Dù đã có con gái hơn 1 tuổi nhưng ai cũng phải khẳng định Đàm Thu Trang ngày một xinh đẹp, nhan sắc thăng hạng theo thời gian. Thế nhưng không phải ai cũng biết bà mẹ 1 con cũng đã từng có thời kỳ ám ảnh vì tắc tia sữa sau khi sinh bé Suchin. Bà xã Cường Đô La cho biết cô bị tắc sữa đến 5-6 lần/tuần, cảm giác đau hơn đau đẻ và khiến Đàm Thu Trang thấy nản và thoáng qua suy nghĩ không thể tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ được nữa.
Mới đây, trong một status của người bạn cũng gặp phải tình trạng tương tự, Đàm Thu Trang đã chia sẻ rằng rất cảm thông với tình cảnh này. Thêm vào đó, bà mẹ 1 con đưa ra lời khuyên: "Chị hiểu cảnh này lắm. Lắm lúc ngồi mà muốn khóc luôn ấy. Chị phải vắt tay cả 10 ngày để lành vết thương rồi mới sử dụng máy lại đấy. Cố lên nào. thế rồi cũng qua đúng không, biết cách vắt tay sữa vẫn ổn và đủ cho con nhé. Chỉ là thời gian vắt nó lâu và em dễ mỏi tay thôi".
Trước đó, sau khi sinh Suchin, Đàm Thu Trang cũng tâm sự: "Chắc hẳn mẹ nào nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ cũng phải trải qua ít nhất 1 lần về vấn đề tắc tia sữa... Và Trang cũng không ngoại lệ... Lúc đó mới thấu hiểu câu đau tắc tia sữa đau hơn đau đẻ không sai chút nào. Không biết các mẹ khác như thế nào và nói ra có ai tin không khi mà trong 1 tuần Trang bị tắc tia sữa tới 5,6 lần khiến cho Trang thấy nản và cảm giác không thể nuôi con bằng sữa mẹ được nữa vì tái đi tái lại quá nhiều lần và đau tới mức không muốn làm gì khác".
Nguyên nhân cô bị tắc tia sữa là do không hợp với máy hút sữa hiện tại. Tuy nhiên, Đàm Thu Trang đã giải quyết được vấn đề nan giải này. Cô vui mừng chia sẻ: "Thở phào vì thấy hành trình nuôi con bằng sữa mẹ có thể tiếp tục cho tới khi bé Suchin tròn 6 tháng".
Điều trị tắc tia sữa ra sao?
Với tắc tia sữa thì cần dùng các biện pháp vắt để thông tia (có thể vắt sữa mẹ bằng tay hoặc dùng máy hút sữa), khi tia sữa thông sẽ hết sốt, tránh được viêm và tạo áp-xe mà không cần dùng kháng sinh. Trường hợp tắc tia sữa lâu trở thành viêm nhiễm nặng ở tuyến vú hoặc thành áp-xe tuyến vú thì cần dùng kháng sinh toàn thân (tiêm hoặc uống), nếu không khỏi thì phải kết hợp trích tháo mủ sau khi đã dùng kháng sinh.
Trong trường hợp bà mẹ tắc tia sữa bị sốt cao thì bé bú sữa mẹ sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa (đi đại tiện phân bọt, chất xanh, thậm chí tiêu chảy nếu sữa lẫn mủ). Vì vậy, trong thời gian điều trị tắc tia sữa bị sốt cao thì không nên cho bé bú bên vú bệnh mà cần hút bỏ đến khi khỏi mới cho bú lại. Phòng viêm và áp-xe vú là không để tắc tia sữa. Khi đầu vú bị nứt hoặc xây xát, cần điều trị tích cực.
Trong trường hợp tắc tia sữa có cục co cứng, không thoải mái ở vùng ngực, bạn nên cho trẻ bú nhiều lần để hút bớt sữa ra, hoặc dùng tay nắn nhẹ vắt sữa, kết hợp chườm ấm bầu vú giúp thông tia sữa, nhẹ nhàng massage bầu vú trong khi con đang bú hoặc đang hút sữa bằng máy. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến khích bạn nên nghỉ ngơi thật nhiều, bổ sung thêm nước để sữa tiết ra đều đặn hơn.
Nếu sau vài ngày tình trạng tắc tia sữa có cục co cứng vẫn tiếp diễn bạn nên dùng 1 bàn tay đè ép bầu vú lên thành ngực hoặc dùng 2 bàn tay ép vào nhau. Vừa ép vừa day sẽ làm tan các vị trí sữa đã đông kết nằm ở sâu trong bầu vú, day từ từ theo vòng tròn, tăng dần, khoảng 20 lần, rồi lại làm ngược lại, làm nhiều lần. Mặt khác vừa day, vừa chườm ấm vào bầu vú, có thể sử dụng kết hợp với máy hút sữa để hút sữa ra.
Trường hợp đã thử những biện pháp trên mà tình hình không được cải thiện cần đến bệnh viện để thầy thuốc khám bệnh và điều trị kịp thời, tránh để lâu gây biến chứng áp-xe tuyến vú rất nguy hiểm.