Mấy ngày nay, cộng đồng sinh viên đại học Văn Lang (TP.HCM) “rần rần” chia sẻ hình ảnh chiếc thẻ sinh viên độc đáo. Chiếc thẻ với logo trường, ngành học kinh doanh đứng đường, sinh viên tên “Bà Tư sành điệu” cùng hình ảnh người phụ nữ cười tươi như hoa. Mặt sau thẻ là các nội quy như “thẻ chỉ có giá trị khi bán hàng”, “thẻ chỉ cấp duy nhất cho một người” và có cả số điện thoại như mã số sinh viên…
“Sinh viên ở đây mà không biết tui là tiếc
lắm đó”
Lần mò đến cổng trường ĐH Văn Lang tìm “tung tích” bà Tư sành điệu mới
biết đó là một người phụ nữ bán hàng trước cổng trường. Gian hàng của bà Tư
cũng như bao phụ nữ bán rong khác, các loại nước giải khát, bánh kẹo, trái cây…
nhưng rộng rãi, có chỗ ngồi nho nhỏ.
Khác với suy nghĩ về bà chủ đầy sành điệu, thực tế ngoài đời bà Tư giản
dị, đồ bộ, nón lá. Bà Tư rất hay cười, nói chuyện đều khua tay múa chân, lâu
lâu còn pha thêm vài câu tiếng Anh. “Cái tên sành điệu là tui đặt đó, thích mấy
đứa sinh viên gọi vậy cho vui thôi”, bà Tư cười vang.
Hỏi về tấm thẻ độc đáo, bà cho biết: “Cái thẻ này một cựu sinh viên trường
làm cho tui. Mấy hôm rày trường Văn Lang yêu cầu sinh viên phải có thẻ mới cho
vô trường. Tui bèn nói vui, đòi làm cái thẻ cho giống mấy đứa. Mình bán hàng
cũng cần có thẻ riêng chứ, có cả vỏ bọc với
dây đeo luôn".
“Thẻ đẹp tui thích lắm coi như của quý. Cứ 3h sáng là đeo để bán hàng đến
chiều mới tháo ra. Mà số điện thoại trên thẻ của tui phải đọc là 0908 không
tái, không hành, không nạm thì mới vui à nha. Ai hỏi là tui xuất trình thẻ bán
hàng ngay”, cô bán hàng vui tính.
Nói rồi bà Tư lại cười khà khà, lấy kim băng kẹp dây thẻ lại, tay làm
món dừa tắc, món uống “trứ danh” của quán. Mấy sinh viên đi qua đều “A! con
chào Tư”, có người cọn gọi vang “Tư dễ thương” “Tư sexy” hay “Tư diệu kì”… đều
là những biệt danh sinh viên đặt cho.
Bà Tư tên thật là Phan Thị Ánh Hồng (51 tuổi, quê TP.HCM), do ông xã bà
là thứ 4 trong nhà nên bà có biệt danh này. Cô Hồng bán ở khu vực này từ năm
1996, khi trường ĐH Văn Lang vẫn còn chưa xây. “Trời ơi, nói chứ sinh viên trường
này mà không biết tui là hơi bị hối tiếc đó”, bà Tư nói.
Nhưng có lẽ, hầu hết thế hệ sinh viên trường đều biết cô Ánh Hồng.“Từ
trước giờ, trước cổng trường chỉ có cô Tư bán nước, ai ít nhất cũng phải mua của
cô vài lần thôi. Cô không những có duyên bán hàng mà con hay pha trò, chọc cười
vui tính lắm nên gặp lần là ấn tượng ngay”, bạn Nguyễn Minh Đức (khoa Mỹ Thuật
Công Nghiệp) cho biết.
Quả thật, sinh viên đi qua không mua nước cũng chào hỏi cô Tư. Mấy hôm
nay, nhiều bạn đều hỏi thăm về chiếc thẻ độc đáo cô đeo. “Nhiều sinh viên ra
trường cả chục năm tôi vẫn nhớ. Có đứa dù có bịt khẩu trang tôi vẫn nhận ra, biết
chúng học khóa nào ngay”, cô Tư chia sẻ.
Tình cảm cô Tư sành điệu
Tư tự nhận mình vui tính có khi đến mức bị gọi là “khùng” đến mức mắng
chửi sinh viên. “Có lúc tui tức sinh viên chúng nó quá, mắng chán thì giận cả nửa
tháng không thèm nói chuyện. Chúng sợ đến mức đi qua không dám nhìn, không dám
mua hàng luôn có khi khóc xin lỗi tui”, người phụ nữ nói.
Không phải Tư hay nóng giận, khó tính, nguyên nhân của lời trách mắng đến
từ tình cảm dành cho sinh viên. Tình cảm rất đơn giản, ấy là những khi sinh
viên thâm hụt tiền tiêu xài. “Nó đến than đói với tui, thế là tui bèn cho vài
chục ngàn bảo đi mua cơm ăn. Có những đứa kẹt tiền quá, tui sẵn sàng mời ăn no
say cả tuần. Tui mời chứ không cho vay nên nhiều đứa trả tiền cũng không muốn
nhận”, cô giải thích.
Hay có sinh viên đi ngang qua than “khát” mà trong túi không còn đồng bạc,
cô Tư cũng không tiếc gì một chai nước. Chuyện sinh viên quên laptop, điện thoại
diễn ra nhiều lần, đều được cô gọi ra tận nơi lấy về. Ai chán học hành, cô Tư đều
mắng xối xả vì “đã phụ công cha mẹ cho ăn học”. Ai thất tình chán đời cô Tư
cũng mắng vì lại phụ công cha mẹ cho ăn học. Sau mắng là những lời khuyên, thăm
hỏi cuộc sống. “Và đứa nào lì quá thì tui giận không thèm nhìn”, cô nói
Bà chủ quán nước cũng không thể nhớ mình đã giúp đỡ bao người vì “toàn mấy chuyện nhỏ nhặt có
đáng gì”. Vì tình cảm ấy mà có sinh viên ra trường vẫn mỗi ngày điện hỏi thăm,
chia sẻ với cô về tình cảm, công việc… Có bạn thì vẽ tranh tặng hay lấy chân
dung cô làm đề tài cho bài vẽ lúc thi học kì.
Bạn Phạm Ngọc Trung Nghĩa (28 tuổi, cựu sinh viên ĐH Văn Lang) chia sẻ: “Mình
quý cô nên làm tặng cái thẻ. Từ năm 1 mình đã thân thiết với cô Tư như mẹ con.
Cô chỉ bảo nhiều kinh nghiệm sống, giúp đỡ sinh viên cả tinh thần, vật chất.
Như có bạn không đủ tiền làm đồ án thì cô giúp đỡ. Lần nào đi về Sài Gòn mình
cũng ghé thăm cô”.
Cô Tư bảo bán ở đây vui vì sinh viên dễ thương. Vì thế dù nhà không phải khó khăn, có cơ hội công việc khác và còn được đi nước ngoài nhưng cô vẫn chọn bán hàng để luôn được gần sinh viên. Chính nhờ tình cảm ấy mà cô hàng nước luôn dành được sự yêu mến của “ét vê” Văn Lang.