Đột quỵ (stroke) còn gọi là tai biến mạch máu não thường xảy ra do tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn đột ngột.

Hậu quả là các tế bào não được nuôi dưỡng bởi mạch máu tắc nghẽn bị chết dần, dẫn đến mất chức năng thần kinh, biểu hiện bằng dấu hiệu như nói ngọng, méo miệng, liệt tay chân cùng bên…. Nặng hơn, gây thoát vị não, chèn ép vùng thân não, gây rối loạn hô hấp, tim mạch và có thể gây tử vong.

Những thực phẩm tăng nguy cơ đột quỵ

Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, trong đó chế độ ăn uống là một trong những nguyên nhân không thể không nhắc tới. Bác sĩ Jonathan Zeilinger (Anh) đã nêu ra một số loại thực phẩm cần tránh để giảm nguy cơ bị đột quỵ. Ông đặc biệt khuyến nghị không nên ăn 4 loại thực phẩm sau để động mạch không bị tắc nghẽn, gồm:

- Các loại thịt siêu chế biến

- Bơ

- Bánh quy

- Đồ chiên rán nhiều dầu mỡ

Bác sĩ cảnh báo những loại thực phẩm tăng nguy cơ đột quỵ, hóa ra lại là món nhiều người thích ăn - Ảnh 1.

Bác sĩ Jonathan cho biết: "Phần lớn những cơn đột quỵ có liên quan đến việc tích tụ mỡ và dần hình thành các mảng xơ vữa trong động mạch, từ đó khiến quá trình cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn. Chính những thực phẩm có lượng dầu mỡ cao sẽ góp phần làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và dễ dẫn đến đột quỵ."

Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa trong các loại thực phẩm như thịt siêu chế biến (xúc xích, dăm bông, thịt hộp...), bơ, bánh quy, đồ chiến rán nhiều dầu mỡ chính là thủ phạm chính.

Ngoài ra, cũng có những loại thực phẩm khác cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bác sĩ Jonathan thông tin thêm: "Huyết áp cao cũng có thể thúc đẩy quá trình hình thành các mảng xơ vữa động mạch. Chính vì vậy, việc hấp thụ quá nhiều muối và những thực phẩm lượng calo cao dẫn đến huyết áp tăng đột ngột cũng sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ."

Không chỉ vậy, những thực phẩm có lượng đường cao như các loại đồ uống có gas, bánh ngọt... cũng là yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một phần là do những thực phẩm này có khả năng dẫn đến tăng cân và tiểu đường type 2, từ đó gây tổn thương và viêm động mạch.

Bác sĩ cảnh báo những loại thực phẩm tăng nguy cơ đột quỵ, hóa ra lại là món nhiều người thích ăn - Ảnh 2.

Những thực phẩm giúp giảm nguy cơ đột quỵ

Rau củ và trái cây

Bổ sung một phần trái cây và rau xanh vào chế độ ăn hàng ngày có thể giảm tới 10% nguy cơ đột quỵ. Nên đặt mục tiêu ăn ít nhất năm phần trái cây và rau củ mỗi ngày (một phần tương đương với khoảng 80g).

Bởi trong trái cây và rau quả chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất chống oxy hóa như vitamin A, C và E và beta-caroten, có thể giúp ngăn ngừa tổn thương động mạch mà không cần uống thuốc bổ sung các loại thực phẩm chức năng.

Bác sĩ Jonathan nói thêm: "Các loại rau củ, trái cây được cho là có tác dụng hạ huyết áp, chứa các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ động mạch. Chất xơ có nhiều trong rau củ cũng góp phần giảm mỡ máu bằng cách liên kết với cholesterol trong ruột."

Chất béo tốt

Bác sĩ cảnh báo những loại thực phẩm tăng nguy cơ đột quỵ, hóa ra lại là món nhiều người thích ăn - Ảnh 3.

Một số chất béo tốt như chất béo bão không hòa đơn và đa là các loại chất béo không đông đặc ở nhiệt độ thường, có thể tìm thấy trong các loại hạt, dầu olive, đậu... nếu được bổ sung một cách hợp lý có thể làm giảm mức cholesterol, giúp ngăn chặn các động mạch bị tắc nghẽn do cục máu đông và đẩy lùi nguy cơ đột quỵ.

Cùng với đó, bổ sung các loại axit béo thiết yếu như omega 3 và omega 6 cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe. Những axit béo này giúp thành động mạch khỏe mạnh, điều hòa quá trình đông máu và hạ huyết áp. Omega 3, omega 6 thường được tìm thấy các loại dầu cá hoặc các loại hạt (óc chó, hạt lanh, đậu nành).

Dấu hiệu đột quỵ

Các dấu hiệu của đột quỵ có thể được ghi nhớ bằng từ viết tắt FAST.

- Khuôn mặt (Face): Gương mặt người bệnh có thể bị lệch sang một bên, không thể cười được. Miệng hoặc mắt có thể bị cụp xuống.

- Cánh tay (Arms): Người nghi ngờ bị đột quỵ có thể không nhấc được một hoặc cả hai cánh tay và giữ chúng trong một khoảng thời gian nhất định.

- Lời nói (Speech): Người mắc chứng đột quỵ có thể bị líu lưỡi hoặc hoàn toàn không thể nói được dù có vẻ tỉnh táo. Người bệnh cũng có thể gặp khó khăn trong việc hiểu những gì người khác nói.

- Thời gian (Time): Nếu người bệnh có những dấu hiệu trên cần lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất để giảm thiểu tổn hại sức khỏe do đột quỵ mang đến.

Nguồn: Express