Cứ đúng 6 giờ rưỡi sáng mỗi ngày, bất kể là nắng hay mưa, thứ hai hay chủ nhật, bà Mai cùng với chiếc xe đạp nhỏ chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh rồi quẹo vào cổng chính của Thảo Cầm Viên (TPHCM). Bà nhanh chóng đá chân chống chiếc xe đạp "có tuổi", phần rỉ sét bong ra một lớp dưới cái nắng sớm, thuần thục và dứt khoát. Bà cụ tuổi 70 tay cầm theo một thau cơm trộn thịt, xúc xích, còn nghi ngút khói được nấu ở nhà sẵn, kèm theo đó là một gói hạt hức ăn "thượng hạng" của chó, mèo.

Vừa cất gọn xe, tháo đồ đạc xuống, bà Mai tay vung nắm đồ ăn, miệng thì hô to: "Đâu hết rồi, nội cho ăn nè".

Ngay sau tiếng gọi, đám mèo hoang từng bước tiến đến bên cạnh bà Mai, từng bước một như thể đúng là đến giờ. Cách đó 20 mét, đồ ăn vừa dứt trên tay bà Mai, đàn chim trời với đủ các loại sà xuống mổ thóc, lấp đầy một khoảng vỉa hè đầy cây xanh mát rượi.

""Đâu hết rồi, nội cho ăn nè", tiếng bà Mai gọi đám mèo hoang, sóc, chim trời,...

Cụ bà "khùng" chăm mèo hoang ở Thảo Cầm Viên

"Bà nội" của đám "cháu hoang"

Để nói về bà Mai thì không biết bao nhiêu sách báo, bài viết, hình ảnh đã được đăng tải. Chỉ cần tìm với cái cụm từ "bà cụ ở Thảo Cầm Viên", chắc hẳn những hình ảnh của bà Mai và "đàn con" không máu mủ chính là những kết quả đầu tiên hiện ra trước mắt bạn. Hoặc khi có ai đó dành một lời khen cho một Sài Gòn dễ thương vào buổi sáng ban mai, thì câu chuyện về bà cụ tuổi 70 này cũng theo đó cũng góp phần "ngát hương". 

"Bà nội 70 tuổi" của đám thú hoang ở Thảo Cầm Viên: Vô số lần "chạm trán" phải quỳ gối trước những kẻ đánh bả mèo  - Ảnh 2.

Cứ đều đặn 2 cữ mỗi ngày, bà Mai nấu cơm và cho "tụi nhỏ" bị bỏ hoang ở Thảo Cầm Viên ăn

Bà Mai tên đầy đủ là Hồng Tuyết Mai, năm nay 70 tuổi và đã có một nửa cuộc đời bán đồ chơi cho trẻ em trước cổng Thảo Cầm Viên. Bà cụ có 1 người con trai, đã lập gia đình và ở riêng. Hiện tại bà đang sống cùng một người chị gái của mình trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Gần 40 năm bán buôn ở Thảo Cầm Viên, trong đó có hơn chục năm bà Mai nuôi những động vật "không chốn dung thân" ở xung quanh công viên lớn nhất thành phố như mèo hoang, sóc, chim trời, bồ câu...

Kể với chúng tôi, bà Mai cho biết một ngày của bà thường bắt đầu từ 4 - 5 giờ sáng.

"Tôi ở với chị tôi, hai chị em hùn tiền gas, tiền điện, tiền nước, tiền thuê phòng, sáng thì tôi nấu cơm sẵn ở nhà chứ mua cơm bên ngoài cơm nhão, mềm, dính nhiều, tụi nó khó ăn lắm. Ở nhà tôi mua gạo khô, ít nở, để tụi nó ăn không bị dính mỏ, sạch sẽ hơn", bà Mai kể.

"Bà nội khùng" của đám mèo hoang ở Thảo Cầm Viên  - Ảnh 3.

Cứ nghe tiếng bước chân của bà Mai, đám mèo, sóc lại tranh thủ ra ăn

Bà Mai cho hay, cá nục hấp và xúc xích là món ăn "khoái khẩu" của tụi mèo hoang nơi này - "những đứa cháu" mà bà tự nguyện chăm sóc hơn chục năm qua. 

"Nội nói con đừng đi theo nội mà, nói không nghe nội không cho ăn", bà Mai dặn dò khi một chú mèo hoang sinh non yếu ớt cố bám theo chân bà.

"Một ngày cho tụi nó ăn tính luôn cá với xúc xích là hơn trăm rưỡi, 60 ngàn cá, 50 ngàn tôm, chưa tính cây chả chiên 40 ngàn, xúc xích nữa. Có đợt hết tiền, tôi đợi ai phát gạo từ thiện tôi đi xin người ta, hôm nào không có tiền ăn thì đi ăn bánh mì ghi nợ, ở đây ai cũng biết tôi, người ta cho tôi ăn thiếu còn kêu "để đó đi chừng nào có thì trả". Còn ngày nào bán có tiền dư dư, tôi đi làm một tô bún mấy chục. Cứ vậy sống phà phà", bà Mai bộc bạch.

Nói với chúng tôi, bà Mai không quên câu chuyện vào đợt dịch Covid-19, thành phố có lệnh giãn cách. Thảo Cầm Viên phải đóng cửa, quầy đồ chơi của bà Mai "ôm" hàng suốt mấy tháng liền, không có lấy đồng ra, đồng vào. Và những đứa "cháu hoang" của bà Mai cũng cùng số phận "sống nay chết mai", khiến người ta sốt ruột nếu nghĩ đến. 

"Tui sợ tụi nó đói lắm. Tôi ở trong nhà cũng nôn nao, lén ra đây xem tụi nhỏ, thấy tụi nó kêu ỉ ôi tôi không đành lòng, đứng đợi xem có ai đi qua, xin gạo, xin đồ ăn. Rồi có một cô kia cổ đi qua tôi nói: "Cô giúp giùm tôi, hàng tôi bị tồn mấy tháng rồi, không có tiền cũng không có gì nấu ăn", người ta thương người ta cho gạo tôi về nấu rồi chia ra, cứ cách vài ngày tôi lại ra cho tụi nó ăn một lần", bà Mai thuật lại.

Kể với chúng tôi, nhiều người gần quầy hàng bà Mai cho hay: "Đôi lúc cũng trách bả, hỏi bả sao không lo cho mình trước. Lúc đói khổ vẫn lo cho mèo, sóc, chim,.. trong khi cái ăn bả còn không đủ. Bán không được thì thôi chứ bán được có khi bả còn mua cá hộp chất đống, trộn với cơm cho tụi nó ăn". 

Vô số lần phải quỳ gối trước những kẻ đánh bả mèo hoang 

Gắn bó với công việc bán đồ chơi ở trước Thảo Cầm Viên gần 40 năm, tuổi đời cũng phải xếp vào hàng lão làng ở khu này. Thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại, bà Mai vẫn đôi lần rùng mình khi nhắc đến những người "đánh bả mèo".

"Chúng ghét, chúng đánh bả rồi đem bán lấy tiền. Tội nghiệp lắm, có con mèo mẹ đang nuôi con. Tôi biết là ai, có lần tôi bắt gặp nó đánh bả mèo, tôi quỳ xuống tôi khóc tôi lạy nó, lúc đó là 6 giờ tối, tôi khóc nhiều lắm tôi cũng nói: 

- Mày bắt bao nhiêu đó là đủ rồi, từ đầu năm đến giờ mày bắt của tao hết 8 con rồi. Bây giờ mày nể mặt tao mày tha cho tụi nó, mày thấy tụi nó có con đang nuôi con nhỏ xíu. Bây giờ tao xin mày thương tao mày tha cho tụi nó đi.

Lúc đó nó sỉ lại vào mặt tôi nó kêu tôi câm miệng lại. Nó cỡ tuổi cháu nội tôi thôi, rồi làm thinh bỏ đi, tôi nghe bầy mèo con kêu la thảm thương lắm". 

"Bà nội 70 tuổi" của đám thú hoang ở Thảo Cầm Viên: Vô số lần "chạm trán" phải quỳ gối trước những kẻ đánh bả mèo  - Ảnh 6.

Không ít lần giáp mặt với đám trẻ đánh bả mèo, bà Mai cũng không còn lạ gì thái độ nghênh ngang của chúng.

Sau khi mất mèo mẹ, bà Mai đặt tên cho từng con mèo con để nhận dạng, rồi sau đó pha sữa bột, bỏ vào từng lọ thuốc nhỏ mắt rồi nuôi chúng lớn lên từng ngày. Không ít lần giáp mặt với đám trẻ đánh bả mèo, bà Mai cũng không còn lạ gì thái độ nghênh ngang của chúng.

"Tôi sống 39 năm ở đây, vì tôi còn phải kiếm cơm qua ngày, nên tôi im lặng, chứ nếu nói sợ không phải tôi sợ", bà Mai dứt khoát. 

Thái độ kiên quyết của bà Mai khiến chúng tôi ngộ ra một điều, người dân khu Thảo Cầm Viên vốn không chỉ quen mặt, mà còn nể bà Mai vài phần. Bà vừa là lớp lão làng, bà cũng vừa là người sống có tình có nghĩa. 

"Nội còn bán ngày nào, các con còn no ngày đó" 

Đề cập về dự định nghỉ ngơi thôi buôn gánh bán bưng, bà Mai thẳng thắn nhận mình "nghèo" nhưng đồng thời cũng khẳng định tình thương cho tụi nhỏ thì không. Công cuộc mưu sinh không phải là thứ chặn đứng tình yêu thương của bà Mai dành cho "đám cháu". 

"Mình làm 10 đồng thì mình ăn 2 đồng, 2 đồng tiền nhà, còn lại để dành mua đồ ăn cho tụi nó. Tôi có căn nhà chưa bán, nếu có ý định dưỡng già, tôi bán cũng đủ sống rồi. Có điều tôi còn ham làm lắm, ngày nào tôi còn làm là đám nhỏ còn được ăn, chứ ai cũng thấy nhiều khi mèo mẹ bị bắt mất rồi, mèo con nheo nhóc khát sữa, tụi nó còn khóc rơm rớm nước mắt sao tôi bỏ được ngày nào". 

"Bà nội khùng" của đám mèo hoang ở Thảo Cầm Viên  - Ảnh 6.

Bà Mai kiếm "từng đồng" để nuôi đám mèo hoang

Bà Mai cho rằng sóc hay bồ câu có thể kiếm ăn tự do nhưng còn mèo hoang, đặc biệt là mèo con mới xa mẹ, chúng có "nước mắt" là "linh cảm riêng". 

"Tôi thấy tụi nó khóc, nước mắt rưng rưng. Tôi đút sữa uống, lớn tầm 4 tháng là tụi nó đã khôn rồi, biết kiếm chỗ ngủ, cứ nghe tiếng bà nội gọi là quấn suốt ngày", bà Mai nói đằng sau câu chuyện những con mèo mẹ bị đánh bả chết ở Thảo Cầm Viên. 

Bán đồ chơi ở trước Thảo Cầm Viên, bà Mai cũng chẳng buồn cạnh tranh với những hàng khác. Khuôn khổ mưu sinh của bà cụ tuổi 70 này cũng chỉ vọn vẹn chưa đầy một mét vuông, thậm chí còn không mời chào náo nhiệt như những hàng khác. Tuy nhiên, một điểm mà ai cũng có thể thấy khi đi qua hàng đồ chơi của bà Mai đó là những chú mèo rất xinh xắn và thông minh luôn nằm xung quanh. Chỉ cần một động tĩnh nhỏ như "bà nội" đứng dậy rời đi là chúng biết và không ngừng cất tiếng gọi "meo meo". 

Sài Gòn cứ thế ồn ào và náo nhiệt, bà Mai vẫn ở đây bên đàn con cháu đặc biệt của bà. Có lẽ, còn thở là còn yêu, sẽ chẳng có lý do nào khác kéo được bà lão 70 tuổi này rời xa Thảo Cầm Viên....