Triệu chứng lâm sàng bệnh dạ dày ở trẻ em thường không giống người lớn
Thông tin từ các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, mới đây tại khoa Ngoại Nhi bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Vũ Minh Đ, 15 tuổi, trú tại thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.
Bệnh nhân vào viện vì đau bụng dữ dội vùng trên rốn, mệt mỏi nhiều, tiền sử khoảng 1 tháng nay đau tức âm ỉ vùng thượng vị, có lần nôn ra ít máu. Sau khi chụp XQ vùng bụng, bệnh được chẩn đoán: Thủng tạng rỗng - thủng ổ loét hành tá tràng. Sau khi được bù nước điện giải, kháng sinh, giảm tiết, giảm đau, làm các xét nghiệm cấp cứu cho thấy trẻ thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ.
Hình ảnh lỗ thủng và giả mạc.
Các bác sĩ khoa Ngoại Nhi đã tiến hành phẫu thuật nội soi kết hợp truyền máu hồi sức cho cháu bé. Ghi nhận tổn thương trong mổ: Có 01 lỗ thủng tại mặt trước của hành tá tràng kích thước khoảng 0.7x0.7 cm, bờ lỗ thủng mềm, dễ rách, kèm theo nhiều giả mạc, dịch đục trong ổ bụng. Bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng hành tá tràng, lau rửa sạch ổ bụng. Sau 7 ngày điều trị tại khoa Ngoại nhi, toàn trạng trẻ ổn định, ăn uống bình thường và được xuất viện.
Trẻ em khi bị viêm loét dạ dày chủ yếu do thói quen ăn uống
Theo các bác sĩ khoa Ngoại Nhi trẻ em khi bị viêm loét dạ dày, các triệu chứng lâm sàng thường không giống người lớn, thời gian tiến triển bệnh cũng khác nên dễ bị chẩn đoán nhầm. Trẻ có thể đau bụng trước hoặc sau bữa ăn, đau về đêm, đôi khi là đau bất thường không có thời điểm cố định. Bệnh nếu không được điều trị, hoặc điều trị sai sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như dễ gây loét sâu, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí gây thủng dạ dày; đặc biệt là biến chứng gây hẹp môn vị… Về lâu dài, bệnh tiến triển mạn tính, ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ.
Thủng dạ dày ở trẻ em là tương đối ít gặp ở lứa tuổi này, hiện nay tình trạng viêm dạ dày ở trẻ em ngày càng tăng, nguyên nhân chính là do thói quen ăn uống, vừa xem tivi hay điện thoại vừa ăn, thức khuya chơi game, stress học tập… Các bậc phụ huynh nên chú ý điều chỉnh lối sống lành mạnh cho sự phát triển của trẻ tránh những trường hợp nặng nề xảy ra, các bác sĩ khoa Ngoại Nhi khuyến cáo.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng một thói quen đáng lưu ý nữa cần được các bậc cha mẹ để tâm là thói quen uống nước có gas và ăn cơm chan canh của trẻ.
Thói quen vừa ăn vừa uống nước hoặc chan canh vào bát cơm để ăn lâu dần sẽ khiến dạ dày của bạn phải làm việc quá mức và gây bệnh dạ dày.
Khi nhai thức ăn, enzyme trong nước bọt tiết ra hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, rất có lợi cho sức khỏe. Khi chan cơm cùng canh, dịch tiêu hóa bị nước pha loãng khiến quá trình hấp thu dinh dưỡng giảm, tạo cảm giác nhanh no nhưng thực chất lượng dinh dưỡng rất ít.
Chúng ta thường có thói quen trong bữa ăn uống nước lọc hoặc nước hoa quả. Nghiên cứu cho thấy, khi có quá nhiều chất lỏng và thức ăn trong dạ dày, quá trình tiêu hóa sẽ chậm lại. Chính vì thế cho dù uống bất kì loại nước nào khi ăn đều làm cho quy trình tiêu hóa bị ảnh hưởng, vì nó làm tăng kích thích của dạ dày.
Khi ăn cơm, nên nhai từ từ, nhai kỹ, đặc biệt ở trẻ nhỏ, nên tập thói quen ăn uống khoa học. Ngoài ra, các bác sĩ cũng cho rằng không nên sử dụng đồ uống có ga trong bữa cơm, do lượng carbon dioxide dễ làm tăng áp lực, dẫn tới giãn dạ dày cấp.