Bà mẹ TP.HCM rơi nước mắt vì con gặp cú sốc đầu đời, học giỏi vẫn bất lực trước 1 bài thi: Nghe kể mà thương
Câu chuyện được phụ huynh chia sẻ nhận về nhiều sự đồng cảm.
Dù kỳ thi vào lớp 10 đã kết thúc nhưng tại TP.HCM, địa phương được đánh giá là tiên phong trong việc đổi mới cách ra đề thi vào lớp 10, câu chuyện về đề thi vẫn đang là vấn đề được bàn luận.
Khi kết thúc môn Toán thi lớp 10 TP.HCM, nhiều thí sinh đã bật khóc vì đề thi môn Toán khó, ngay cả với những học sinh có học lực giỏi. Không ít em cảm thấy chưa thoát khỏi cúc sốc đầu đời vì cả năm học hành chăm chỉ nhưng lại bất lực trước một bài thi. Thậm chí có em còn tự cô lập bản thân sau khi kỳ thi kết thúc.
Một số phụ huynh cũng tâm tư vì con ôn thi suốt cả năm qua nhưng vẫn không làm được bài. Trả lời phỏng vấn trong chương trình Chuyển động 24h của VTV24, chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (TP.HCM) bật khóc vì con học luôn đứng đầu lớp nhưng giờ ra khỏi phòng thi với tâm trạng hoang mang.
"Bạn đang nằm trong phòng, bạn không ra, không giao tiếp. Ngay cả khi bạn bè tới và mình cũng nhờ rất nhiều người can thiệp nhưng thực sự không xử lý được. Bạn bỏ 3 đến 5 câu thực tế, chỉ làm được 2 câu. Môn Hình chỉ làm được 1 câu nhỏ. Và bạn chấm điểm bạn từ 4,75 cho đến 5 điểm thôi", chị Hân nói.
Chị Phan Kim Anh, một phụ huynh khác cho biết, lớp con mình có 42 bạn và chỉ có 2 bạn học sinh khá, còn lại giỏi hết. Trong trường Toán con mình rất tốt nhưng khi đi thi các bạn lại không làm được bài. "50% đổ xuống thi Toán không được, khoảng 5 điểm hoặc dưới 5 điểm", chị nói.
Nhiều người nhận định, với đề Toán thi lớp 10 vừa rồi, những học sinh học máy móc thì khó lòng làm được. Học sinh phải có khả năng đọc hiểu và vận dụng linh hoạt kiến thức đã được học mới làm được đúng.
Câu 6 là câu nói về Toán chuyển động ngược chiều và viết hàm số biểu diễn khoảng cách của hai xe so với TP.HCM. Chuyển động ngược chiều này làm cho học sinh hoang mang, khó tưởng tượng ra được. Bài số 7 là một bài khó. Hai thùng chứa nước thì cho mở vòi nước để chảy hết ra ngoài. Đòi hỏi học sinh phải biết lập hệ phương trình, gọi x, gọi y. Đây là một bài toán phân loại.
Trước vấn đề này, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho rằng kỳ thi lớp 10 là thi tuyển sinh, đề thi phải thể hiện tính phân hóa, có dễ, có khó để phục vụ được mục tiêu tuyển sinh.
Kỳ thi này khác với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp là đánh giá kiến thức học sinh. Đề thi tuyển sinh lớp 10 phải phân loại được các em có trình độ cao hơn, giỏi hơn để vào được các trường tốp đầu, những em thấp hơn vào các trường tốp giữa và các trường thuộc tốp kế tiếp.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh: "Không phải đánh giá một đề thi khó hay dễ mà đề thi phải có sự phân hóa để học sinh giỏi làm được bao nhiêu phần trăm, rồi học sinh khá hay học sinh trung bình, yếu làm được bao nhiêu phần trăm. Mặt khác, đề thi phải đảm bảo theo yêu cầu và không ảnh hưởng đến việc lựa chọn nguyện vọng, lựa chọn trường của học sinh. Như vậy đề khó là khó chung".
Nói về đề Toán năm nay, thầy giáo dạy Toán Nguyễn Đức Tấn (TP.HCM) cho rằng, muốn giải quyết đề Toán trọn vẹn, ngoài giỏi Toán còn cần giỏi Văn để phân tích kĩ và đọc hiểu những đề Toán rất dài.
Một giáo viên Toán tự do ở TP.HCM đánh giá đề Toán năm nay hay, có sự phân hóa cao, phù hợp với một kỳ thi tuyển sinh. Nhưng để có thể giải quyết các câu hỏi thì thí sinh cần có khả năng phân tích đề, khả năng tư duy và vận dụng linh hoạt các kiến thức đã học.
Việc nhiều thí sinh than đề Toán quá khó, các em không làm bài được là do học sinh học theo mô típ cũ. Tức là cách dạy hiện nay của một số giáo viên là dạy theo kiểu "hàng ngang". Trước mỗi vấn đề là dạy liên tục, cho học sinh làm bài liên tục, có khi đến 20 bài na ná nhau để các em quen với dạng đề. Đến khi đi thi gặp dạng bài tương tự thì cứ thế mà làm. Nhưng nếu gặp đề thi cho ra khác một chút thì học sinh không thể ứng biến. Từ đề thi này, cần có cuộc cải tổ cách dạy và học toán trong trường phổ thông.
Dù thế nào đi nữa thì kỳ thi cũng đã kết thúc, những áp lực đã trôi qua. Bây giờ là thời điểm bố mẹ ở bên cạnh động viên con, dùng sự từng trải của mình để giúp con cảm thấy nhẹ nhõm hơn, để con biết không phải mọi cơ hội đã kết thúc.
Như lời nhắn gửi của thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) đến học sinh sau khi biết điểm chuẩn lớp 10 năm nào: "Thầy biết cú ngã nào cũng đau, nhưng phải đứng dậy và bước tiếp. Cây non oằn mình đón trận bão đầu tiên trong đời sẽ nghiêng ngả. Nhưng em thấy không, cổ thụ vững chãi cũng từng là một cây non mà... Mong các bậc cha mẹ đừng đặt lên vai con trẻ những kỳ vọng lớn lao, đừng so sánh con mình với con nhà người ta. Hãy để con được là một đứa trẻ bình thường, giản dị và trong veo".