Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hạnh, trú tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) về việc mua vàng cất két đã giúp bà có số tiền lãi “không tưởng” khi vàng tăng “điên cuồng” những ngày gần đây.

Theo bà Hạnh, thói quen mua vàng cất két của bà có từ nhiều năm trước. Cứ có tiền là bà đi mua vàng rồi cất đi. Khi nào thật sự cần đến bà mới mang bán.

Bà nội trợ Hà Nội mua từng chỉ vàng cất két, giờ có 88 lượng, lãi hàng tỷ đồng - Ảnh 1.

Nhiều người có thói quen mua vàng cất két bất ngờ ôm lãi "khủng" khi giá vàng tăng mạnh thời gian qua.

“Có ít thì tôi mua một vài chỉ, có nhiều thì mua vài lượng, thậm chí là có món chỉ vài phân vàng. Cứ mua rồi cất đó, khi cần mua nhà cho con hay việc gì cần lắm mới bán. Kể cả bạn bè hay người thân muốn vay mượn tôi đều cho mượn bằng vàng và nhận lại vàng chứ ít khi cất tiền mặt trong nhà”, bà Hạnh nói.

Chỉ vào ngôi nhà khang trang trong một con ngõ trên phố Bạch Mai của gia đình, bà Hạnh cho biết, căn nhà rộng 32m2 này cũng được bà mua năm 2002 hết 64 lượng vàng.

“Tôi không nhớ lúc ấy là bao nhiêu tiền nhưng nếu bảo để một lúc có số tiền ấy để mua nhà thì không có đâu. Phải tích cóp từng chỉ một. Người nhà có giúp cũng giúp bằng vàng chứ ít người cho mượn tiền mặt lắm. Vàng 30 năm trước đến giờ thì vẫn là vàng, nhưng tiền 30 năm trước để đến giờ thì mất hết giá trị. Thế nên cứ có tiền là tôi mua vàng”, bà Hạnh phân tích.

Bà nội trợ Hà Nội mua từng chỉ vàng cất két, giờ có 88 lượng, lãi hàng tỷ đồng - Ảnh 2.

Có nhiều mua nhiều, có ít mua ít từ một chỉ hay nửa chỉ vàng là kinh nghiệm của bà Hạnh.

Vẫn là bài toán mua vàng cất két, cuối năm 2023, khi bán được mảnh đất ở quê lúc đang sốt với giá 2,3 tỷ đồng, bà ôm trọn số tiền đó để mua vàng. Ai cũng nói bà gàn dở vì giá vàng nhẫn khi ấy lên mốc 62,5 triệu đồng/lượng nhưng vợ chồng bà đi mua một lúc 37 lượng vàng.

“Ra Tết, gần ngày vía Thần Tài tôi cũng đi 13 lượng vàng nhẫn với giá 64,9 triệu đồng/lượng. Rủ anh chị em trong nhà không ai đi. Bạn tôi còn bảo hâm, mua gần ngày đó làm gì cho đắt. Giờ thì không biết ai hâm”, bà Hạnh cười lớn.

Bà nội trợ Hà Nội mua từng chỉ vàng cất két, giờ có 88 lượng, lãi hàng tỷ đồng - Ảnh 3.

Bà Hạnh ước tính lãi được hơn 1,8 tỷ đồng nếu bán vàng thời điểm hiện tại.

Đến giờ, sau vài năm tích cóp, bà Hạnh có trong tay 88 lượng vàng, chủ yếu là vàng nhẫn bốn số chín. Số vàng mua lâu nhất của bà là vào năm 2018 với số tiền 36,4 triệu đồng/lượng, số vàng mua cao nhất là 78 triệu đồng/lượng. Với giá vàng 83 triệu đồng/lượng như hiện tại, có lượng bà Hạnh lãi nhiều nhất đến gần 47 triệu đồng và thấp nhất là 5 triệu đồng/lượng, trung bình lãi của 88 lượng ước tính được trên 1,8 tỷ đồng nhưng bà vẫn nhất định không bán.

“Theo dự đoán của tôi vàng sẽ còn lên nữa, sang năm sẽ có mốc 100 triệu đồng/lượng nên giờ tôi không mua và cũng không bán. Hơn nữa, cần làm việc gì lắm mới bán, chứ bán đi rồi mang đi gửi tiết kiệm ngân hàng không được bao nhiêu. Chưa kể không biết bao giờ mình mới mua lại được số vàng ấy nữa. Cả tháng nay, mấy người bạn của tôi đi mua mà có mua được đâu. Hiệu vàng nào cũng báo hết, có bán thì phải xếp hàng cả buổi họ mới bán cho một chỉ, khó mua lắm”, bà Hạnh cho hay.

Bà nội trợ Hà Nội mua từng chỉ vàng cất két, giờ có 88 lượng, lãi hàng tỷ đồng - Ảnh 4.

Mặc dù giá vàng tăng mạnh nhưng nhiều người vẫn khó mua vàng vì hầu hết các cửa hàng báo hết.

Sau chuỗi ngày tăng “điên cuồng”, lên mốc 83,5 triệu đồng/lượng vào ngày 27/9/2024, vàng nhẫn trong nước hôm nay đã được điều chỉnh giảm xuống dưới mốc 83 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, tính đến 15h ngày 01/10/2024, Công ty SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 81,4-82,9 triệu đồng/lượng, giảm 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên ngày hôm qua.

Vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 81,88-82,88 triệu đồng/lượng, giảm 660 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 560 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Trong khi giá vàng nhẫn được điều chỉnh giảm thì vàng miếng SJC lại được các đơn vị điều chỉnh tăng 500 nghìn đồng/lượng, lên mức 82-84 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua bán lên tới 2 triệu đồng.