Sốt là triệu chứng phổ biến đến mức hầu như ai cũng trải qua rất nhiều lần trong cuộc sống. Nguyên nhân gây sốt có thể xuất phát từ nhiều vấn đề khác nhau và cần có hướng điều trị chính xác thì mới giảm được triệu chứng. Tuy nhiên, trước mắt để hạ nhiệt độ và giúp cơ thể thoải mái hơn thì hầu như người Việt Nam lẫn nước ngoài ai cũng sử dụng phương pháp quen thuộc là chườm.

 - Ảnh 1.

Thế nhưng, có khi nào bạn đặt ra câu hỏi rằng chườm nóng hay chườm lạnh, đâu mới là phương pháp đúng? Câu trả lời của người Việt Nam chúng ta hầu như phần lớn là chườm nóng, chườm ấm đúng không?

Chỉ cần lấy một thau nước ấm và nhúng khăn vào cho ướt đẫm rồi đặt lên trán người bị sốt là được. Tuy nhiên, theo nhận định của bác sĩ Phí Văn Công (hiện đang làm việc tại Khoa Hồi Sức Cấp Cứu Nhi - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - Hà Nội) thì thói quen chườm nóng của người Việt Nam là hoàn toàn sai.

 - Ảnh 2.

Nguồn: Facebook Bác sĩ Công - Nhi Xanh Pôn.

Bác sĩ Công đã viết một bài chia sẻ rất dài trên trang Facebook cá nhân của mình về vấn đề chườm giảm sốt này với tiêu đề cực hút người xem: "CHƯỜM KHI SỐT – DÂN MÌNH TOÀN LÀM SAI !!!".

Nguyên văn lời chia sẻ từ bác sĩ Công:

CHƯỜM KHI SỐT – DÂN MÌNH TOÀN LÀM SAI !!!

Mình đi khám bệnh, tụi nhỏ toàn bệnh cấp tính, đa phần là ho hắng, chảy mũi trong, lâu lâu thành chảy mũi đặc, có đứa thì nổi cái nọ, cái kia, nhiều đứa thì sốt. Vớ được đứa nào sốt hơi hơi thì mình thích lắm, vì tụi nhỏ, điều trị mà cứ hết được sốt thì yên tâm là mình đang đi đúng hướng mặc dù nó vẫn ho khù khụ và mũi chảy ròng ròng.

Hôm rồi đi khám, đứa trẻ bé tin hin nằm giữa giường, có chậu nước to gấp đôi người cháu bên cạnh, và đâu mấy chục miếng khăn, hai bà đang hì hục lau người cho cháu. Đứa trẻ thấy mình cười khành khạch, mình hỏi đùa, bà đang tắm cho cháu à. Hai bà nhìn nhau, rồi nhìn mình, ối bác sĩ ơi, ơn giời bác sĩ đến rồi. Cháu nó sốt cao quá, từ sáng đến giờ tôi chườm mà không đỡ gì. Chưa bao giờ nó sốt cao thế này. Mình hỏi bao nhiêu độ vậy bà, bà nói tôi không đo, sờ người nó nóng ran lên, tôi sợ quá. Mình thò tay vào chậu nước, nóng bỏng tay, mình cười hì hì, 2 bà nhiệt tình quá, chườm thế này cháu nó sốt lên đấy bà ạ. 2 bà nhìn nhau ngơ ngác.

Các cậu ạ, cơ thể con người có 4 cơ chế thải nhiệt chính. Trong đó có cơ chế gọi là Truyền nhiệt trực tiếp. Việc chườm là dựa nhiều vào kiểu thải nhiệt này. Các cậu cứ hì hục chườm mà chườm chả đúng nên chả có tác dụng lại mệt người.

Mình chườm là mình lấy khăn có nước, đắp lên vị trí có mạch máu lớn đi qua, để dòng máu đó mang nhiệt độ cao của cơ thể, truyền sang nước có nhiệt độ thấp hơn. Vị trí mạch máu lớn là 2 cái nách, 2 bên cổ, 2 cái bẹn. CHƯỜM LÀ CHƯỜM Ở ĐẤY, CHỨ ĐÂU PHẢI ĐẮP KHĂN LÊN TRÁN ĐÂUUUU.

Thế nước nóng, nước ấm, hay nước lạnh ? Câu hỏi này chả ai bảo các cậu, mọi người cứ hô chườm đi, chườm đi, mà chả ai bảo chườm nước thế nào. Thậm chí nhân viên y tế cũng hô "Chườm NÓNG cho con đi". Chả nhẽ chườm nước sôi.

Tớ sờ bao nhiêu cái chậu nước chườm rồi, đều nóng quá. Chườm dựa vào chuyện nhiệt độ cơ thể cao hơn thì truyền nhiệt sang cái khăn chườm có nhiệt độ thấp hơn rồi dần dần cái khăn đó nóng lên, mình lại thay khăn khác. Cái này là cơ chế thải nhiệt trực tiếp. Thế thì nước chườm phải mát mát tí các cậu ạ. Nhưng nước chườm mà lạnh quá thì mạch nó lại co tít lại, tác dụng thải nhiệt lại kém đi. Hoặc lau người thì nước cũng mát mát tí để nhiệt độ cơ thể có chỗ thải sang rồi bay đi.LOANH QUANH THÌ NƯỚC CHƯỜM HAY NƯỚC LAU NGƯỜI CẦN THẤP HƠN NHIỆT ĐỘ CƠ THỂ CHÁU 1 – 2oC. Và cũng chỉ nên chườm cho con khi nhiệt độ cơ thể con >39oC, vì trên 38.5oC mới cần phải hạ sốt cơ mà. Việc chườm lại khá lách cách, nào chậu nước, nào khăn lau... Đây mình toàn chườm nước rõ nóng. Xong ối giời ơi, cháu chườm mãi chả hạ.

Theo bác sĩ chia sẻ thì trong quá trình làm việc, bác sĩ đã chứng kiến không ít trường hợp bé bị sốt nhưng người nhà cứ hì hục lau người bé hoặc chườm lên trán bé bằng khăn nhúng nước ấm, thậm chí có khi còn nóng muốn bỏng cả tay. Lúc này, bác sĩ Công liền lên tiếng ngăn chặn ngay "Chườm thế này cháu nó sốt lên đấy" khiến người nhà bệnh nhân không khỏi ngạc nhiên.

Từ lời giải thích của bác sĩ Công thì cơ thể con người có 4 cơ chế thải nhiệt chính. Trong đó có cơ chế gọi là Truyền Nhiệt trực tiếp. Việc chườm là dựa nhiều vào kiểu thải nhiệt này. Tuy nhiên, nếu bạn chườm mà chườm không đúng thì chẳng có tác dụng gì ngoại trừ làm mệt người thêm.

Bác sĩ Công cũng khẳng định thêm, chườm giảm sốt đúng cách là chườm lạnh, chườm mát chứ không phải chườm nóng. Bởi cơ chế chườm là nhằm giúp cho nhiệt độ cao của cơ thể truyền sang khăn lạnh, đến khi khăn lạnh ấm nóng lên thì nhúng lại khăn khác. Đây được gọi là cơ chế thải nhiệt trực tiếp.

 - Ảnh 4.

Do đó, phần nước chườm phải mát mát thì mới là chườm đúng cách. Tuy nhiên, bạn cũng không nên dùng nước chườm lạnh quá khiến các mạch máu co lại sẽ làm tác dụng thải nhiệt bị kém đi. Hoặc nếu có lau người thì bạn cũng nên dùng nước mát lau để nhiệt độ cơ thể được thải đi nhanh chóng. Tốt nhất là phần nước chườm có nhiệt độ thấp hơn 1-2 độ C so với cơ thể người bị sốt là hiệu quả nhất.

Ngoài ra, bác sĩ Công còn chia sẻ thêm về vị trí chườm. Bởi thói quen chườm trên trán theo bác sĩ là không hiệu quả như mọi người vẫn nghĩ. Vị trí chườm đúng phải là nơi có mạch máu lớn đi qua, để dòng máu đó mang nhiệt độ cao của cơ thể, truyền sang nước có nhiệt độ thấp hơn một cách dễ dàng. Vị trí mạch máu lớn chính là ở 2 nách, 2 bên cổ, 2 bẹn.

 - Ảnh 5.

Thật ra, nếu tham khảo nhiều trang web nước ngoài về các mẹo giảm sốt tại nhà thì phương pháp chườm giảm sốt không mấy xa lạ. Tuy nhiên, đúng theo chia sẻ của bác sĩ Công thì hầu hết các trang y tế nước ngoài như Baby Center, Kdidkng, NCBI, Medical News Today... đều khuyên chúng ta nên chườm mát chứ không phải chườm nóng. Điển hình như trang Kdidkng.com có chia sẻ: "Đặt một chiếc khăn mát lên trán, cổ tay, chân. Khi khăn lạnh đạt đến nhiệt độ cơ thể, cần thay đổi lại nhiều lần cho đến khi nhiệt độ giảm xuống".

Như vậy, theo lời khuyên của bác sĩ Công thì đúng là nhiều người Việt Nam chúng ta đang hạ sốt sai cách trầm trọng, không những không giúp cơn sốt giảm đi mà còn khiến nó tăng lên.

Từ trước đến giờ bạn hạ sốt cho bản thân và cho người trong gia đình theo cách nào? Nếu lỡ làm sai thì nhớ chữa lại ngay nhé!

 - Ảnh 6.

Source (Nguồn): Facebook Bác sĩ Công - Nhi Xanh Pôn, Baby Center, Kdidkng, NCBI