MƯA LŨ KỶ LỤC TẠI BẮC KINH
Trước tình hình Bắc Kinh hứng chịu lượng mưa lớn nhất trong 140 năm qua, các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc cần tăng cường hệ thống giám sát thời tiết và thủy văn, trước số lượng các hiện tượng thời tiết cực đoan dự kiến sẽ gia tăng do biến đổi khí hậu.
Những trận mưa như trút ở thủ đô của Trung Quốc, gây ra lũ lụt chết người, đã phá vỡ nhiều kỷ lục khí tượng:
- Theo Cơ quan Khí tượng Bắc Kinh, một trạm ở quận Changping phía tây bắc đã ghi nhận lượng mưa 744,8mm từ thứ Bảy đến thứ Tư - cao nhất kể từ năm 1891.
- Tuy nhiên, Lâm Thành, thuộc tỉnh Hà Bắc lân cận, có lượng mưa lớn nhất, với 1.003mm rơi vào giữa thứ Bảy và thứ Hai. Con số đó tương đương với tổng lượng mưa của 2 năm trong khu vực.
- Lượng mưa trên toàn khu vực cũng cao kỷ lục, với lượng mưa hàng ngày được ghi nhận bởi 4 trạm khí tượng ở Bắc Kinh và 10 trạm ở Hà Bắc vượt quá mức tối đa trong lịch sử.
Một con sông bị úng lụt sau cơn bão Doksuri mang theo mưa lớn đến Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, trong đợt mưa lớn ở Bắc Kinh, dữ liệu từ hơn 100 trạm khí tượng tự động trong thành phố đã bị gián đoạn do sự cố về điện hoặc trạm. Do vậy, các trạm đã phải sử dụng thêm thông tin vệ tinh và radar để xác định lượng mưa.
Shao Sun, nhà khí hậu học tại Đại học California, Irvine, Mỹ, cho biết đây là trận mưa lớn nhất ở miền bắc Trung Quốc kể từ năm 1964, vượt qua trận lũ lụt năm 2012 khiến 79 người thiệt mạng và hơn 1,6 triệu người bị ảnh hưởng.
Shao Sun cho biết những trận mưa như trút nước trực tiếp gây ra bởi tác động kết hợp của cơn bão Doksuri và một áp cao cận nhiệt đới ở miền bắc Trung Quốc.
Bão Doksuri và áp cao cận nhiệt đới hình thành kênh vận chuyển hơi nước theo hướng bắc-nam ở miền đông Trung Quốc. Sau đó, khi gặp phải các chướng ngại vật của dãy núi Taihang và Yanshan, nó đã gây ra lượng mưa lớn. Sự hình thành của bão Khanun sau đó cũng vận chuyển một lượng lớn hơi ẩm đến miền bắc Trung Quốc, dẫn đến hiện tượng thời tiết "chưa từng có và phá nhiều kỷ lục".
Các chuyên gia cho biết kể từ đầu thế kỷ 21, số lượng các trận mưa lớn đã tăng lên ở miền bắc Trung Quốc.
"Xem xét các mô hình lịch sử, trong những năm 1950 đến 1970, vành đai mưa chính tập trung ở miền bắc Trung Quốc, sau đó chuyển sang miền nam Trung Quốc vào những năm 1980 và 1990. Kể từ đầu thế kỷ 21, vành đai mưa chính lại dần dịch chuyển về phía bắc. Từ góc độ lịch sử, miền bắc Trung Quốc hiện đang trải qua thời kỳ lượng mưa lớn gia tăng, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và lũ lụt gia tăng đáng kể" - Shao Sun giải thích.
TRUNG QUỐC CẦN PHẢI LÀM GÌ?
Theo các chuyên gia, điều quan trọng đối với các cơ quan khí tượng thủy văn là nâng cao khả năng dự báo và cảnh báo; song song đó, các thành phố cũng phải nâng cao năng lực phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai.
Zhang Jianyun, cựu Giám đốc Viện nghiên cứu thủy lực Nam Kinh, phát biểu trong một hội thảo trực tuyến hôm thứ Tư rằng Trung Quốc nên tăng cường nghiên cứu về cơ chế của những cơn mưa bão cực đoan và cải thiện độ chính xác của dự báo thời tiết. Ông cho biết đặc biệt cần phải tăng cường giám sát và cảnh báo thủy văn của quốc gia.
Các chuyên gia thời tiết đã cảnh báo cần có các hệ thống giám sát thời tiết và thủy văn tốt hơn vì các sự kiện thời tiết cực đoan như lũ lụt gần đây ở Bắc Kinh sẽ gia tăng về số lượng. Ảnh: Tân Hoa Xã
"Nhiều trạm thủy văn của chúng tôi ở vùng nông thôn và trong tình trạng tồi tàn. Khi lũ về, trạm có thể bị cuốn trôi, ảnh hưởng đến các thiết bị quan trắc, báo cáo thông tin", ông nói.
Zhang Jianyun là người đứng đầu nhóm chuyên gia do Quốc vụ viện tổ chức để điều tra sự kiện lũ lụt tàn khốc ở thành phố miền trung Trịnh Châu vào năm 2021, khiến 398 người chết và mất tích.
Báo cáo của nhóm, được công bố vào tháng 1 năm 2022, kêu gọi các cơ quan chức năng tăng cường quản lý tổng hợp cảnh báo và ứng phó sớm, đồng thời nâng cao năng lực của các thành phố trong việc ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ thiên tai.
Vấn đề ngày càng trở nên quan trọng khi nghiên cứu cho thấy rằng các vùng có độ cao lớn có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng mưa cực đoan do sự nóng lên toàn cầu.
Shao Sun cho biết: "Người ta dự đoán rằng cường độ mưa cực lớn ở các vùng có độ cao lớn sẽ tăng với tốc độ gần gấp đôi so với các vùng có độ cao thấp. Cứ mỗi lần nhiệt độ tăng 1 độ C, cường độ mưa cực lớn ở các vùng có độ cao lớn được dự đoán sẽ tăng khoảng 15%".
Nhóm của ông đã tìm thấy trong một nghiên cứu năm 2020 rằng Bắc Kinh nằm trong số 6 thành phố ở miền đông Trung Quốc có nguy cơ ngập úng cao nhất.
"Những phát hiện này nhấn mạnh những thách thức lớn mà các thành phố ở miền bắc Trung Quốc gặp phải do hệ thống thoát nước kém, mạng lưới sông ngòi hạn chế và quy hoạch không gian xanh đô thị không phù hợp, khiến chúng rất dễ bị lũ lụt nghiêm trọng trong các trận mưa lớn bất ngờ" - Shao Sun kết luận.