Với phương châm tự làm hết đồ ăn ngày Tết nên năm nào Tết đến chị Phượng, 40 tuổi ở Mai Lĩnh, Hà Nội chỉ tất bật, bận rộn hơn ngày thường nhưng chi tiêu Tết lại tiết kiệm hơn nhiều so với nhiều gia đình khác.
Nếu như vài năm trước đây, chi tiêu Tết nhà chị Phượng không bao giờ kém 15-20 triệu thì hiện nay chi tiêu Tết nhà chị giảm xuống còn ½.
Nhất là tiền mua thực phẩm ăn Tết, nếu trước đây chị mua hết cả 5-7 triệu thì hiện nay chị chỉ tiêu hết khoảng 2 triệu đồng là đã ăn Tết thoải mái.
"Mấy năm trước nhà mình toàn mua sắm bên ngoài thực phẩm Tết. Nhưng 2 năm nay, thấy bác mình đều tự tay làm các món ăn nên mình cũng học theo bác. Vì thế, mình và các con Tết đến cũng tự tay chuẩn bị hết các đồ ăn trong gia đình mấy ngày Tết. Tự làm hết, các món ăn vừa an toàn, vệ sinh thực phẩm".
Theo chị Phượng chia sẻ, Tết đến chị hay chuẩn bị thực phẩm để làm giò bò, giò lụa, giò bó, gà nấu đông, cá nấu chua. Chị cũng tự làm kim chi, củ kiệu, dưa chua, củ cải muối, mứt dừa, mứt me, nộm xoài...
"Mọi người thường lười thôi và nghĩ không biết làm. Nhưng cứ thử ra mua nguyên liệu về làm cũng rất nhanh và dễ làm. Chưa kể lại tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Nhà mình giờ làm hết các món ăn Tết. Chỉ phải mua mỗi món hạt dưa, hạt dẻ và hạt hướng dương thôi".
Do thịt lợn đụng chung và thịt gà ngày Tết nhà chị có sẵn nên chị Phượng thường mua sắm các thực phẩm sau:
Tiền mua thịt bò: 500 ngàn đồng
Với 500 ngàn đồng, chị mua được 2kg thịt bò khá ngon. Mua về chị Phượng sẽ để dành 1kg để làm món xào ngày Tết. Còn hơn 1kg chị sẽ để dành làm giò bò đổi vị với giò thủ, giò lụa.
Tiền mua cá chép: 100 ngàn đồng
Thông thường, cá chép bán tại chợ chỉ có giá 35-40 ngàn đồng/kg. Vì thế chị mua 1 chú cá chép khoảng 2,5 kg về chia làm 2 bữa để Tết nấu canh chua cá với măng ớt hoặc làm cá chép nấu dưa.
Tiền mua cải thảo làm kim chi, mua hành làm củ kiệu, dưa chua, củ cải muối: 100 ngàn đồng
Ở các chợ đầu mối, cải thảo, củ hành, cải và củ cải được bán giá rất rẻ chỉ từ vài ngàn đồng đến hơn chục ngàn 1kg. Để thoải mái chị Phượng để dành 100 ngàn đồng mua các thực phẩm này và nguyên liệu của chúng để chuẩn bị làm các món ăn chống ngấy ngán ngày Tết.
Tiền mua xoài xanh, hoa chuối, tai lợn làm nộm xoài xanh, nộm hoa chuối: 300 ngàn đồng
Tết đến chị Phượng thường mua xoài xanh, hoa chuối, cà rốt, một ít rau thơm, tai lợn. Sau đó về chị làm móm nộm cho gia đình ăn chống ngấy ngán.
Tiền mua dừa tươi, me chín làm mứt dừa, mứt me: 600 ngàn đồng
Ngày Tết, chị Phượng thường mua cả chục quả dừa tươi làm mứt dừa với giá 400 ngàn đồng. Me chín chị cũng mua khoảng 3kg với giá 150 ngàn đồng. Thêm tiền mua đường và các nguyên liệu khác làm mứt khoảng 50-80 ngàn đồng khác là chị có thể sên được những mẻ mứt handmade thơm ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tự làm kẹo hạt và kẹo gừng: 500 ngàn đồng
Trước đây, chị Phương thường đi mua kẹo về ăn cũng hết 1 khoản tiền lớn. Nhưng năm nay, chị Phương tự học làm 1-2 loại kẹo từ các loại hạt và kẹo gừng.
Sau khi làm xong, chị chia hỗn hợp kẹo nguội thành từng viên hoặc tạo hình từng thanh nhìn rất ngon mắt.
Trên đây là những thực phẩm cần thiết mà Tết nào chị Phượng cũng thường tự tay đi mua sắm về làm. Theo bà nội trợ này khẳng định, tự làm các món ăn ngày Tết vừa giúp có không khí Tết cho gia đình, vừa ngon miệng.
Ngoài ra 1 kinh nghiệm nữa của chị Phượng là, chị chỉ mua sắm thực phẩm ăn dự trự 4 ngày Tết. Bắt đầu từ mùng 4 Tết, nhà chị lại ăn thực phẩm tươi bán ngoài chợ:
"Giờ ở đâu cũng bán hàng từ mùng 4 Tết rồi và chợ họp bán không thiếu thứ gì. Vì thế hôm mùng 4 hoặc mùng 5 Tết, đồ để làm cỗ cúng hóa vàng mình thường mua ngoài chợ cũng làm được mâm cỗ không khác ngày thường mà không phải cập rập chuẩn bị trước. Nói chung, nhiều thực phẩm nên mua trước, nhiều thực phẩm không nên mua vì vừa đắt đỏ vừa chẳng dùng đến".