Trước tình hình thời tiết mưa kéo dài, nhiều tuyến đường phố xuất hiện tình trạng ngập úng cục bộ, buộc nhiều người phải lội qua dòng nước, cũng từ đó mà dấy lên nhiều mối lo ngại về các vấn đề sức khỏe. Theo phản ánh của nhiều người dân, sau khi trở về nhà sau khi lội qua những dòng nước ngập, họ có thể có hiện tượng ngứa da, nổi mẩn mà không rõ nguyên nhân.
Giải đáp cho thắc mắc này, ThS. BS Nguyễn Thị Linh Lan, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cho biết: Nước ngập úng thường chứa nhiều mầm bệnh cũng như các loại nước thải và hoá chất. Do vậy, khi phải lội qua những vùng nước này đặc biệt là trong thời gian dài hoặc việc tiếp xúc liên tục như trong những ngày mưa bão này, sẽ dẫn tới làn da dễ bị tổn thương, viêm nhiễm từ đó dẫn tới các bệnh về da và biểu hiện là da bị ngứa, nổi mẩn.
Ngoài tình trạng nêu trên, việc lội qua dòng nước ngập cũng có thể dẫn tới rất nhiều nguy cơ về bệnh lý da.
Trong đó, nhiễm trùng da và nhiễm nấm là những bệnh da thường gặp nhất kể cả trong thời gian mưa lũ hay ngay sau đợt mưa lũ. Tiếp xúc lâu với nguồn nước ngập úng chứa nhiều mầm bệnh và hoá chất sẽ làm cho da nhạy cảm, dễ bị tổn thương, hàng rào bảo vệ của da kém dần trong khi đó nhiều mầm bệnh như vi khuẩn, vi nấm lại dễ dàng chui vào da. Viêm nang lông, nhọt, nấm kẽ bàn chân, nấm móng chân… rất thường gặp. Hoặc với điều kiện vệ sinh kém và thiếu nước sạch trong mùa mưa bão cũng rất dễ nhiễm các kí sinh trùng như ghẻ.
Nhóm bệnh da tiếp theo cần kể đến là các bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng do làn do bị tiếp xúc với nguồn nước có thể chứa nhiều tác nhân gây dị ứng, kích ứng (xăng dầu, thuốc trừ sâu, nước thải, chất tẩy rửa, hoá chất khác… trôi cùng dòng nước mưa, nước ngập úng).
Ngoài ra, do nước ngập nên khi lội nước người dân sẽ có thể gặp các nguy cơ về chấn thương do tiếp xúc với các vật sắc nhọn (sỏi, đá, mảnh thuỷ tinh, gạch vỡ…) hoặc các nguy cơ về đường điện, vật rơi. Chấn thương da và mô mềm nếu không được chăm sóc kịp thời sẽ dễ dẫn tới các nguy cơ nhiễm khuẩn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
Để phòng các bệnh ngoài da này, bác sĩ nhắc nhở người dân:
Thứ nhất, cần sử dụng các phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su phải tiếp xúc với nguồn nước bẩn hay phải đi lội qua vùng nước ngập úng.
Thứ hai, sau khi tiếp xúc, nhanh chóng vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt thấm khô lại các vùng da tiếp xúc và nếu có điều kiện phơi khô giày dép, ủng. Ngoài ra, người dân cần chú ý không đi giày, tất ẩm. Ngay khi có thể, dọn dẹp và vệ sinh môi trường sống.
Thứ ba, trong trường hợp nếu bệnh da nhẹ, việc vệ sinh có thể giúp tổn thương tự khỏi sau vài ngày. Khi tổn thương da không cải thiện – có biểu hiện nặng lên đặc biệt gây đau, ngứa nhiều thì người dân cần đi khám để được điều trị phù hợp tránh việc tự sử dụng các mẹo truyền tai vì có thể gây nặng thêm bệnh.
Thứ tư, tuỳ vào điều kiện của mỗi người dân, nên cố gắng duy trì được chế độ dinh dưỡng đầy đủ và vệ sinh cơ thể cũng như môi trường sống. Nếu có điều kiện, tăng cường rau xanh, hoa quả. và tập luyện thể dục để nâng cao sức khoẻ. Thường xuyên theo dõi các bản tin để cập nhật tình hình mưa bão cũng như các khuyến nghị của cơ quan chức năng.