Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ hay bị ốm vặt, đặc biệt là vào những thời điểm như lúc giao mùa, trời trở lạnh…, trong đó, các nguyên nhân chủ yếu có thể nhắc tới là sức đề kháng và hệ thống miễn dịch của trẻ yếu, hệ thống đường ruột (tiêu hóa) kém, trẻ biếng ăn, môi trường sống thiếu trong lành, lạm dụng và uống nhiều thuốc kháng sinh...

Cho con ăn bừa bãi các sản phẩm đóng gói, đóng hộp, đồ ngọt và đồ chiên rán

Bác sĩ chỉ ra sai lầm bố mẹ hay mắc phải khiến con hay bị ốm - Ảnh 1.

Rất nhiều thói quen sai lầm của bố mẹ là nguyên nhân khiến cho trẻ hay bị ốm. (Ảnh minh họa)

Ths Bác sĩ Ngô Dũng Tuấn, Giảng viên bộ môn sinh lý học, ĐH Y Hà Nội, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ốm vặt, ốm lay ốm lắt của trẻ chính là do hiện nay các bố mẹ hàng ngày cho con ăn một cách bừa bãi quá nhiều các sản phẩm tinh chế, chế biến công nghiệp như bánh kẹo, các đồ ăn liền, ăn nhanh, nước ngọt có ga, bim bim, bánh ngọt, bánh kẹo... Đây đều là nhóm các thực phẩm có lượng đường và muối rất khó kiểm soát, thường bổ sung một lượng đạm công nghiệp, chất bảo quản, chất điều vị, chất tạo màu… là các nguy cơ gây dị ứng và đặc biệt là nguyên nhân sinh a-xít trong cơ thể, khiến các cơ quan, đặc biệt là thận phải hoạt động quá tải làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm ở trẻ. Bên cạnh đó, những thực phẩm sinh a-xít kể trên cũng là nhóm thực phẩm hàng đầu gây ra các viêm nhiễm thường gặp ở trẻ như viêm phế quản, viêm họng, viêm phổi....

Lý giải thêm về điều này, BS Tuấn giải thích, do nước chiếm tới 80% trọng lượng cơ thể (chất dịch, máu) tạo nên môi trường bên trong gọi là nội môi. Nội môi lý tưởng cần phải hơi có tính kiềm, độ pH khoảng 7.35 – 7.45. Các cơ quan, đặc biệt là thận sẽ tìm cách kiềm hóa cơ thể nếu nội môi mang tính a-xít. Do đó, khi trẻ nạp quá nhiều thực phẩm, đồ ăn sinh a-xít vào người, cộng thêm thói quen sống thiếu lành mạnh, lười vận động, phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ khiến cho sức đề kháng của trẻ bị suy giảm, hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu. Không chỉ thế, đây còn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tim mạch, tiểu đường, béo phì, rối loạn tâm lý... khi trẻ còn ở độ tuổi rất nhỏ.

Bác sĩ chỉ ra sai lầm bố mẹ hay mắc phải khiến con hay bị ốm - Ảnh 2.

Việc sử dụng thuốc bừa bãi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh hiện nay (Ảnh minh họa).

Lạm dụng và sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh

Thói quen tự chẩn đoán, kê đơn thuốc cho con theo "kinh nghiệm" hoặc lời khuyên đọc được từ internet hay của người khác khi con ốm của các bố mẹ là một thói quen vô cùng nguy hiểm. Việc sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh bừa bãi, không đúng liều, đủ liều không chỉ khiến hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu mà còn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh hiện nay.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, khi con có dấu hiệu ốm nhẹ việc bố mẹ cần làm là theo dõi diễn biến các dấu hiệu bệnh của con chặt chẽ, đó là các dấu hiệu như hắt hơi, sổ mũi, sốt, đi ngoài, nôn trớ, các vết mẩn đỏ ngoài da… Nếu con không quá quấy khóc, ăn ngủ bình đi vệ sinh bình thường, không có các dấu hiệu lạ ngoài da… thì có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà; tuy nhiên, khi con xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sốt cao, khó thở, thở rít, bỏ ăn, nôn trớ, mẩn ngứa, tiêu chảy, chướng bụng… thì cần đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và kê đơn thuốc phù hợp, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cho con, cũng như chữa bệnh cho con theo các "mẹo" được truyền miệng.

Không khám sức khỏe định kỳ đầy đủ cho con

Bác sĩ chỉ ra sai lầm bố mẹ hay mắc phải khiến con hay bị ốm - Ảnh 3.

Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ sơ sinh còn giúp phát hiện và đánh giá về phát triển vận động cũng như tinh thần của bé... (Ảnh minh họa)

Khám sức khỏe định kỳ cho con là một việc các bố mẹ nên làm ngay cả khi con khỏe mạnh. Trẻ từ khi sinh ra cho đến dưới 16 tuổi nên được khám tổng quát và kiểm tra sức khỏe mỗi năm một lần để phát hiện sớm các nguy cơ mắc bệnh cũng như đánh giá đánh giá sức khỏe hàng năm.

Đối với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, bố mẹ cần chú ý đảm bảo lịch tiêm phòng đầy đủ cho con, mỗi lần tiêm phòng trẻ đều được đo chiều dài, cân nặng để đánh giá các chỉ số phát triển thể lực. Việc tiêm phòng đầy đủ là một bước rất ý nghĩa để giúp trẻ phòng tránh được nguy cơ lây nhiễm một số bệnh nguy hiểm thường gặp.

Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ sơ sinh còn giúp phát hiện và đánh giá về phát triển vận động cũng như tinh thần của bé, phát hiện ra các dấu hiệu bất thường để kịp thời can thiệp, trị liệu.

Môi trường sống thiếu lành mạnh và ô nhiễm

Chưa nói đến môi trường xung quanh, môi trường sống ngay trong gia đình của trẻ cũng cần được chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngày. Ngoài việc giữ cho không khí trong nhà luôn thông thoáng, không ám khói thuốc lá và bụi bẩn, bố mẹ cũng cần chú ý duy trì bầu không khí vui vẻ, yêu thương trong gia đình để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ. Trong nhà, đặc biệt là trong phòng ngủ của trẻ không nên có quá nhiều các thiết bị điện tử, sóng điện thoại hay wifi bởi vì đó là các thiết bị gây cản trở đến sự phát triển não bộ của trẻ, cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị khó ngủ, mất ngủ…