Khi số lượng ký túc xá ở trường đại học có hạn, còn phòng trọ tư nhân muôn hình vạn trạng, nhiều tân sinh viên gặp không ít khó khăn để tìm được nơi "an cư" trước khi bước vào năm học mới. Trong số rất nhiều lựa chọn, nhiều phụ huynh thường ưu tiên việc cho con ở nhà người quen, vừa yên tâm vừa đỡ được một phần chi phí. Nhất là với những tân sinh viên lần đầu ra thành phố học, mọi thứ đều xa lạ thì đây là lựa chọn rất an toàn.

Tuy nhiên mới đây, một bà mẹ lại thu hút sự chú ý khi lo lắng chuyện cho con ở cùng nhà em trai mình khi con lên thành phố học đại học. Được biết, bà mẹ này năm nay 40 tuổi, nhà có 4 đứa con. Ngoài con gái lớn chuẩn bị thành sinh viên còn 3 cháu đang ăn học, chi tiêu luôn thiếu trước bù sau.

Chị làm công ty lương 13 triệu, chồng buôn bán tự do, có tháng không đưa đồng nào, năm vừa qua chỉ đưa vợ 30 triệu để trả nợ. Tiền xây nhà và làm ăn của chồng còn nợ 500 triệu, đều là người nhà cho vay, không ai đòi gấp. Trong đó, có 300 triệu vay mượn từ gia đình em trai. Đây cũng là nơi chị đang cân nhắc chuyện cho con ăn ở để đi học.

Nhà em trai chị đã có 1 cháu lớn học lớp 2, 1 bé nhỏ 2 tuổi mới đi lớp. Gia đình ở chung cư 3 phòng ngủ. Em trai và em dâu ngỏ ý cho cháu gái lên ở nhà mình. Còn tiền học ba mẹ cháu phải lo. 1 phòng ngủ lớn cậu mợ và bé nhỏ ở, 1 phòng ngủ nhỏ là cháu lớn, con chị sẽ được ở 1 phòng ngủ riêng. Tiền ăn ở không tính, chỉ cần giúp mợ rửa bát, mợ tự nấu ăn, cậu dọn nhà, 1 ngày trông em 1,5 tiếng buổi tối cho mợ làm việc, tuần 3 lần mợ dùng phòng ngủ của cháu để dạy thêm.

Chị đánh giá, em dâu mình con nhà giàu nhưng rất chăm chỉ, chịu khó, rộng rãi với nhà chồng, hay cho các cháu tiền. "Tuy tốt tính nhưng cô này đanh đá, có gì không vừa ý đều nói thẳng, giọng hơi chua ngoa", bà mẹ này nhận xét.

Bà mẹ xin tư vấn lựa chọn chỗ ở cho con sắp vào đại học, phụ huynh đọc xong tranh cãi: Là thương hay chiều hư con? - Ảnh 1.


Em dâu còn quá ham việc, dậy từ 5h sáng nấu ăn dọn dẹp, đi làm 8 tiếng về làm thêm, chăm con rồi làm thêm đến 11h, 12h, nên yêu cầu về giờ giấc và làm việc với mọi người xung quanh đều khắt khe, nói dễ hiểu là thấy ai cũng lười. Em còn tiết kiệm ăn uống. Đồ ăn cũng ngon, đủ chất nhưng chỉ nấu vừa đủ hoặc thừa thì hôm sau ăn.

"Gia đình tôi thì 2 vợ chồng đều thong thả đủng đỉnh, sáng hay ra ngoài ăn, nấu ăn cũng hay thừa vì sợ thiếu, các con ăn bị đói. Đồ ăn thừa thì đổ đi vì cả nhà kén ăn không ăn được đồ thừa. Tôi cũng lo ở với cậu mợ nó không ăn được. Em trai tôi thì cũng thương cháu nhưng cũng tiết kiệm và khó tính như vợ", người mẹ chia sẻ.

Chồng chị định cho con thuê trọ, không muốn phiền cậu mợ và bất tiện cho sinh hoạt của con. Bố mẹ đóng học phí và cho 2 triệu tiền trọ, tiền ăn con tự làm thêm. Nhưng phương án này cũng bị chị gạt đi vì cũng thấy chưa thuyết phụ. Lý d theo chị là con mình tuy ngoan, chăm chỉ nhưng sợ làm thêm ảnh hưởng việc học của cháu và cháu vẫn còn ngố, sợ dính vào bạn bè yêu đương không ai quản lý. Cuối cùng, bà mẹ này không biết chọn phương án nào.

"Học được nếp sống của người giàu thì mới giàu"

Nhiều người đọc xong câu chuyện đánh giá bà mẹ này "đã nghèo còn xài sang", như vậy là tập cho con tính hoang phí, sống không có kế hoạch, hay sĩ diện. Đó là lý do nhà chị mãi nghèo còn em dâu đã giàu càng giàu. Cho con lên ở cùng với vợ chồng em trai vừa có người dạy dỗ và quản lý giúp, lại học nề nếp ăn ở để biết cách vun vén tiết kiệm.

"Học được nếp sống của người giàu thì mới giàu, bạn muốn con bạn sau nghèo giống bạn? Khuyên cháu cố gắng thích nghi, học hỏi cậu mợ, không phải tự dưng mà cậu mợ giàu, nhất là sự chăm chỉ, chịu khó, kỉ luật với cuộc sống. Ở 1 thời gian nếu phát sinh vấn đề không thể giải quyết thì nói chuyện xin phép ra ngoài", một người khuyên.

Nhiều phụ huynh nhận định, ở nhà người thân cũng có bất tiện nhưng tính tình người mợ này cũng rất đáng để cháu học hỏi. Sống được với một người nghiêm khắc, khó tính thì sau này cháu ở với ai cũng được, kể cả với mẹ chồng. Nhưng chị nên nói thẳng thắn với cháu những khó khăn - thuận lợi, tính tình của những người trong nhà cháu sẽ ở chung, thậm chí cho cháu chọn lựa ở chung hay thuê ngoài để sau này cháu không than thở hay trách móc ba mẹ.

Tuy nhiên cũng có ý kiến nhận định, dưới góc độ là người từng ở nhờ nhà người thân, họ sẽ cho con em ở trọ ngoài hoặc ở ký túc xá. Mặc dù người nhà có tốt và nhiệt tình họ vẫn sẽ làm vậy. Ở trọ con có thể đi làm thêm để trang trải sinh hoạt, học được cách tự lập, va chạm nhiều hơn thì sẽ trưởng thành. Ở nhờ người quen, vừa không thoải mái, cảm giác bị phụ thuộc và bao bọc. Xa thơm gần thối, ở chung không thoải mái lại mất lòng mất bề, ảnh hưởng tình cảm đến cả phụ huynh.

Nếu ở nhà người thân, cần tìm hiểu và nắm bắt được các thói quen sinh hoạt của thành viên gia đình người thân để thích ứng và ứng xử sao cho hài hòa. Bên cạnh đó, cũng cần xác định rõ việc được và mất khi đến ở nhờ nhà người thân để xem mình có khả năng chấp nhận những phiền toái sẽ xảy ra sau này hay không?

Với những tân sinh viên không quá khó khăn trong việc chi phí nhà trọ thì có thể lựa chọn cách ở nhà người thân một thời gian ngắn khoảng 1 tháng sau đó khi đã quen với cuộc sống thành phố thì chuyển ra ngoài trọ để đảm bảo tình cảm không vì những phiền toái mà sứt mẻ.