Tiểu Xuân (Trung Quốc) năm nay 5 tuổi, sống với cha mẹ và bà nội từ khi mới sinh ra. Sau khi mẹ sinh em trai thứ hai, gánh nặng chăm cháu càng đặt lên vai người bà già nua. Phục vụ một gia đình lớn, bà khó tránh khỏi có lúc mệt mỏi than phiền.

Nhà bà ngoại Tiểu Xuân cũng không quá xa. Cuối tuần, để cho mẹ chồng có ít thời gian nghỉ ngơi, mẹ Tiểu Xuân thường đem con qua gửi hai ngày. Cô bé được bà ngoại chăm lo ăn uống, dạy học chữ và chơi trò chơi.

Một lần, Tiểu Xuân đang coi hoạt hình thì đòi bụng, gọi bà: "Bà ơi, con muốn ăn cơm sườn". Bà ngoại mỉm cười nói đùa: "Cuối tuần nào cô cũng ăn uống ở nhà tôi, xấu hổ quá mà còn dám gọi đồ ăn. Chỉ có cơm mà không có sườn. Cô có thích hay không đây?".

Ai ngờ, Tiểu Xuân nổi giận đùng đùng, nhìn bà ngoại nói lớn: "Con muốn ăn sườn chứ không phải cơm không. Bà nội con nói, đã gả con đi lấy chồng thì cũng nên có nhiệm vụ chăm cháu. Bà không lo được cho cháu là bà ngoại tồi". Người bà nghe đến đây, thay đổi sắc mặt, sau đó buồn không tả nổi. Tiểu Xuân mới 5 tuổi, nếu người lớn không nói ra nói vào, làm sao cháu nghĩ ra được những lời đau lòng đó?

Bà ngoại trêu cháu: "Ngày nào cũng qua nhà bà đòi ăn, xấu hổ quá!" -  Câu trả lời của đứa trẻ khiến người bà quá đau lòng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Gia đình không khá giả, bố mẹ cũng không có lương hưu. Bà đã gần 60 tuổi và vẫn đang làm việc để kiếm tiền. Sau khi cháu chào đời, dù không trực tiếp chăm sóc cháu nhưng ông bà cũng đóng góp cả tiền bạc và công sức. Điều mà bà không ngờ là bà nội của đứa trẻ lại có thể nói những lời như vậy khiến đứa trẻ trở thành người ích kỷ.

Việc người già chăm sóc con cái là điều hết sức bình thường. Dù là bà ngoại hay bà nội chăm sóc cháu thì việc nuôi dưỡng những giá trị đúng đắn ở trẻ là điều rất quan trọng. Nếu đứa trẻ trở thành “sói mắt trắng” vô ơn thì đó cũng là bi kịch lớn nhất của nền giáo dục gia đình.

Để rèn luyện trẻ biết ơn, có một số tình huống cần tránh, cha mẹ phải lưu ý:

Đầu tiên, tốt nhất không nên để trẻ tham gia vào những xung đột giữa người lớn

Bà giúp chăm sóc các cháu nhưng bà lại phàn nàn và mở rộng mâu thuẫn giữa người lớn sang trẻ em. Ở những gia đình khác, cha mẹ phàn nàn nhau và bộc lộ những khuyết điểm của nhau trước mặt con cái, con cái chứng kiến tất cả những điều này và ghi nhớ trong lòng. Nếu mâu thuẫn giữa người lớn tiếp tục nổ ra trước mặt con cái thì đứa trẻ sẽ khó mà có thái độ tôn trọng với những người xung quanh mình.

Thứ hai, cha mẹ nên biết ơn khi người già giúp đỡ chăm sóc con cái

Ông bà làm việc rất vất vả, tự mình nuôi dạy con cái rồi còn chăm cháu. Việc cha mẹ có biết ơn hay không đều có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Nếu chúng ta luôn đòi hỏi quá nhiều từ cha mẹ, con cái chúng ta sẽ học điều tương tự sau này.

Vì vậy, chúng ta có thể nhờ người lớn tuổi giúp đỡ việc chăm sóc con cái, nhưng phải biết biết ơn, hiểu những khó khăn của cha mẹ và dạy con cái biết quan tâm hơn đến công lao của ông bà. Khi trẻ có khả năng vận động nhất định, chúng ta nên hướng dẫn trẻ làm điều gì đó để đền đáp ông bà. Ví dụ như việc chăm sóc ông bà ốm đau và chọn quà tặng ông bà nhân dịp sinh nhật.

Thứ ba, đừng quá cưng chiều con cái mà hãy trau dồi khả năng sống tự lập cho con

Không có khả năng sống tự lập, không có tinh thần trách nhiệm là hậu quả của việc trẻ được chiều chuộng. Trẻ em đã quen với việc đạt được mọi thứ một cách dễ dàng, khi cần sự nỗ lực sẽ rất khó khăn. Khả năng sống tự lập của trẻ càng mạnh thì trẻ càng có thể gánh vác trách nhiệm chăm sóc bản thân, chăm sóc cha mẹ, ông bà.

Trẻ em là thành viên trong gia đình, chúng ta yêu quý chúng nhưng không thể cho phép chúng được hưởng sự đãi ngộ đặc biệt. Chúng ta phải nuôi dạy con cái theo điều kiện thực tế của chúng, có đồ ăn ngon thì phải chia sẻ với cả nhà và nếu có tiền thì phải phân bổ một cách có kế hoạch.

Cha mẹ, người già và con cái đều phải có địa vị bình đẳng, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, để con cái nuôi dưỡng những giá trị, quan điểm sống đúng đắn và trở thành người ngay thẳng, nhân hậu, độc lập.