Mất thận vì detox

Ông Nguyễn Văn Minh – Nghĩa Hưng, Nam Định thường xuyên bị đau quặn bụng, cơn đau càng nghiêm trọng hơn khi di chuyển kèm theo chứng đi tiểu buốt , tiểu rắt. Ông nghĩ mình bị viêm đường tiểu nên tự mua thuốc về uống nhưng triệu chứng tiểu buốt hết được vài hôm lại tái phát.

Cho đến khi bụng đau quặn, đi tiểu kèm theo mủ ông Minh mới đến bệnh viện kiểm tra. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán ông bị sỏi niệu quản kèm theo thận bị ứ mủ. Bác sĩ phải dẫn thông điều trị ứ mủ xong mới có thể phẫu thuật lấy sỏi niệu quản cho ông.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ cho biết thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị sỏi niệu quản biến chứng. Có nhiều bệnh nhân bị giãn đài bể thận, thận ứ niệu do sỏi niệu quản không điều trị kịp thời.

Mới đây nhất, trường hợp của bà Trần Thị L. 45 tuổi, trú tại Hà Nam vào viện sau khi phát hiện đi tiểu ra máu kèm tiểu buốt, bụng tức khó chịu. Bác sĩ chẩn đoán bà bị sỏi thận .

Vì không muốn vào viện điều trị, bà L. về quê lấy thuốc nam uống và thực hiện detox tan sỏi như trên mạng hướng dẫn. Kết quả, bà bị ứ mủ thận kèm theo thận bên trái có chứa sỏi bị mất chức năng, suy teo 1 bên thận.

Bác sĩ cho biết, đây là một trong những biến chứng thường gặp do bệnh nhân tự điều trị khiến tình trạng bệnh tiến triển xấu đi kèm theo nhiều biến chứng.

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên – Khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, khi niệu quản có sỏi, sự lưu thông dòng nước tiểu bị cản trở, ứ trệ một phần hoặc hoàn toàn sẽ khiến thận từ từ hay nhanh chóng bị suy giảm chức năng.

Bác sĩ bệnh viện Đại học Y: 90% người có dấu hiệu này là đang mắc 1 căn bệnh về thận - Ảnh 1.

Sỏi làm bít tắc đường niệu đạo gây nhiều biến chứng

Hiện tượng suy giảm chức năng thận do sự ứ đọng nước tiểu từ từ hay cấp tính đều gây tàn phá các tiểu cầu thận trên vi thể, trên đại thể là hiện tượng giãn đài bể thận, thận giãn mỏng dần.

Khi ứ đọng nước tiểu trong đoạn niệu quản trên sỏi và đài bể thận sẽ gây tăng áp lực đường bài xuất trên sỏi, và tác động vào các tế bào cảm giác. Đồng thời, các tế bào của niệu quản giải phóng ra Prostaglandin làm tăng sự co bóp nhu động niệu quản, góp phần đẩy sỏi xuống dưới gây nên cơn đau quặn thận.

Thông thường sỏi niệu đạo không gây tắc nghẽn dòng nước tiểu hoàn toàn, hoặc chỉ gây tắc nghẽn một phần nhỏ. Chính vì vậy, bệnh nhân thường không có cơn đau quặn thận, hoặc cơn đau quặn thận thoáng qua.

Bác sĩ Liên cho biết, bệnh nhân thường chịu đựng được hoặc bỏ qua triệu chứng này và ít khi vào viện điều trị. Thậm chí có bệnh nhân sỏi to vẫn cố detox rồi thuốc này thuốc khác dẫn đến biến chứng.

Hậu quả, với những bệnh nhân có sỏi niệu quản nhỏ không được theo dõi và điều trị, theo thời gian, mức độ ứ nước thận tăng dần và mất chức năng nếu sỏi không đi xuống bàng quang.

Theo bác sĩ Liên, sỏi niệu quản nhỏ để lại nhiều hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe. Đầu tiên, sỏi gây ứ trệ dòng nước tiểu bên thận có sỏi niệu quản, suy giảm chức năng thận chứa sỏi niệu quản. Bệnh nhân sẽ bị các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp do thận teo, thận viêm mạn tính - mất chức năng, thận bên sỏi niệu quản suy, mất chức năng.

Hậu quả thứ hai là gây viêm hẹp niệu quản đoạn sát ngay dưới sỏi.

Thứ ba là gây nhiễm khuẩn tiết niệu ngược dòng như viêm nhiễm hệ tiết niệu, ứ mủ thận bên có sỏi niệu quản.

Dấu hiệu cần đi khám ngay

Bác sĩ Liên cho biết sỏi niệu quản phải điều trị đúng và sớm. Các triệu chứng hay gặp nhất, chiếm trên 90% số bệnh nhân, đây cũng là lý do chính bệnh nhân đi khám bệnh. Bệnh nhân có thể có biểu hiện ở hai mức độ khác nhau.

Đau cấp tính: điển hình là cơn đau quặn thận, cơn đau xuất hiện đột ngột sau lao động và vận động, vị trí đau xuất phát ở vùng thắt lưng, tính chất đau là đau dữ dội từng cơn đau lan xuống vùng bẹn sinh dục không có tư thế giảm đau. Khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn cơ trơn thì đỡ đau (thường gặp trong sỏi niệu quản).

Đau mạn tính: bệnh nhân luôn có cảm giác nặng nề, đau tức khó chịu vùng thắt lưng (một bên hoặc hai bên), tính chất đau tăng khi vận động. Loại đau này thường gặp ở bệnh nhân có sỏi thận mà sỏi gây bít tắc không hoàn toàn.

Ngoài ra, bệnh nhân còn các triệu chứng đái ra máu, đái ra mủ, đái buốt, đái khó, toàn thân có thể có sốt.

Bác sĩ Liên nhấn mạnh, sỏi niệu quản nhỏ được coi là kẻ giết người thầm lặng vì ít gây ra triệu chứng rầm rộ. Bệnh có thể làm suy giảm chức năng thận - ứ nước thận bên có sỏi một cách từ từ, qua đó gây viêm thận kẽ mạn tính, ứ mủ thận,... Bệnh để lại những hậu quả đáng sợ như thận mất chức năng, tăng huyết áp không hồi phục do thận.