"Bảo vệ mà ăn mì gói miết vậy sức đâu thức, để đó chị lo"
Một buổi tối sau ngày chung cư bị phong tỏa, Quỳnh Trang đang đi lững thững tới cổng bảo vệ thì thấy hai chú bảo vệ đang úp mì gói. Trang thấy hơi chột dạ. Lúc vòng qua lại bãi xe thấy em bảo vệ chị biết cũng đang ăn mì.
- Ủa, Sang tính mấy tuần tới ăn uống sao em?
- Dạ chị, thì mì gói bún gói đồ thôi chị tại tụi em bị ở lại mà bảo vệ đâu có chỗ nấu nướng hay gì.
- Bảo vệ mà ăn vậy sức đâu thức. Mà mì ăn miết cả tháng sao được?
- Dạ không sao chị, vì tình thế vậy thì có sao ăn vậy thôi chị ơi!
- Thôi, để đó chị lo cho cả khu. Báo các anh em bảo vệ và tổ lao công đi, từ mai cơm nước ngày hai bữa chị lo.
Trang quyết rất nhanh vì đơn giản, gạo cả kho luôn có sẵn (nhà Trang có bán gạo), bản thân lại thích nấu ăn. Trang về khu chung cư này sống đã hơn 10 năm và biết các anh em bảo vệ, các cô chị lao công dọn dẹp đã khá vất vả. Chị nghĩ nhận từ họ nhiều vậy rồi thì bây giờ mời cơm họ vài tuần chỉ là chuyện quá nhỏ.
Nghĩ là làm ngay hôm đó 10h đêm Trang lên shopee đặt khay ăn liền vì nghĩ dịch thì bớt xả rác để đỡ cho nhân công dọn dẹp. Trang nhắn tin cho anh bán hàng "Anh cố gắng hỗ trợ giao cho kịp mai em nấu bữa trưa cho mọi người nha" và thế là người ta giao liền.
Đơn giản như nấu cơm cho một gia đình lớn
Tới bữa mình ăn gì, Trang cũng nấu cho mọi người ăn như vậy. Chỉ đơn giản là như nấu cơm cho một gia đình lớn thêm vài chục phần ăn một ngày.
Trang nghĩ: "Cứ xem như ngày nào nhà cũng có tiệc đi cho hồ hởi".
Thế là cứ sáng ra, làm bữa sáng cho cả nhà xong là Trang lại quay qua nấu bữa trưa. Giao xong thì dọn rửa bếp sạch sẽ rồi nghỉ ngơi một chút rồi bắt tay làm cơm chiều. Giao xong lại dọn dẹp rửa ráy, ngày nào đuối quá thì lười để đó sáng mai dọn rửa sớm.
Quy trình chuẩn bị để nấu và giao hàng của Trang cũng rất cẩn thận: Nấu xong thì bỏ khay, bỏ túi theo từng đợt. Trang cứ để đó rồi đi vào, anh em tự đem theo khay của bữa ăn trước để trước cửa rồi xách cơm bữa mới về.
Những phần ăn Trang chuẩn bị rất cẩn thận cho đội bảo vệ, lao công trong khu chung cư nhà mình.
Công việc này Trang làm đã được 3 tuần nay, anh em bảo vệ, chị em lao công đã có những bữa ăn ấm áp, ngon miệng, giữa lúc eo ngặt này. Các món ăn thay đổi từng bữa. Ai ăn chay thì nấu chay, ai ăn mặn nấu mặn. Và tất cả phần ăn đều có trái cây hoặc bánh, chè tráng miệng.
Tất cả mọi chi phí bữa ăn đều được thực hiện bằng công sức và tiền của cá nhân Trang.
Lúc đầu việc mua thực phẩm cũng có chút khó khăn do hôm xếp hàng siêu thị mua mấy vỉ trứng mà họ không cho. Trang nói mua về nấu cho nhiều người ăn nhưng họ nói mỗi người chỉ được mua 1 vỉ. Nhưng sau quen rồi nên chị chọn cách mua dần dần.
Trang bảo lúc nấu sợ nhất là đồ ăn mặn vì Trang nêm theo quán tính do không thử đồ ăn được vì Trang ăn chay trường. Cứ đưa cơm xong đợi mọi người ăn xong thì Trang nhắn tin hỏi xem hôm nay đồ ăn ra sao. Nhưng rất may vì mọi người thường khen ngon. Thực ra trước đây thời gian sinh em bé Trang đã về Nha Trang và mở 1 nhà hàng nhỏ.
"Vì nấu ăn cũng quen tay rồi đó nên may mắn nấu tới hôm nay chưa bị té muối", Trang cười nói.
Việc nấu cơm đều do 1 mình tay Trang làm hết dù chị vẫn còn công việc công ty của mình phải giải quyết, nhưng chỉ có cách là cố gắng sắp xếp thời gian biểu hợp lý. Tuy có bận rộn hơn nhưng Trang vẫn cười tươi và nói rằng "vì mình thích nấu ăn nên cũng không nhọc". Chị cũng nói vui: "Đừng ai hỏi sao phong tỏa mà bà Trang bận quá gọi hay nhắn tiền hàng mà không thấy báo. Thôi thì cái nào ưu tiên thì mình làm trước nha mọi người".
Một số người biết Trang nấu cơm cho lao công, bảo vệ trong mùa dịch đã nhắn tin riêng muốn gửi thêm tiền Trang để mua lương thực nấu ăn. Nhưng Trang từ chối vì lý do là từ ngày đầu tiên làm việc này, chị đã nghĩ mình tự một mình thu vén được về mặt tài chính cũng như khả năng nấu nướng thì mới làm nên bản thân chị không cần thêm sự hỗ trợ của mọi người.
Chị kêu gọi sự giúp đỡ này có thể chuyển sang cho các bác sĩ, y tá, điều dưỡng tham gia tuyến đầu: "Các anh chị bạn bác sỹ, y tá, điều dưỡng mà mình quen, khi mình hỏi thăm tình hình thì càng thấy thương họ hơn. Họ phải có sức khỏe và họ phải an toàn thì nhiều người mới được cứu sống. Vậy nên việc cơm nước này nó quá là nhỏ bé so với những gì mà các bạn tuyến đầu đang làm. Xin nhường lại sự đóng góp của mọi người cho các y bác sĩ, điều dưỡng và các tình nguyện viên đang ở các bệnh viện và trại cách ly".
Còn phong tỏa ngày nào, sẽ còn làm cơm cho mọi người ngày đó
Là bà mẹ có con nhỏ chỉ mới 7 tuổi, nhưng Quỳnh Trang cũng từng được biết đến là một nữ doanh nhân, một phụ nữ giỏi giang, từng làm nhiều vị trí cao trong các tập đoàn lớn. Chị cũng đã tốt nghiệp quản trị kinh doanh ở Mỹ.
Nhiều người nhớ tới Trang vì là một phụ nữ hay cười, khó khăn đến cỡ nào khuôn mặt chị vẫn luôn rạng rỡ sự lạc quan. Chị cũng là phụ nữ giàu lòng trắc ẩn và lúc nào cũng nghĩ về người khác, hay chia sẻ với người khác và quyết mọi thứ rất nhanh. Trước đó Trang vốn là người đã làm thiện nguyện rất nhiều. Một số chương trình thiện nguyện chị làm được người ta biết đến như: Thực phẩm cho tuyến đầu Bắc Giang, gạo cho bếp ăn nụ cười, thực phẩm cho vùng lũ Quảng Bình, gạo cho Hội bệnh nhân thận Nha Trang...
Chị hiện cũng đang là bà chủ của 3 công ty: 1 công ty chuyên cung ứng quà tặng doanh nghiệp, 1 công ty bán lẻ và 1 công ty sự kiện.
Con chị mới 7 tuổi, tuy con vẫn còn nhỏ và phải lo lắng cho con như những bà mẹ khác nhưng tính cách con khá độc lập, nên chị chẳng ngần ngại "ôm thêm việc" và giúp đỡ cho mọi người. Giúp đỡ được ai trong lúc này là giúp vì Sài Gòn cần điều này hơn bao giờ hết. Hơn nữa, dịch bệnh đã khiến cho Trang nghĩ cuộc sống này vốn vô thường, chẳng phải điều còn lại chỉ là thứ ân tình người ta dành cho nhau đó sao?
Trang nói rằng chị chỉ mong mỗi người nhìn ra bên cạnh 1 chút xíu, và đừng ngại việc mình làm quá nhỏ nên không làm. Ví dụ mỗi nhà nấu dư ra 1 phần cơm thì 10 nhà dư 10 phần cho 10 người khó hơn mình rồi. Nếu muốn là sẽ làm được thôi, không vấn đề gì đâu.
Trang chỉ có 1 lời khuyên như thế này cho những ai có ý định làm thiện nguyện vào mùa dịch: "Mọi người phải biết tự bảo vệ mình trước khi muốn bảo vệ người khác. Nên dù có làm thiện nguyện hay gì, vẫn luôn phải cẩn trọng".
Trang nói thêm: "Còn phong tỏa ngày nào, mình sẽ còn làm cơm cho mọi người ngày đó. Vì đây là lúc ngặt, người giúp nhau lúc ngặt chứ chưa chắc giúp được lúc nghèo, mình cũng không nuôi ai được cả đời. Tiền mình còn kiếm lại được, chứ trải nghiệm này khó có lại lần thứ hai.
Thương Sài Gòn theo cách của mình. Đơn giản vậy thôi. Cảm ơn Sài Gòn 18 năm cho mình nương thân nha Sài Gòn".