Bánh mứt, kẹo ngọt, snack thường có hàm lượng muối hoặc đường cao, lượng chất béo xấu rất cao. Hơn nữa, các loại snack không lành mạnh này còn chứa chất ổn định, chất nhũ hóa, chất bảo quản. Đặc biệt là các chất điều vị, do đó, gia tăng rối loạn vị giác của bé và tạo môi trường cho vi khuẩn gây sâu răng phát triển.
Ăn bánh kẹo nhiều làm trẻ dễ biếng ăn trong những bữa chính và gây sâu răng. Ngoài ra, việc ăn quá nhiều đường và muối có thể làm vị giác các bé dưới 2 tuổi rối loạn, dẫn đến biếng ăn kéo dài sau Tết.
Sau những ngày lễ Tết tiềm ẩn một nguy cơ về lượng tiêu thụ quá tải những chất béo, đường ngọt không lành mạnh ở trẻ nhỏ, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển IQ và sức khỏe lâu dài của trẻ nhỏ.
Theo GS. Belson, ĐH American, Mỹ, với các bé lớn hơn 3 tuổi, hành vi ăn bánh kẹo có xu hướng tăng sau các dịp lễ Tết, nếu điều này kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển IQ và tăng nguy cơ các bệnh khác như béo phì, tim mạch do lượng hấp thụ khá lớn các chất đường ngọt hoặc các chất điều vị, phẩm màu sử dụng trong các sản phẩm này.
Giải pháp thay thế bánh kẹo cho trẻ
Hành vi ăn uống bánh kẹo của trẻ được ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính:
1. Khi ăn, làm trẻ cảm thấy được vui vẻ.
2. Khi ăn, làm trẻ cảm thấy được dễ dàng tự thỏa mãn.
Do đó, tìm một giải pháp thay thế lành mạnh và đáp ứng 2 tiêu chí trên sẽ hiệu quả hơn là cấm cản hay la mắng, đó là chia sẻ của GS. Belson. Đây là một số gợi ý bạn có thể thực hiện:
- Để sẵn những thực phẩm dinh dưỡng và lành mạnh hơn, chú ý các sản phẩm ít đường, cung cấp thêm các vitamin khoáng. Luôn đa dạng loại và cho trẻ biết mỗi khi đã để sẵn. Luôn khuyến khích, nhưng đừng ép trẻ phải ăn hoặc uống.
- Dán nhãn hoặc cho trẻ biết mục đích của những loại thực phẩm này. Ví dụ bạn có thể để nho, bánh ăn dặm và 2-3 hộp sữa tươi với những stickers mặt cười ám chỉ khi trẻ cần “nạp năng lượng” thì vào đây “tìm kho báu”.
Những thực phẩm thay thế bánh kẹo gợi ý trong ngày Tết
1. Các loại hạt ăn dặm như hạt bí, hướng dương, hạt điều, hạt hạnh nhân
Nên nhớ, trẻ thích những câu chuyện và lời giải thích bằng tai. Bạn có thể giúp trẻ nhận ra việc ăn hạt điều vỏ lụa thú vị như thế nào? Ví dụ, bạn có thể nói: “Con có biết ẩn sau lớp vỏ xấu xí này là 1 cô công chúa xinh đẹp không?". Hãy khuyến khích trẻ lột vỏ hạt điều và những câu chuyện lồng vào để trẻ hứng thú hơn với những loại thức ăn lành mạnh này.
2. Trái cây không quá ngọt như bơ, chuối, dâu tây, thanh long, nho... để bé học mùi vị và lấy chất dinh dưỡng tự nhiên.
Cha mẹ được khuyên gọt vỏ, cắt khối vuông hoặc xiên que và để sẵn trong tủ lạnh để trẻ tiện sử dụng. Sau khi gọt vỏ, chỉ nên dùng trong 24 giờ để đảm bảo an toàn và không mất quá nhiều vitamin và chất khoáng.
3. Sữa tươi là một lựa chọn giàu dinh dưỡng giúp trẻ cân bằng năng lượng trong ngày Tết.
Nên chọn những loại có thể tiện lợi cho trẻ khi vui chơi như dạng đóng hộp, nên chọn loại ít đường, có bổ sung thêm vitamin khoáng chất trong thành phần như canxi, vitamin nhóm B, và đạt các chỉ tiêu chất lượng để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.
4. Sữa chua và phô mai có thể là một lựa chọn. Sữa chua nên chọn loại ít đường hoặc không đường. Khi ăn, có thể thêm mứt trái cây hoặc trái cây tươi dằm.
5. Tự làm các loại bánh cho bé như cup-cake cà rốt, bí đỏ, khoai lang, xiên que trái cây hoặc tôm thịt cá để trẻ dễ dàng cầm ăn mà vẫn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".
Bạn có thể đọc thêm các bài viết của bác sĩ Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.