Trong những ngày Tết thế này, khung cảnh Sài Gòn trở nên yên tĩnh hơn. Đường phố cũng thưa thớt. Ở đó vẫn còn người nghệ sĩ già không màng đến Tết mà thường trực, quanh quẩn ở những góc hẻm nhỏ để thong dong thú vui của riêng mình. Đó là “bác Ba Phi” của Đất phương Nam - nghệ sĩ Mạc Can.
Nghệ sĩ Mạc Can.
Clip: “Bác ba Phi” Mạc Can chia sẻ về cuộc sống và cái nhìn về những ngày Tết
- Chào chú Mạc Can! Cận kề những ngày tết thế này chú đã chuẩn bị gì cho mình chưa?
- Tôi không để ý gì đến Tết, ngày nào cũng giống như ngày đó. Từ nhỏ đã vậy rồi! Có nhiều chuyện đối với người khác vui còn với tôi thì không. Như con nít nó còn mặc quần áo mới, được lì xì, sum họp với gia đình thì nó vui.
Chuyện cứ diễn ra trước mắt mình nhiều lần quá, đến ngày Tết thì người ta xôn xao hơn một chút nhưng hình ảnh đó cũng trôi tuột đi không có gì đọng lại. Đối với người khác, họ nhớ tới những gì của họ nhưng tôi thì không có gì để nhớ nữa, không phải là đãng trí nhưng mà vì chẳng có gì để nhớ. Ngày qua ngày không có gì khác. Tôi muốn những điều sốc hơn, mạnh hơn thì mới động não được.
Tôi có tham vọng muốn cái xe hơi hoặc quần áo, tiền bạc nhiều hơn thì trong lòng mình muốn cảm xúc mới lộ lên khuôn mặt. Còn nhìn cái gì cũng trơn tuột, không thích, không hy vọng. Càng hy vọng mà không được thì càng thêm tuyệt vọng.
Tôi không biết giận, không biết thương, không biết ghét. Cảm xúc của tôi trở lại thời thơ ấu rồi.
- Có phải do tuổi tác đã làm chú có cái nhìn khác lạ về ngày Tết như thế?
- Thứ nhất là do hoàn cảnh, thứ hai là tôi thấy mình không hợp với những chuyện vui vẻ. Hàng ngày, anh em tụ tập ở đây chứ nó buồn thêm thôi. Bụng dạ đã không vui thì ở đâu cũng không vui. Đường phố nhộn nhịp như vậy thế nhưng tôi thấy không có gì vui. Nó xảy ra quá lâu rồi, ngày nào cũng như ngày nấy.
Ngay cả việc viết báo, viết truyện cũng vậy. Tôi viết là để cho người ta vui, lâu lâu mình vui lây.
- Nếu nói như thế thì lấy đâu cảm xúc để chú viết nên các tác phẩm?
- Có lẽ do tôi sống nhiều, quan sát nhiều. Tôi nhìn người khác bằng cách hơi lạ, nhìn như không thấy gì nhưng bối cảnh hay xung đột gì xảy ra tôi quan sát đó rồi để dành. Đến khi cầm cây viết lên thì tự động nhớ lại.
Tôi bẩm sinh đã như vậy. Có nhiều chuyện không hẳn là quan sát tốt hết, chỉ có một vài khía cạnh tôi nhạy bén với những việc đó. Còn những việc khác tôi không hiểu được như chuyện tính toán chẳng hạn.
- Để có một tác phẩm hay thường cần phải có các chi tiết do người viết nghĩ ra. Vậy trong các tác phẩm của chú, ngoài chuyện quan sát còn có yếu tố tưởng tượng chứ?
- Dĩ nhiên là có! Viết truyện cần có kinh nghiệm sống, sự quan sát và thứ nguy hiểm nhất chính là tưởng tượng. Đôi khi những điều mình tưởng tượng nó lại có thật.
Có nhiều khi trong vô thức mình lại có những câu chuyện hay, rồi nhớ để đó. Khi bình tĩnh lại mình viết cho tốt, có đôi khi trong suy nghĩ mình thấy hay mà viết ra nó lại dở ẹt. Cuộc đời thế nào thì mình viết vậy, không thêm thắt gì hết.
Cái nghề này nó kỳ cục ở chỗ là khi mình muốn viết, rảnh rang thì viết không được, còn khi ý tưởng “bập” vô đầu mình thì không rời được cây bút, cứ ngồi hoài khi nào xong thì thôi.
- Theo như lời chú kể, có vẻ như chú chấp nhận những gì mình có chứ không mong muốn gì hơn?
- Tôi có muốn cũng không được. Trong giấc mơ của mình thấy nhiều thứ như muốn mua nhà hoặc lâu nay mong muốn gặp người đó nhưng tỉnh giấc lại thì không phải. Vài ba chi tiết có vẻ thật, nhưng thức giấc thì “lãng”.
Tôi bị tôi xí gạt. Có tới 2 Mạc Can trong một con người. Hình như tôi thích đứng ngoài mọi sự. Ví dụ như chớm được trở lại con người thật của mình, cảm giác yêu một người nào đó thì tôi tìm mọi cách để loại trừ người đó ra. Từ từ quên, từ từ lùi dần.
- Trong đời chú đã yêu bao nhiêu người?
- Ngày nào cũng yêu, ngày nào cũng quên. Tôi sẽ kiếm cách nào đó để không gặp người đó nữa, gặp hoài quen thuộc riết thành thói quen. Quen hoài gặp hoài mà có tình yêu thì tình yêu đó ngày càng xây đắp thêm. Còn giờ mình thấy nguy hiểm, không tới được thì mình tìm cách quên đi. Nhưng trừ việc uống rượu, càng uống càng nhớ. Cứ tỉnh bơ đi, xem việc đó không là gì cả thì mới được.
Tôi không đủ sức để làm chủ gia đình, không đủ sức để giữ chân người phụ nữ nào bên mình. Nếu có con tôi cũng không đủ tính cách để làm cha mấy đứa nhỏ. Tôi không phải bê tha, bệ rạc hay không có trách nhiệm mà tôi thấy mình không đủ khả năng để làm những chuyện đó. Bản thân tôi còn không lo nổi thì lo cho ai.
“Quen hoài, gặp hoài mà có tình yêu thì tình yêu đó ngày càng xây đắp thêm. Còn giờ mình thấy nguy hiểm, không tới được thì mình tìm cách quên đi” - nghệ sĩ Mạc Can chia sẻ.
- Chú nói rằng không ham muốn gì hàng ngày, vậy thì rất khó để có động lực tồn tại trong cuộc sống. Hẳn là chuỗi ngày qua đi sẽ chán nản lắm?
- Coi vậy mà thằng già này kiếm được tiền. Tôi đi diễn hài, ảo thuật, đóng phim, viết báo cũng có chút đỉnh. “Thằng Can” này thuộc loại nước giếng, tức là nước cạn cạn rồi vài ngày sau lại tiếp tục có nước lại.
Tôi cũng không thường loanh quanh chỉ ở khu vực này thôi đâu mà đôi lúc đi đóng phim, đi làm từ thiện nữa. Bản thân tôi không có tiền để giúp người khác nên tôi ra diễn ảo thuật, con rối để mấy đứa nhỏ vui cười. Đó cũng là cách từ thiện nhưng bản thân mình thì không ai giúp.
Trong việc viết truyện, lần đầu thì người ta có gọi tôi lãnh nhuận bút, những đợt sau các nhà xuất bản in theo bản chính thì người ta không gọi lên lãnh nữa, thậm chí người ta quên bẵng đi chuyện đó, không chỉ trả ít mà người ta “xù” luôn, mà tôi cũng không cần. Nói nghe có vẻ chảnh nhưng mỗi ngày tôi và mấy ông bạn ngồi uống ly trà đá, hút 2 điếu thuốc, chút tiền đổ xăng chạy xe vòng vòng xong về ngủ.
Giấc ngủ của tôi không giống nhiều người. Giờ người ta đi ngủ tôi thức và ngược lại. Sáng sớm người ta thức dậy tôi lại ngủ một chút. Cái này không phải bệnh, không đau gì cả mà do nó không chịu ngủ nữa.
Ông bạn Hồ Kiểng cũng giống tôi, nhuận bút hay cát-xê người ta muốn trả bao nhiêu thì trả, không có đưa ra giá. Ban đầu tôi ngộ nhận đó là tính cách của nghệ sĩ nhưng rốt cuộc không phải. Cái đó hơi dại! Công mình làm thì người ta trả thù lao tương xứng, chứ mình không có đi xin.
- Cuộc đời của chú chắc qua nhiều biến cố lắm nên làm chú có nhiều suy nghĩ buồn đến vậy?
- Tôi ít cười lắm! Buồn tôi mới cười, xúc động dễ chết người. Tôi nhạy cảm. Ai mà nói sốc là tôi buồn hai ba ngày. Cái gì có thể đối với người khác bình thường nhưng với tôi thì nó trầm trọng. Tôi buồn lâu lắm mới hết. Cứ hỏi tại sao người ta đối xử với mình như thế?
Có những lúc người ta nói tôi sao thấy ông “trườn mặt” trên tivi hoài vậy. Nghe chữ “trườn” đó tôi phải nuốt xuống. Đó là cái nghề của tôi! Tôi sống là nhờ người ta mời tôi lên đó. Chữ “trườn” đó tôi nghe tủi thân lắm. Chữ Việt Nam phải nói cho chính xác, không đúng dễ làm người khác giận lắm.
Tôi giống như cây cỏ, từ bé đã mọc tự do kiểu không ai chăm sóc.
Mạc Can tên thật là Lê Trung Can. Ông sinh năm 1945 trên một ghe hát ở Tiền Giang nên nghiễm nhiên được tính là con nhà nòi.
Nghề nghiệp: nhà văn, diễn viên, biểu diễn ảo thuật.
Những tác phẩm đã ra mắt: Tấm ván phóng dao, Tờ 100 đô la âm phủ, Quỷ với Bụt và Thần chết, Món nợ kịch trường, Cuộc hành lễ buổi sáng, Tạp bút Mạc Can,…
Những bộ phim từng tham gia: Ván bài lật ngửa, Người đẹp Tây Đô, Đất phương Nam, Đất khách, Áo lụa Hà Đông, Dưới cờ đại nghĩa, Vó ngựa trời Nam,…
Những phim cổ tích từng đóng: Phượng hoàng đất, Đúc người, Chàng ngốc phiêu lưu ký, Chàng học trò và ba con quỷ, Hoàng tử cứu mẹ, Sự tích con muỗi.
Giải thưởng: Giải A cuộc thi tiểu thuyết năm 2005 của Hội Nhà văn Việt Nam (cuốn Tấm ván phóng dao).