Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Tổ trưởng Tổ công tác công tác số của Bộ Y tế cùng nhiều chuyên gia, bác sĩ từ các bệnh viện tuyến Trung ương đã đến Đồng Tháp hỗ trợ tỉnh trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đã có những chia sẻ về tình hình dịch Covid-19 tại Đồng Tháp cũng như đánh giá vai trò của y tế cơ sở trong việc phát hiện sớm các ca Covid-19 có nguy cơ tăng nặng ngay từ tầng 1 của tháp điều trị.

- Phóng viên: Bác sĩ là người theo sát công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Đồng Tháp suốt từ cuối tháng 6 đến nay. Vậy, ông đánh giá thế nào về tình hình dịch Covid-19 tại Đồng Tháp?

+ Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Tỉnh Đồng Tháp là một trong những tỉnh bị dịch Covid-19 tấn công khá nặng từ giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4 này. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 4.000 bệnh nhân mắc Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia, sẻ về tình hình dịch Covid-19 tại Đồng Tháp

Dịch Covid-19 ở Đồng Tháp tương đối phức tạp. Trong đợt đầu tháng 7, tỉ lệ tử vong do Covid-19 ở Đồng Tháp rất cao, có thể nói, cao nhất trong cả nước. Lý do là dịch Covid-19 đã tấn công vào Bệnh viện đa khoa Sa Đéc của Đồng Tháp, cụ thể là các Khoa Thận nhân tạo, Khoa Hồi sức, Khoa Nội tổng hợp.

Đây là 3 khoa có nhiều bệnh nhân nặng, khi các bệnh nhân này mắc thêm Covid-19 thì rất khó chống chọi lại bệnh tật. Do đó, tỉ lệ tử vong ở giai đoạn này tại Đồng Tháp rất cao.

Sau đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo thiết lập đơn vị Hồi sức tích cực 50 giường tại Bệnh viện Sa Đéc..., đưa đội ngũ y bác sĩ từ nhiều bệnh viện tuyến trung ương vào, tăng cường hỗ trợ trang thiết bị hồi sức tích cực như máy thở, máy lọc máu.... Nhờ đó, chúng tôi đã giữ tỉ lệ tử vong do Covid-19 xuống thấp hơn so với giai đoạn đầu.

- Tại nhiều tỉnh, dịch Covid-19 đã lan rộng, số ca mắc tăng nhanh và nhiều mỗi ngày. Số bệnh nhân Covid-19 nặng cần chăm sóc y tế cũng tăng cao. Theo bác sĩ, y tế cơ sở cần làm gì để hạn chế các ca nặng và tử vong?

+ Vai trò của tuyến cơ sở, trong việc hạn chế các ca Covid-19 nặng, giảm thiếu số ca tử vong là rất quan trọng, nhất là ở tầng 1 và tầng 2 của tháp điều trị 3 tầng.

Cụ thể ở tầng 1 (thu dung bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ), chúng ta phát hiện sớm được các ca có nguy cơ diễn biến nặng và kịp thời điều trị để ngăn chặn xu hướng diễn biến nặng lên thì tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng sẽ giảm đi và giảm áp lực cho tầng 2.

Cũng tương tự như vậy, ở tầng 2 (thu dung bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng trung bình) khi mà bệnh nhân bắt đầu có các dấu hiệu nặng mà được can thiệp sớm, đúng các Hướng dẫn của Bộ Y tế, được kiểm soát tốt các rối loạn thì tỷ lệ bệnh nhân tăng nặng đến mức phải thở máy (phải lên tầng 3 khu hồi sức tích cực) sẽ thấp đi.

Bác sĩ chuyên điều trị Covid-19 chỉ ra những dấu hiệu cho thấy bệnh trở nặng - Ảnh 2.

Chăm sóc, theo dõi bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Sa Đéc (Đồng Tháp) - Nguồn: Bộ Y tế

Việc này cực kỳ có ý nghĩa vì hệ thống hồi sức của chúng ta, ở tỉnh nào cũng vậy, không phải là quá mạnh. Nếu số lượng bệnh nhân nặng vừa phải thì chúng ta mới đảm bảo được việc chăm sóc và điều trị tốt.

Còn nếu lượng bệnh nhân nặng quá lớn, bệnh nhân phải thở máy hoặc ECMO (tim phổi nhân tạo) nhiều, vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị thì chúng ta không đảm bảo được việc điều trị hiệu quả cao.

- Vậy những dấu hiệu lâm sàng nào ở bệnh nhân Covid-19 được đánh giá là "có nguy cơ diễn biến nặng", thưa bác sĩ?

+ Nếu như chúng ta có thể phát hiện rất sớm được các dấu hiệu có nguy cơ tăng nặng và can thiệp thì hiệu quả điều trị sẽ tốt. Tuy nhiên, các dấu hiệu này nằm ở các rối loạn thể hiện trên các xét nghiệm. Khi phát hiện bất thường từ các kết quả xét nghiệm, chúng ta can thiệp ngay thì sẽ hiệu quả tốt và giảm thiểu được rất nhiều các ca bệnh nặng và tử vong.

Còn nếu như chúng ta không thể phát hiện ở giai đoạn đó (trên các xét nghiệm) để sang giai đoạn có triệu chứng lâm sàng nặng thì can thiệp lại ít hiệu quả hơn.

Các dấu hiệu lâm sàng cho thấy bệnh Covid-19 đang diễn biến nặng hơn như: Bệnh nhân mệt lả đi, giảm khả năng vận động so với trước, bệnh nhân có thể cảm thấy tức ngực, có dải bó thắt trong ngực, khó thở... Nặng hơn nữa là bệnh nhân bị tụt SPO2, khó thở, nhịp thở nhanh...

Đây là các dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đang có diễn biến nặng lên và cần được can thiệp y tế khẩn cấp.

Bác sĩ chuyên điều trị Covid-19 chỉ ra những dấu hiệu cho thấy bệnh trở nặng - Ảnh 3.