Tuy nhiên người dân vẫn còn thờ ơ với việc làm rất đơn giản này. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm gia tăng SXH.

Trong chương trình truyền hình trực tuyến “Tiếp tục Tuyên chiến với Sốt xuất huyết” do báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức ngày 21/8/2017, ThS.BS Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh SXH truyền qua muỗi và hiện nay SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh ở Việt Nam, cho nên biện pháp phòng SXH vẫn là diệt muỗi và loăng quăng, bọ gậy.

Diệt phần “gốc” là loăng quăng, bọ gậy

Theo ThS. Khoa, muỗi truyền SXH có đặc điểm ở trong các hộ gia đình, muỗi đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà. Do đó, nếu chúng ta không thực hiện việc diệt loăng quăng, bọ gậy trong dụng cụ chứa nước thì ngay hôm sau đàn muỗi mới có thể đã nở ra.

“Vừa rồi chúng tôi thống kê được có hơn 30 dụng cụ chứa nước trong hộ gia đình có loăng quăng, bọ gậy. Để diệt chúng, với những bể nước, chúng ta có thể thả cá, các bể nước ở công trình xây dựng có thể dùng hóa chất diệt. Thường xuyên thau rửa các chậu chứa nước. Muỗi truyền bệnh SXH thường đẻ ở mép nước nên có thể dùng bàn chải cọ kỹ mép dụng cụ.

Ngoài ra còn có khay nước tủ lạnh, lọ hoa, khay kê chạn... có thể bỏ muối hoặc dầu vào không để muỗi đẻ vào. Hoặc thu dọn các vật dụng có khả năng chứa nước như máng chăn nuôi, lốp xe, tàu lá..., để muỗi đẻ vào, cần thu gom, tiêu hủy hoặc chôn lấp những vật dụng như vậy. Đây là các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng ở trong và quanh nhà”- ThS. Khoa hướng dẫn.

Bác sĩ chỉ cách diệt muỗi, bọ gậy nhà nào cũng phải làm để tránh sốt xuất huyết - Ảnh 1.

ThS.BS Nguyễn Đức Khoa.

Riêng tại Hà Nội – nơi đang là “điểm nóng” SXH của cả nước, có nhiều các công trình xây dựng, bãi đất trống khu xen kẹt, nhà trọ... không có người quản lý, xử lý môi trường. Theo thống kê 30-40% người mắc SXH ở Hà Nội là người ngoại tỉnh, và sinh viên, họ sống ở những nhà trọ hoặc các khu không ai quản lý. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, cần tiến hành đồng bộ, huy động mọi người tổ chức diệt lăng quăng bọ gậy, làm sạch vệ sinh môi trường thì mới phòng bệnh được.

Vừa rồi, Hà Nội đã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy, nhằm giảm nhanh mật độ muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Tuy nhiên, ThS. Khoa cho biết, vẫn có một tỉ lệ lớn hộ gia đình không cho cán bộ y tế vào phun hóa chất hoặc chỉ cho phun tầng 1 mà không cho phun tầng trên hoặc không cho các đội xung kích, liên ngành vào diệt bọ gậy. ThS. Khoa cho rằng, nếu diệt muỗi nhưng không diệt tổng thể mà chỉ diệt ở một số hộ gia đình thì muỗi sẽ phát triển bay từ nhà này sang nhà khác nên hiệu quả diệt muỗi kém. Vì vậy để diệt muỗi hiệu quả cần làm đồng bộ cả khu vực đồng thời với diệt muỗi và loăng quăng, bọ gậy và cần huy động cả cộng đồng tham gia.

Cần phun hóa chất kèm diệt bọ gậy

Trước thắc mắc của nhiều người dân về hiệu quả của việc phun hóa chất diệt muỗi, ThS. Khoa cho rằng, hiệu quả của phun hóa chất phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất, có đồng bộ để diệt hết đàn muỗi không. Yếu tố thứ hai là các hộ gia đình có để cán bộ y tế phun hết các phòng khôn. Yếu tố thứ ba là có diệt đồng thời bọ gậy không.

Bác sĩ chỉ cách diệt muỗi, bọ gậy nhà nào cũng phải làm để tránh sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Nhân viên y tế bắt bọ gậy tại tổ 21 phường Thụy Khuê sáng 20/8.

“Mọi người cứ nghĩ hóa chất đó không có tác dụng nhưng thực ra đó là đàn muỗi khác từ nơi khác hoặc từ trong gia đình sinh ra. Nếu dùng nhiều hóa chất sẽ sinh ra đáp ứng tự nhiên, ở Hà Nội cũng có một vài chỗ, chúng ta có khảo nghiệm và thấy muỗi có thể tăng sức chịu đựng lên một chút nhưng chưa đến mức độ khá, chúng ta vẫn có thể dùng được hóa chất. Hóa chất hiện nay chúng ta đang dùng hai nhóm và ở Hà Nội thì chúng ta đang dùng và có hiệu quả trong diệt muỗi, đây là hóa chất được Bộ Y tế cấp phép”- ông Khoa nói rõ.

ThS. Khoa cũng nói thêm, theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì có 2 chỉ định để phun diệt muỗi, đó là khi có ổ dịch tức là khi có 2 bệnh nhân có chẩn đoán lâm sàng hoặc 1 bệnh có khẳng định bằng xét nghiệm trong khu dân cư trong 14 ngày thì đó gọi là ổ dịch, lúc đó có chỉ định phun thuốc diệt muỗi, bán kính phun 200m. Chỉ định thứ hai đó là chỉ định vector truyền bệnh khi ở khu vực có tỉ lệ mật độ muỗi cao 0,5 con trên nhà, hoặc chỉ số dụng cụ có nhiều bọ gậy thì chúng ta sẽ chỉ định phun hóa chất diện rộng, phun từ 2-3 lần lần thứ nhất phun sau đó cách 7 -10 ngày phun lần 2, sau đó kiểm tra lại vector để phun lần 3. Sau khi phun thì ngày hôm sau có thể nảy sinh ra đàn muỗi mới. Chính vì vậy, cần phun hóa chất kèm diệt bọ gậy, hộ gia đình có thể sử dụng hóa chất mà Bộ Y tế cấp phép, hoặc của nhà sản xuất, phun đồng bộ các nhà.

Để đảm bảo hiệu quả việc phun hóa chất diệt muỗi, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đóng kín các cửa sổ, cửa ra vào, lỗ thông hơi. Trước khi phun cần thu dọn dụng cụ thực phẩm để không nhiễm hóa chất, gia cầm, gia súc cần cho ra ngoài và quay lại trong vòng 60 phút. Đối với một số người có thể mẩn ngứa ngoài da thì cần có các biện pháp như nếu vào mắt thì phải rửa bằng nước sạch, súc miệng, rửa ngoài da để trôi hóa chất. Đối với người quá nhạy cảm không đỡ thì phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị.

Tình hình SXH của Việt Nam đang diễn biến khá phức tạp, cho đến nay cả nước đã ghi nhận trên 90.000 ca mắc, 27 trường hợp tử vong, rải rác ở 61 tỉnh thành phố, tập trung nhiều ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương...

Năm 2017, Bộ Y tế nhận định tình hình SXH sẽ có những diễn biến phức tạp cùng chung với tình hình của khu vực nên đầu năm 2017 Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch trong đó chú trọng đến phòng chống SXH và yêu cầu UBND các tỉnh thành phố cũng phê duyệt kế hoạch của từng thành phố để huy động nguồn lực phòng chống SXH.

Đồng thời Bộ Y tế cũng thành lập các đoàn đi kiểm tra hỗ trợ các địa phương đến các địa phương có diễn biến nóng làm việc với UBND tỉnh để tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cũng như đề nghị UBND tỉnh triển khai công tác phòng chống dịch của từng tỉnh và sẵn sàng vật tư hóa chất, máy phun để cấp cho các tỉnh khó khăn để chủ động phòng dịch và khi dịch có nguy cơ bùng phát đã tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện, trong đó Thủ tướng giao trách nhiệm phòng chống SXH ở các địa phương cho chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và đề nghị UBND các tỉnh giao nhiệm vụ cho người đứng đầu của các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng chống dịch đó.

Bộ Y tế cũng liên tục theo dõi sát tình hình các địa phương, đặc biệt tại Hà Nội tình hình dịch đến sớm hơn. Có một số lý do dịch đến sớm, ở Hà Nội nền nhiệt độ hằng năm những tháng đầu năm xuống rất thấp khi đó muỗi không phát triển được nhưng năm nay nhiệt độ trung bình của Hà Nội thấp nhất là tháng 1 nhưng lại cao hơn 5 độ C so với những năm trước cho nên đàn muỗi mang mầm bệnh được duy trì liên tục từ năm trước sang năm sau. Ở TP.HCM thì mùa mưa cũng đến sớm và lượng mưa cũng nhiều hơn nên dịch cũng liên tục như vậy nên Bộ Y tế đã lên tục làm việc với 2 TP. Hà Nội, TP.HCM và cả lãnh đạo UBND các thành phố và cùng với lãnh đạo Chính phủ, Uỷ ban đi kiểm tra các điểm nóng của hai thành phố, huy động các nguồn lực như máy phun lớn hỗ trợ Hà Nội để tiến hành dập dịch trên diện rộng huy động lực lượng quân đội, học sinh, sinh viên tham gia...