Ngày 5/12, Bệnh viện K thông tin, ê-kip bác sĩ của Bệnh viện K phối hợp với bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa mổ cấp cứu thành công cho sản phụ ung thư vú tái phát di căn, mang thai đôi tuần 34.
Bệnh nhân là chị N.T.T (38 tuổi, trú tỉnh Thái Nguyên) có tiền sử điều trị ung thư vú cách đây 3 năm. Chị được chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến vú xâm nhập. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định xạ trị bổ trợ, ra viện vào tháng 6/2021. Do hoàn cảnh gia đình và nguyện vọng cá nhân, chị T. không điều trị đích mà theo dõi, khám định kỳ 3 tháng/lần.
Chồng chị T. bị ảnh hưởng do chất độc màu da cam. Sau 18 năm kết hôn, hai vợ chồng vẫn mong mỏi tìm con yêu. Đến tháng 5/2023, vợ chồng chị T. thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thành công, phôi thai được trữ từ năm 2020, trước thời điểm chị T. điều trị hóa chất.
Tháng 9/2023, khi đang ở tuần 20 của thai kỳ, chị T. thăm khám tại Bệnh viện tỉnh Thái Nguyên và phát hiện hạch ở cổ cần được điều trị. Sau khi bác sĩ tư vấn, đứng trước ranh giới lựa chọn điều trị cho mẹ, hay giữ lại hai con, chị T. đưa ra quyết định giữ con.
Chị T. trở về theo dõi sức khỏe tại nhà, mong thai kỳ khỏe mạnh, con bình an chào đời.
Đến tháng 11, khi hạch cổ trái tăng kích thước khá lớn, hạn chế trong sinh hoạt, vận động cổ kèm đau nhiều, phù nề cánh tay trái, chị được bác sĩ chuyển đến Bệnh viện K.
Nhận định ca bệnh phức tạp, bác sĩ Bệnh viện K quyết định trao đổi cùng Bệnh viện Phụ sản Trung ương để theo dõi sát sự phát triển của khối u cho chị T. với mong muốn kéo dài tối đa tuần tuổi thai kỳ.
Sau 2 tuần theo dõi và điều trị, khối u tiếp tục tiến triển, các cuộc hội chẩn trong viện và liên viện liên tục diễn ra để đánh giá toàn trạng bệnh nhân.
Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, bệnh nhân T. là trường hợp ung thư vú trái tái phát di căn hạch thượng đòn trái xâm lấn da, mang thai ở tuần 34. Các bác sĩ điều trị vừa kiểm soát sự tiến triển của khối u, vừa đảm bảo an toàn cho song thai phát triển.
Khối u hạch chèn ép gây đau đớn cho người bệnh, phải chống đông xử lý huyết khối của khối u nếu không sẽ có nguy cơ tắc nghẽn phổi.
Khối u phát triển rất nhanh, nếu không mổ khối u có thể gây xâm lấn, vỡ tắc mạch, chèn ép, khó thở. Phương án đưa ra là phẫu thuật đảm bảo an toàn cho 3 mẹ con.
Ca phẫu thuật có sự tham gia của bác sĩ của hai bệnh viện. Chỉ ít phút sau ca mổ diễn ra, trưa ngày 5/12, hai bé gái cất tiếng khóc chào đời, đều nặng 1,8kg.
Ca mổ tiếp tục được thực hiện để cắt bỏ khối u cho người mẹ. Sau mổ bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Bác sĩ Bệnh viện K khuyến cáo với chị em đã điều trị ung thư, trong thời gian sau điều trị nên theo dõi sức khỏe của bản thân, tái khám đúng hẹn. Đặc biệt, người bệnh cần trao đổi bác sĩ chuyên khoa ung bướu về nguyện vọng của bản thân để bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên, tư vấn hợp lý nhất.