Bà mẹ TP.HCM hoang mang cầu cứu: "Sao mình "ghét" con đến thế? - Không phải con hư, mẹ hãy xét lại 3 yếu tố này!
Bà mẹ muốn thoát ra khỏi tình trạng "ghét" con này!
Bạn có bao giờ thấy ghét con không?
Con ruột của mình, con do chính mình sinh ra, ôm ấp và nâng niu ngày qua ngày, bón từng muỗng cơm, muỗng cháo?
Nếu câu trả lời là "CÓ" thì bạn không cô đơn. Một bà mẹ ở TP.HCM mới đây cũng hoang mang vì đang ở trong tình trạng này. "Sao mà có lúc mình ghét con cái đến thế nhỉ. Nhìn con làm gì cũng thấy ghét, cứ muốn chửi con. Có cách nào thoát khỏi tình trạng này không?", chị chia sẻ.
Câu hỏi ấy vang lên đầy đau đớn. Nó không phải là lời buộc tội, càng không phải tiếng nói của một người mẹ chưa tốt. Đó là tiếng lòng của một người đang kiệt sức, hoang mang, đang tự vấn chính mình trong sự dằn vặt và day dứt.

Một phụ huynh khác đồng cảm: "Mình dạo này cứ hay tự soi lại bản thân. Mình đặt ra KPI cho mình là: Không được quát con. Nhưng rồi, thường chỉ kiên trì được… hai ngày. Càng lớn, sao mình càng khó chịu với con? Ngày nào cũng cáu, cũng quát.
Thấy con ngồi lì trước bàn học không viết một chữ, là cáu. Gọi đi ngủ năm lần bảy lượt, con vẫn tỉnh bơ như không nghe thấy, là quát. Đi làm cả ngày mệt rã rời, nấu cơm dọn nhà mỏi nhừ, con lại cứ bám lấy đòi chơi… là mất kiên nhẫn. Rồi cái kết quen thuộc: Mẹ quát, con khóc, nhà cửa ầm ĩ. Trước đây thấy con khóc là thương, giờ con khóc lại… phát bực. Không thấy tội, chỉ thấy phiền!".
Có những ngày, việc làm mẹ giống như bước đi trong một mê cung – con khóc, mẹ mệt, nhà cửa bề bộn, công việc căng thẳng, chồng thì chẳng thấu hiểu. Từng điều nhỏ nhặt như tiếng con càm ràm, bát cơm rơi vỡ, bài tập làm mãi không xong… cũng đủ làm bùng lên ngọn lửa cáu giận âm ỉ.
Không phải ai cũng dám thừa nhận: Mình đã từng thấy ghét con – dẫu chỉ trong chốc lát. Nhưng cảm xúc ấy có đáng xấu hổ? Trừ những trường hợp, hoàn cảnh đặc biệt, thì đây thường là dấu hiệu báo động cho thấy người mẹ ấy đang cần được yêu thương, cần được nghỉ ngơi, cần được chia sẻ.
Thôi thì, hôm nay ta cùng nhau tìm lối thoát nhé!
Dưới bình luận, có một người mẹ nói: "Tạm nghỉ yêu thương cũng là một cách nghỉ ngơi". Mỗi khi mệt mỏi, chị nói với con mình bằng sự chân thật: "Có nhiều lúc mẹ cần nghỉ ngơi. Tạm nghỉ yêu thương một chút, rồi nghỉ xong mẹ lại yêu con như bình thường".
Nuôi con là hành trình dài, vất vả và có lúc cạn kiệt. Chúng ta vẫn yêu con – chỉ là đôi khi, trái tim cần một khoảng lặng để hồi phục. Như một dòng sông phải chảy chậm lại khi gặp đá, như mặt trời cũng có lúc khuất sau mây.
Chỉ là tạm nghỉ, chứ không phải ngừng yêu.
Trong tâm lý học, người ta gọi đó là "đứa trẻ bị tổn thương bên trong" – một phần trong mỗi người mẹ, đôi khi mệt mỏi, cô đơn, cần được yêu thương và vỗ về như chính một em bé.
Khi mệt mỏi, mẹ hãy tự hỏi 3 câu này:

Có phải mình đang quá mệt không?
Một cơ thể kiệt sức không thể chứa đựng một tâm hồn dịu dàng. Kiên nhẫn với con chưa bao giờ là chuyện "ráng chịu đựng". Hãy thử nhớ lại, lúc bạn thấy con phiền nhất – thường là khi:
– Vừa cãi nhau với chồng.
– Bực mình vì mẹ chồng.
– Đau đầu, mệt mỏi, công việc trục trặc.
Những lúc đó, con chạy đến cầm cuốn sách bảo: "Mẹ ơi, đọc cho con nghe", bạn sẽ phản xạ: "Thôi đi! Tự đọc đi, đừng làm phiền mẹ!". Nhưng nếu là lúc khác, thì đây lại là khoảnh khắc rất đẹp – con chủ động đọc sách mà!
Vấn đề không phải ở con, mà là ở mình – lúc đó đã chạm đáy của năng lượng, chẳng còn nổi 1% bình tĩnh. Theo cuốn Sức mạnh của thói quen, ý chí giống như cơ bắp – nó cạn kiệt khi ta mệt mỏi, đói bụng, kiệt sức. Và khi vượt quá ngưỡng chịu đựng, ta sẽ rơi vào trạng thái "kiệt quệ trong vai trò làm cha mẹ", tức: Không còn cảm xúc trước tiếng con khóc. Mặc kệ con thế nào cũng được, không muốn can thiệp. Nghi ngờ chính mình: "Chắc mình không hợp làm mẹ…".
Nếu đang như vậy – xin bạn hãy tha thứ cho bản thân.
Đó không phải lỗi của bạn – mà là dấu hiệu: Bạn cần được yêu thương.
Làm người trước, làm mẹ sau.
Nếu pin trong bạn chỉ còn 20%, thì đừng cố gồng mình "làm mẹ mẫu mực".
Hãy sạc lại mình trước.
Nghe nhạc, lướt điện thoại, xem một tập phim – bất cứ gì giúp bạn hồi phục trên 80%, rồi hãy quay lại với con.
Đừng ép mình phải "chịu đựng", rồi đến một lúc bùng nổ – biến con thành thùng rác cảm xúc.

Có phải mình không hiểu con?
Làm người lớn lâu quá, ta dễ quên mất cảm giác làm một đứa trẻ. Ta hay áp tiêu chuẩn của người lớn lên con, rồi thấy con "không nghe lời", "không hiểu chuyện": Sao mặc quần áo đơn giản vậy mà nhắc hoài không làm? Sao dạy mãi một chuyện mà cứ tái phạm? Sao chỉ mất một thẻ siêu nhân mà khóc lóc như tận thế?
Tất cả vì ta chưa hiểu.
Hãy tự hỏi: Nếu quay ngược 30 năm, mình có cư xử tốt hơn con không? Bỏ qua có sao không?
Đôi khi, chỉ cần một câu trả lời: "Thật ra cũng không sao". Con khóc, con cứng đầu, con làm sai – không vì con hư. Mà vì con vẫn đang lớn lên. Não bộ chưa phát triển hoàn chỉnh. Kỹ năng tự kiểm soát chưa hình thành. Kinh nghiệm sống còn hạn chế.
Ta đang đối diện với một đứa trẻ – chưa biết cân nhắc hậu quả, chưa thể lý luận sâu, và thường chỉ sống theo cảm xúc.
Con chưa đủ sức làm điều mà người lớn cho là "rất đơn giản".
Thế nên, khi ta lùi lại, đặt mình ngang với con – ta bỗng nhẹ lòng.
Nhiều vấn đề, thật ra không phải vấn đề – chỉ là vấn đề thời gian, vấn đề độ tuổi, vấn đề phát triển tâm lý.

Có phải mình kỳ vọng quá nhiều không?
Đau khổ bắt đầu khi ta kỳ vọng không đúng.
Con lớn thêm một tuổi – ta mặc định: Phải ngoan hơn, hiểu chuyện hơn, giúp đỡ cha mẹ nhiều hơn. Nhưng thực tế thì sao? Con vẫn vụng về. Có khi còn "thụt lùi". Những điều từng học, có thể lại quên. Những quy tắc từng nghe, có thể lại phản kháng.
Ta nghĩ: "Chuyện đơn giản thế mà làm không được?"; "đã dặn bao lần rồi, sao vẫn sai?"; "lớn thế rồi, sao không biết nghĩ cho bố mẹ?". Những suy nghĩ ấy sinh ra khó chịu.
Nhưng xin nhớ: Bạn không thể nuôi một đứa trẻ hoàn hảo.
Cũng như: Nếu bạn từng không đứng top đầu lớp, thì con không đạt điểm cao cũng là chuyện bình thường. Nếu bạn từng không học giỏi năng khiếu, thì con vẽ xấu, đàn dở, cũng không sao cả. Nếu bạn từng nghịch ngợm, hay bị mắng, thì con bẩn chút, lì lợm chút – cũng bình thường.
Chúng ta đều đã 30 tuổi, 40 tuổi rồi cũng vẫn có khuyết điểm. Tại sao đến lượt con lại không được phép có?
Hạ thấp kỳ vọng xuống – bạn sẽ thấy con mình thật dễ thương. Và quan trọng hơn, những "tật xấu" đó, không làm con bạn thất bại trong tương lai. Thay vì chê bai, hãy tìm điểm tốt và khen ngợi.
Vậy nên, có một câu bạn nên luôn tự nhắc mỗi sáng và mỗi tối: "Dù người khác có nghĩ gì, tôi vẫn tin con tôi rất tuyệt vời". Bởi lẽ, cái "không tốt" – dù bạn có nghiêm khắc cách mấy cũng chưa chắc thay đổi. Nhưng cái "tốt" – nếu bạn bỏ qua, có thể sẽ biến mất không dấu vết.
Cuối cùng, xin mượn lời trong cuốn "Người làm vườn và người thợ mộc" của Giáo sư tâm lý học Alison Gopnik (Đại học California):
Người thợ mộc nuôi con như tạo ra một "sản phẩm hoàn chỉnh" – nên cứ cắt gọt, sửa chữa, định hình. Người làm vườn thì tạo ra một mảnh đất đầy nắng và tình thương – rồi để con tự do lớn lên theo cách của riêng mình.
Bạn chỉ cần cho con ánh sáng và nước.
Việc còn lại – hãy để con tự mình rực rỡ vươn lên.