Chiều 4/11, tại phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM xem xét kháng cáo của các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan, HĐXX đã xét hỏi các bị cáo.

Bà Trương Mỹ Lan bất ngờ nhận tội, nói "tôi không kêu oan" - Ảnh 1.

HĐXX phiên tòa phúc thẩm vụ đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 ngày 4/11. Ảnh: Tân Châu

Trả lời HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nói không kêu oan cả 3 tội danh mà HĐXX TAND TPHCM đã xét xử và tuyên án đối với bị cáo.

“Thưa HĐXX, bị cáo không kêu oan nhưng muốn HĐXX xem xét lại cho bị cáo. Xin HĐXX giảm hình phạt thấp nhất để bị cáo về với gia đình” – bà Trương Mỹ Lan trình bày.

Về cơ sở để xem xét giảm nhẹ hình phạt, bà Trương Mỹ Lan trình bày thêm một số chi tiết về nhân thân và cho rằng gia đình và cá nhân bà có lý lịch và nhân thân tốt. Đối với những nội dung khác để HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bà thì các luật sư của bà sẽ trình bày.

Lý giải thêm vì sao không kêu oan, bà Trương Mỹ Lan nói do nhận thức hạn chế của bà về pháp luật. Cụ thể, bà Lan muốn được trình bày các nội dung, hoàn cảnh phạm tội... để được giảm án. Tuy nhiên, vì nhận thức hạn chế nên bà trình bày qua đơn kháng cáo không đúng với suy nghĩ là xin giảm án.

Bà Trương Mỹ Lan bất ngờ nhận tội, nói "tôi không kêu oan" - Ảnh 2.

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm ngày 4/11. Ảnh: Tân Châu

Trả lời HĐXX, bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) xác nhận, sau khi cấp sơ thẩm tuyên án, bị cáo có kháng xin giảm nhẹ hình phạt. “Tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo” – Bị cáo Hoàng trình bày.

Bị cáo Hoàng còn khai nhận, bà Trương Mỹ Lan như người đỡ đầu của Ngân hàng SCB và bản thân bị cáo Hoàng nghĩ bà Lan là người có ảnh hưởng lớn, giúp cho Ngân hàng SCB vượt qua khó khăn.

Bị cáo Hoàng cũng mong HĐXX xem xét bối cảnh khi Ngân hàng SCB khó khăn, đổ nợ. Trong hoàn cảnh đó, bị cáo buộc phải có những hành động mà hiện nay đang bị cáo buộc là sai phạm.

“Bị cáo mong HĐXX xem xét lại vai trò của bị cáo, vì hoạt động của Ngân hàng SCB có những khoản nợ nếu không trả thì sẽ phá sản. Mong HĐXX xem lại sự thật vai trò của bị cáo tại Ngân hàng SCB như thế nào” – Bị cáo Trương Khánh Hoàng trình bày.

Theo bản án sơ thẩm, trong khoảng thời gian từ ngày 10/9/2019 đến ngày 1/12/2021, bị cáo Trương Khánh Hoàng đã giúp bà Trương Mỹ Lan hợp thức việc rút tiền của Ngân hàng SCB để sử dụng bằng cách chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập, đồng thời ký khống 386 hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB, giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền 182.842 tỷ đồng và gây thiệt hại 65.004 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm đã phạt bị cáo Trương Khánh Hoàng 18 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ có liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng trong thời gian 2 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính.

Bà Trương Mỹ Lan bất ngờ nhận tội, nói "tôi không kêu oan" - Ảnh 3.

Bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo tại phiên tòa ngày 4/11. Ảnh: Tân Châu

Trả lời HĐXX, bị cáo Võ Tấn Hoàn Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) thừa nhận hành vi, tội danh và khung hình phạt đối với bị cáo là đúng. Bị cáo Văn khai, bà Trương Mỹ Lan chưa bao giờ chỉ đạo trực tiếp bị cáo, mà chỉ có chỉ đạo gián tiếp qua các bị cáo khác.

Cụ thể, khi bà Lan cần tiền giải ngân thì chỉ đạo qua bà Nguyễn Phương Hồng, sau này là bà Sương... sau đó bị cáo Văn ký hồ sơ duyệt giải ngân.

Ông Văn khai động cơ ký các hồ sơ vì mong muốn quá trình tái cơ cấu của Ngân hàng SCB thuận lợi. Chính vì vậy, việc cho vay đảo nợ nhiều năm, cứ lần vay sau thêm lãi thì nợ "phình" ra.

“Nhiều người nói các bị cáo không hưởng lợi gì thì sao lại ký? Xin khai với HĐXX chủ yếu là bảo vệ thành quả mong manh của Ngân hàng SCB mà các bị cáo ký dễ dãi để phạm tội chứ không tư lợi gì” – Bị cáo Văn giải bày về hành vi phạm tội.

Cũng theo ông Văn, bản thân ông kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì bản án sơ thẩm có 1 số chi tiết chưa thể hiện hết nội dung. Cụ thể, bản án nói bị cáo Văn chỉ đạo định giá tài sản cao nhưng thực tế ông không chỉ đạo. Chính người mà bản án sơ thẩm cáo buộc được bị cáo Văn chỉ đạo cũng phủ nhận không có chuyện ông Văn chỉ đạo.

“Bị cáo cũng có một số tình tiết mới về nhân thân. Hoàn cảnh gia đình có 6 con nhỏ nên mong muốn sớm có điều kiện trở về chăm sóc các con” – Bị cáo Văn nêu lý do kháng cáo.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn từ năm 2013 đến năm 2017 đã ký hợp thức hồ sơ 290 khoản, gây thiệt hại trên 60.000 tỷ đồng. Từ năm 2018-2020 ông Văn ký 348 khoản vay, giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt 192.000 tỷ đồng, gây thiệt hại nợ lãi phát sinh 101.000 tỷ đồng.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn bị HĐXX phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt mức án tù chung thân cho 2 tội danh “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”.

Trả lời HĐXX, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, bị HĐXX sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân chung cho 2 tội danh “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”) xác nhận giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo bị cáo Dũng, với vai trò Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, bị cáo cảm thấy ăn năn hối cãi khi đã gây ra thiệt hại. Bị cáo Dũng cũng lý giải nguyên nhân xin giảm nhẹ hình phạt. Theo ông Dũng, qua bản án sơ thẩm, bị cáo đã thấy cái sai của mình và thấy "hết đường" trở về với gia đình. Vì vậy, bị cáo có khắc phục một phần hậu quả.

Về vai trò bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Dũng trình bày là trước đây khi bị cáo còn làm việc thì có niềm tin bà Lan sẽ phát triển ngân hàng, có cơ hội chỉnh trang lại TPHCM về bất động sản, như bà Lan muốn có những tòa nhà lớn… cá nhân bị cáo thấy ước mơ của bà Lan xa xôi…

Về nguyên nhân thiệt hại của Ngân hàng SCB, bị cáo Dũng thống nhất với ý kiến của bị cáo Văn. Nợ càng ngày càng chồng chất, cứ sau mỗi lần đáo nợ thì thêm phần lãi. Đó là nguyên nhân gây đổ vỡ Ngân hàng SCB…

Bà Trương Mỹ Lan bất ngờ nhận tội, nói "tôi không kêu oan" - Ảnh 4.

Các luật sư tại phiên tòa hôm 4/11. Ảnh: Tân Châu

Phiên tòa phúc thẩm này được mở vì sau bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên ngày 11/4 thì có kháng cáo của 48 bị cáo, kháng cáo của người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.

Hồi tháng 4, bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt bị cáo Trương Mỹ Lan phải chấp hành là tử hình .

Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay là 677.800 tỷ đồng.

85 đồng phạm còn lại bị phạt mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến tù chung thân.

Bà Trương Mỹ Lan ngoài giai đoạn 1 vụ án như nêu trên, vào ngày 17/10 vừa qua, HĐXX của TAND TPHCM tuyên án giai đoạn 2 vụ án, phạt bà Trương Mỹ Lan mức án tù chung thân (hình phạt chung cho 3 tội danh).