Nhà có 5 người ở Hà Nội, có 3 con: 1 bạn lớp 10, 1 bạn lớp 7, 1 bạn 17 tháng tuổi. Thu nhập cố định của người vợ là 17 triệu/tháng và tiền cho thuê nhà 21 triệu/tháng. Người chồng làm tự do, cần tiền làm ăn nên tiền tích lũy mang đi kinh doanh, vì thế anh không đưa tiền hàng tháng mà thỉnh thoảng đưa một khoản to để tiêu dần, lúc đưa lúc không. Dù tổng thu nhập mỗi tháng tầm trên 40 triệu nhưng tháng nào nhà cũng hết tiền và không có tiền tích lũy. Đây là chia sẻ của một bà mẹ ở Hà Nội thu hút sự chú ý.

Mong muốn của bà mẹ này là nhờ được tư vấn để giảm chi tiêu. Tuy nhiên, nếu ngó qua khoản tiền chi tiết hàng tháng được chị liệt kê, thì phần tiền "nặng" nhất phải chi hàng tháng chính là tiền học của ba đứa con. Ngoài tiền ăn khoảng 7 triệu/tháng, tiền sữa bột, tiền bỉm, tiền dịch vụ nhà, tiền điện... thì khoản tiền học tổng lên đến 28,5 triệu. Cụ thể: Tiền học con lớn lớp 10: 17 triệu/tháng; Tiền học con lớp 7: 8 triệu/tháng. Tiền con nhỏ 17 tháng tuổi: 3,5 triệu/tháng.

Bà mẹ xin tư vấn cách giảm bớt chi tiêu, ngó qua tiền học mà "sang chấn: Học 1 tháng bằng gia đình người khác tiêu 90 ngày - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhiều người nhận định, con số chi cho việc học hành quá lớn so với thu nhập của gia đình. Nếu muốn cắt giảm chỉ có thể cắt ở khoản này, nhưng đó là điều ít phụ huynh nào lựa chọn.

"Tiền học bạn lớp 10 cao quá vậy chị? Nhà em có con thi vào 10 đây, đang tham khảo 1 trường tư, tiền học 4,2 triệu/ tháng + ăn bán trú tạm thu 1 triệu đã rén rồi mà nhà chị đến những 17 triệu, em choáng váng. Vấn đề là thu nhập mình chưa phải là khủng thì con số 17 triệu là quá lớn. Với những gia đình công nhân lương tổng 8, 9 triệu thì số tiền học của con chị 1 tháng bằng họ tiêu 3 tháng cả nhà đó ạ", một phụ huynh nêu ý kiến.

Nhiều người gợi ý, tiền học của bạn lớp 10 bao gồm tiền học phí ở trường tư và cả tiền học thêm trung tâm tiếng Anh. Như vậy, để bớt đi 1 khoản, bà mẹ có thể xem xét phương án giảm tiền học thêm này. Có thể chuyển sang học các gia sư là sinh viên, sẽ được cô thầy quan tâm hơn mà chi phí rẻ bằng nửa.

Một người gợi ý: "Cá nhân em thấy thì bạn lớp 10 cũng chỉ còn 2 năm nữa là thi đại học, cố nốt cũng được. Nhưng học ĐH thì nếu không có điều kiện thì đừng hướng học trường chi phí cao nữa, còn muốn học thì nên kiếm học bổng. Mỗi tháng chỉ cần tiền học và tiền chu cấp tiêu vặt chắc còn độ 10 triệu, sẽ giảm đi được 7 triệu rồi. Bạn lớp 7 có hướng về học trường công được không chị?".

Nên tùy hoàn cảnh gia đình để "liệu cơm gắp mắm"

Có câu: Đầu tư cho giáo dục không bao giờ lỗ. Đầu tư cho con cái cũng là đầu tư cho tương lai của con và tương lai của mình. Đó là lý do nhiều cha mẹ có thể rất vất vả, rất khó khăn nhưng vẫn chịu đựng được. Nhiều phụ huynh lựa chọn trường tư vì cơ sở vật chất tốt hơn, giáo viên nhiệt tình, tận tâm hơn, sĩ số lớp ít hơn. Chưa kể phụ huynh còn được "quảng cáo" các con sẽ được học nhiều chương trình tân tiến, được tôn trọng, lắng nghe ý kiến...

Nếu xét thấy điều kiện kinh tế vẫn lo được cho con tới cùng, chấp nhận không có nhiều tiền tích lũy, bớt xén chi tiêu chỉ để con được học ở môi trường tiên tiến... thì đó là lựa chọn đáng được tôn trọng của người làm cha mẹ.

Tuy nhiên, vấn đề là nhiều người dù kinh tế không quá dư dả vẫn cố "chạy" cho con vào trường tư, trường quốc tế. Lúc này, gánh nặng chi phí hàng tháng khiến không khí gia đình u ám, cha mẹ con cái mâu thuẫn.

Trên thực tế, việc con học trường tư, trường quốc tế cũng chưa chắc đã đảm bảo việc con ra đời thành công hơn, đặc biệt nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình có xáo trộn giữa chừng. Không hiếm học sinh trường công đạt được thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế hoặc về điểm SAT, TOEFL, IELTS…, giành được học bổng đi du học, về sau trở thành người thành đạt.

Vậy nên, nếu có điều kiện cho con học trường tư hay quốc tế thì rất tốt, còn không học trường công cũng không sao cả. Chúng ta cần dựa trên hoàn cảnh kinh tế gia đình, khoảng cách địa lý... để lựa chọn những ngôi trường phù hợp với trẻ. Dù học ở loại trường nào thì vai trò của chính học sinh và của gia đình vẫn là yếu tố quyết định.

Nhiều cha mẹ cứ mải miết đi chọn trường, chọn lớp cho con mà quên mất bây giờ là thời đại của thông tin mở. Con của chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu, từ thành thị cho đến nông thôn hoàn toàn có thể tiếp cận với những giáo trình tiên tiến nhất trên thế giới.

Chỉ bằng một cú kích chuột, con của chúng ta có thể học được với bất cứ thầy cô giỏi nào của Việt Nam, của thế giới với chi phí cực kì thấp, thậm chí là miễn phí. Học ở đâu thì học, công hay tư thì cha mẹ vẫn phải dành thời gian để đồng hành cùng con mỗi ngày. Điểm kém không quan trọng, quan trọng là khơi dậy được sự yêu thích của con với việc học, điểm số của con sẽ được cải thiện rõ nét nhờ sự yêu thích ấy theo thời gian. Dù học trường gì đi chăng nữa nếu không có sự nỗ lực của con, sự đồng hành của cha mẹ thì con sẽ không tài nào thành công trong tương lai được.