng cục Thống kê, những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao trên thế giới. Người dân sẵn sàng đầu tư cho giáo dục với mức chi ngày một tăng. Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu của hộ gia đình. Điều này trở thành một áp lực nặng nề với các bậc cha mẹ ngay cả khi có thu nhập ổn định ở mức khá.

Tuy nhiên, nhiều người cũng nhận định, đầu tư cho con bao nhiêu nên tùy điều kiện từng nhà mà liệu cơm gắp mắm. Nếu vẫn thấy lo được cho con thì cố gắng, còn không có thể cho con học online, hoặc chọn những nơi học ngoại khóa, năng khiếu có mức phí phù hợp hơn.

Một số người cho biết, con mình lớp 7, học phí ở trường không tốn, không bán trú, tự học không học thêm, suy ra tháng mất 0 đồng. Có bé không học thêm tiếng Anh, có bằng tin học quốc tế IC 3 dù chỉ học theo chương trình trong trường. Hiện nay kiến thức trên internet bạt ngàn, quan trọng là bố mẹ có đồng hành cùng con sát sao hay không.

Nói về việc chi tiền học thêm cho con, một giảng viên cho rằng, học sinh tiểu học thì chưa nên đi học thêm các môn văn hóa. Với học sinh THCS thì ở lớp đầu cấp cũng vậy. Còn các lớp sau có thể cho đi học thêm vào các đợt thi nhưng nên tiết chế. Học thêm mất rất nhiều thời gian và công sức của trẻ. Có bạn học thêm quá nhiều nên não có hiện tượng đơ. Có lúc ngồi cả tiếng không nghĩ ra được bất kì chữ gì để viết. Các bạn bị mất thời gian tự học, tự tìm lỗi sai, tự sửa sai. Vì thế nhiều bạn đi học thêm nhiều nhưng kết quả không như mong muốn.

Không ít nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng dành quá nhiều thời gian học tập chỉ để đáp ứng các kỳ thi và bỏ lỡ những cơ hội rèn luyện sức khỏe, trải nghiệm cuộc sống là điều rất đáng tiếc cho người học nói riêng và cho quốc gia trong tương lai nói chung.