Nhiệt độ giảm sâu chính là nguyên nhân khiến mọi người dễ bị mắc bệnh trong giai đoạn thời tiết lạnh giá này. Thêm vào đó, trẻ em dưới 7 tuổi lại là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất khi thay đổi thời tiết do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Chính bởi thế, hàng năm, mỗi khi bước vào mùa đông, các mẹ lại "ngược xuôi" tìm các loại vitamin, thuốc tăng cường sức đề kháng cho con với hy vọng mua cho bé sử dụng để trẻ khỏe mạnh, ít ốm đau.
Trao đổi với bác sĩ Philippe Collin - bác sĩ Nhi khoa được nhiều mẹ Việt tin tưởng - về vấn đề sử dụng vitamin và các loại thuốc tăng cường sức đề kháng cho trẻ nhỏ, bác sĩ cho biết: "Không có loại thuốc nào giúp trẻ bớt ốm đau, kể cả vitamin và các loại thuốc được quảng cáo là tăng cường sức đề kháng.
Khi sử dụng bất cứ vitamin hay thực phẩm hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cần thận trọng. Bố mẹ sẽ chỉ biết được con thiếu hay thừa chất gì trong cơ thể khi làm các xét nghiệm. Chẳng hạn xét nghiệm máu gồm các chỉ số cơ bản xem con có bị thiếu máu hay không, xét nghiệm chỉ số Ferritin sắt dự trữ, sắt tự do, sắt huyết thanh, chỉ số canxi, vitamin D… Dựa vào đó, bác sĩ sẽ chỉ định có nên bổ sung thêm vitamin gì cho trẻ không.
Bố mẹ chỉ nên bổ sung vitamin D3 đều đặn hàng ngày giúp trẻ hấp thu canxi tốt hơn, tăng cường sức đề kháng, tránh còi xương, không nên sử dụng tùy tiện bất cứ loại vitamin tổng hợp hay thuốc tăng sức đề kháng nào khác".
Thay vì bỏ nhiều tiền mua các loại thuốc bổ, bác sĩ Collin khuyến cáo bố mẹ nên chú ý tới 6 loại "thuốc" sau để tăng cường sức khỏe cho trẻ nhỏ khi thời tiết chuyển lạnh:
Thứ nhất: Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin, đặc biệt là vắc xin cúm
Cách tốt nhất và trước tiên để tăng sức đề kháng cho trẻ chính là tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các mũi vắc xin đã đưa vào chương trình tiêm chủng ở nước ta. Đó là những vắc xin quan trọng nhất để bảo vệ trẻ trước sự tấn công của các loại bệnh nguy hiểm.
Giai đoạn giao mùa cũng là đỉnh điểm của dịch cúm, vì thế các bố mẹ cần đặc biệt lưu ý đưa con đi tiêm mũi vắc xin ngừa cúm mới nhất để bảo vệ trẻ trước những chủng cúm hiện hành.
Virus cúm có khả năng thay đổi không ngừng và mỗi năm sẽ có chủng virus gây bệnh khác nhau làm vắc xin năm trước sẽ không còn hiệu quả trong năm sau, vì vậy năm nào cũng phải đưa con đi tiêm vắc xin cúm.
Ngoài ra, sau khi chích ngừa vắc xin cúm khoảng 2 tuần mới có tác dụng bảo vệ nên trẻ vẫn có thể mắc cúm trong thời gian này. Vì thế, bố mẹ không nên đợi đến khi dịch cúm rầm rộ vào mùa mới đưa con đi tiêm mà nên tiêm ngừa vắc xin cúm sớm, khoảng tháng 9 - tháng 10 hàng năm.
"Với trẻ dưới 7 tuổi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, không có loại thuốc nào giúp trẻ không bị ốm cả. Cách tốt nhất để tăng sức đề kháng cho trẻ trước tiên là đứa trẻ phải được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các mũi vắc xin, vắc xin ngừa cúm cập nhật mới nhất. Đây là cách bảo vệ mạnh nhất để xây dựng hàng rào miễn dịch cho trẻ nhỏ", bác sĩ Collin nhấn mạnh.
Thứ hai: Chế độ ăn uống đa dạng
Chế độ dinh dưỡng hợp lý là một yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ cần được duy trì 1 chế độ ăn uống đa dạng đủ các nhóm chất theo tháp dinh dưỡng mà các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra.
Không những chú trọng đến việc cho trẻ ăn gì và ăn bao nhiêu, cha mẹ cũng cần quan tâm đến việc cho trẻ ăn thế nào là đúng cách như ăn đúng giờ, thay đổi thực đơn thường xuyên để tạo hứng thú và cảm giác ngon miệng cho bé. Một bữa ăn đảm bảo chất dinh dưỡng là phải có đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết, không nên chỉ tập trung vào một loại chất nào cả.
Thứ ba: Uống đủ nước
Mỗi ngày cho trẻ uống 1 ly nước cam có giúp trẻ tăng cường sức đề kháng hay không?
Cam là thực phẩm có giá trị miễn dịch cao vì chứa vitamin C - một chất chống oxy hóa mạnh, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường miễn dịch. Nhưng không nhất thiết ngày nào cũng cho trẻ uống nước cam, có thể thay đổi bằng bưởi, chanh, rau xanh và hoa quả. Đây đều là những nguồn cung cấp vitamin và chất xơ dồi dào. Bố mẹ cần hướng trẻ đến 1 chế độ ăn uống đa dạng thay vì chiều theo sở thích của con, như thế sẽ giúp trẻ xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Ăn cam tươi khuyến khích hơn uống, đặc biệt cho trẻ dưới 2 tuổi.
Nước tinh khiết rất quan trọng, cha mẹ lưu ý không được nhầm lẫn giữa các loại năng lượng dạng lỏng với nước tinh khiết hay nói khác đi là không nên cho trẻ uống các loại nước hay sữa khác thay nước lọc hàng ngày.
Đôi khi cha mẹ chỉ chú ý đến chế độ ăn uống mà quên không tạo cho trẻ thói quen uống đủ nước mỗi ngày. Uống đủ nước sẽ làm cho cơ thể bớt mệt mỏi, giúp trẻ khỏe mạnh hơn, phòng tránh bị ốm bệnh.
Thứ 4: Vận động thường xuyên
Một trong những thói quen của cha mẹ Việt là khi thấy thời tiết chuyển lạnh lập tức "nhốt" con ở trong phòng kín, không cho ra ngoài, không đi đến đâu bởi cho rằng ra ngoài "gió máy, trở trời" trẻ sẽ dễ bị ốm. Tuy nhiên, bác sĩ Collin khuyến cáo hoạt động thể chất đều đặn, duy trì thói quen vận động trong ngày chính là một cách tăng sức để kháng để trẻ không bị ốm bệnh:
"Không để trẻ ở trong nhà quá nhiều, nên đưa trẻ ra ngoài, nhưng là không gian mở, nhiều cây xanh, thoáng mát để tăng cường sức đề kháng chứ không phải là nơi công cộng có không gian kín và đông người như siêu thị, trung tâm thương mại - nơi trẻ có nguy cơ lây nhiễm nhiều loại virus hơn, dễ bị ốm bệnh hơn khi đi chơi về".
Bố mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D3, một vitamin mà các nghiên cứu đã chỉ ra chúng tác động trực tiếp lên miễn dịch của cơ thể theo cơ chế đặc biệt, khác hẳn với vitamin B hay C.
Thứ 5: Duy trì không gian sống thông thoáng
Để hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của trẻ, nhất là ô nhiễm môi trường trong nhà, bố mẹ cần thường xuyên mở cửa để thúc đẩy trao đổi không khí; vệ sinh môi trường sống trong nhà sạch sẽ sẽ giúp hạn chế virus tồn tại.
Khi trẻ ở nhà, bố mẹ cần phải mở cửa sổ thông thoáng để không khí lưu thông. Bác sĩ Collin nhấn mạnh rằng hãy mở cửa để đón không khí trong lành và ánh nắng mặt trời, điều đó có tác dụng nâng cao sức đề kháng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Cuối cùng: Sức khỏe tâm lý rất quan trọng
Có một vấn đề theo bác sĩ Collin vô cùng quan trọng nhưng cha mẹ chưa để ý tới đó là sức khỏe tâm thần của trẻ: "Lúc nào cũng phải để bé thoải mái, vui vẻ thì trẻ mới ít ốm bệnh được. Nếu trẻ thường xuyên khóc lóc, bị mắng mỏ, không được vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh, tâm lý trẻ sẽ không thoải mái. Điều đó tác động rất lớn đến sức khỏe thể chất".
Bác sĩ Phillippe Collin tốt nghiệp chuyên ngành Đa khoa và Nhi Khoa vào năm 1974 và chuyên ngành sơ sinh vào năm 1976 tại ĐH Angers (Pháp). Bên cạnh đó, ông còn theo học chuyên ngành Kháng Sinh Học tại ĐH Nantes, chuyên ngành Thống Kê Sinh Học Và Y Học-ĐH Curie, chuyên ngành Quản Lý Y Tế tại ĐH Paris, và cuối cùng là ngành Cấy Ghép Mô tại ĐH Lyon. Hiện ông công tác tại Family Medical Practice Hà Nội.
Trong giới chuyên môn, bác sĩ Collin được biết tới với những công trình nghiên cứu vi khuẩn kháng thuốc trụ sinh trong các ca nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính. Bác sĩ Collin là thành viên của Hiệp Hội Bác sĩ Nhi Khoa Pháp, Hiệp Hội Bác sĩ Chuyên Ngành Nhi Sơ Sinh Hoa Kỳ, và Hiệp Hội Các Học Viện Nghiên Cứu Nhi Khoa Quốc Tế.
Xem thêm các bài viết của bác sĩ Collin tại đây.