Với sự phủ sóng khắp mọi nơi của các thiết bị điện tử, việc kiểm soát thời gian trẻ sử dụng các phương tiện này ngày càng trở nên thách thức. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều bố mẹ vẫn hạn chế cho trẻ ra ngoài chơi vì nắng nóng như hiện nay càng khiến trẻ lạm dụng các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, khi xem xét câu chuyện ở khía cạnh sâu hơn, việc sử dụng các thiết bị điện tử đúng cách có thể giúp ích về mục đích giáo dục và phát triển giao tiếp xã hội cho trẻ.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để quản lý hiệu quả thời gian sử dụng màn hình của trẻ. Cha mẹ có thể tham khảo một số quy tắc về việc sử dụng thiết bị điện tử và truyền thông của con theo gợi ý của bác sĩ nhi khoa Phillippe Collin như sau:
Xem thiết bị điện tử khiến trẻ đối mặt hàng loạt nguy cơ
Thời gian chơi tự do có giá trị với quá trình phát triển não của trẻ nhỏ, hơn nhiều so với các thiết bị điện tử. Đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi có khả năng học hỏi và ghi nhớ các thông tin từ các sự kiện có thật tốt hơn việc học từ các video/hình ảnh.
Tới mốc 2 tuổi, trẻ có thể hưởng lợi từ các loại hình thiết bị điện tử khác nhau, như các chương trình với âm nhạc, vận động và kể chuyện. .
Bằng cách xem cùng nhau, bạn có thể giúp con hiểu được rằng con đang xem gì và áp dụng vào đời thực. Dù vậy, hoạt động bị động này không nên được chọn làm phương án thay thế hoàn toàn cho các hoạt động bổ ích khác như đọc sách, chơi đùa hoặc giải quyết vấn đề qua từng tình huống cụ thể.
Cần nhớ rằng nếu trẻ dành quá nhiều thời gian xem màn hình điện tử hoặc các chương trình kém chất lượng có thể dẫn đến:
- Béo phì.
- Rối loạn lịch trình ngủ, khó ngủ hoặc thiếu ngủ.
- Các vấn đề liên quan đến hành vi: tâm lý, thể chất hoặc sai tư thế.
- Mất kỹ năng xã hội.
- Bạo lực.
- Ít thời gian tham gia các hoạt động thể chất.
Có thể bạn chưa biết:
Dù là người sáng chế ra iPad, nhưng bản thân Steve Jobs lại không cho các con sử dụng thiết bị điện tử này.
Quy tắc thiết lập thời gian sử dụng màn hình điện tử cho trẻ nhỏ
- Nếu cha mẹ giới thiệu các thiết bị điện tử cho trẻ trong khoảng 18 - 24 tháng tuổi, hãy đảm bảo đó là các chương trình chất lượng tốt và hạn chế việc trẻ sử dụng thiết bị một mình.
- Đối với trẻ từ 2 - 5 tuổi, hãy giới hạn thời gian sử dụng trong 1 giờ/ngày cùng với các chương trình mang nội dung hữu ích.
- Khi ở độ tuổi lớn hơn, cách áp dụng quy tắc trên sẽ không còn phù hợp. Bạn cần quyết định thời gian sử dụng các phương tiện của con bao nhiêu giờ trong một ngày là đủ và loại nội dung nào phù hợp, đặt ra quy tắc và yêu cầu con nghiêm túc tuân theo.
Hãy cân nhắc việc áp dụng cùng các quy tắc vào môi trường thực và môi trường ảo của trẻ. Trong cả hai môi trường, hãy chơi cùng bé, cùng tham gia, dạy bé về lòng tốt, biết bạn bè của con và con chơi gì với các bạn. Bên cạnh đó, bố mẹ nên nhớ rằng chất lượng nội dung chương trình mà con xem quan trọng hơn nhiều loại thiết bị điện tử cũng như thời gian trẻ sử dụng.
Để đảm bảo thời gian sử dụng thiết bị điện tử chất lượng, cha mẹ nên thực hiện các quy tắc sau:
- Hãy xem trước các chương trình, trò chơi, ứng dụng trước khi để cho trẻ tiếp cận. Tốt hơn hết, bố mẹ hãy tham gia cùng bé.
- Hãy tìm kiếm những các chương trình có nhiều loại tương tác đa dạng thay vì chỉ có các thao tác vuốt, nhấp và nhìn màn hình.
- Hãy sử dụng chế độ phụ huynh kiểm soát (Parental Control) để lọc các thông tin trên mạng internet.
- Hãy giữ trẻ gần bạn trong quá trình bé sử dụng thiết bị điện tử để cha mẹ có thể gián tiếp kiểm tra các hoạt động của bé.
- Hãy thường xuyên trò chuyện với con bạn về các chương trình bé xem trong ngày. Khi cha mẹ xem chương trình cùng bé, hãy giải thích và dạy bé về các loại quảng cáo và chương trình thương mại.
Ngoài ra, cha mẹ cần tránh các chương trình có thời lượng quá ngắn vì bé sẽ khó có thể hiểu toàn bộ nội dung, hoặc các ứng dụng với quá nhiều các nội dung gây mất tập trung, hoặc truyền thông bạo lực.
Hãy nhớ bỏ các loại quảng cáo trong khi bé sử dụng các ứng dụng, trẻ sẽ rất khó để phân biệt giữa nội dung thực tế và quảng cáo.
Khuyến khích trẻ hiểu biết về kỹ thuật số
Việc trẻ tiếp xúc các loại nội dung trên mạng internet không qua kiểm soát của cha mẹ là điều khó tránh hỏi. Hãy trò chuyện kỹ càng với bé về trường hợp này, cách xử lý cũng như hành vi của bé.
Hãy khuyến khích con bạn cách tư duy độc lập và chín chắn khi gặp những trường hợp như trên. Hỏi trẻ xem con bạn có thể tự nhận thức các thông tin trên mạng hoàn toàn đúng hay không. Làm thế nào để trẻ có thể phân biệt đâu là nguồn tin đáng tin cậy? Cha mẹ hãy nói cho bé hiểu rằng internet được xây dựng từ con người vì vậy sẽ có nhiều góc nhìn khác nhau. Giải thích rằng có nhiều kiểu để công nghệ thu thập dữ liệu và để kiếm tiền.
Đặt mốc giới hạn với trẻ lớn hơn
Hãy đặt mức giới hạn phù hợp cho việc sử dụng màn hình các thiết bị điện tử của trẻ, đặc biệt khi hoạt động này cản trở hoàn thành các công việc khác của bé. Dưới đây là một số lời khuyên:
- Ưu tiên các hoạt động giải trí tự do cho trẻ.
- Tạo không gian/thời gian để tham gia các hoạt động không sử dụng công nghệ, trong lúc ăn uống hoặc 1 buổi tối/tuần.
- Không khuyến khích sử dụng sử dụng các phương tiện giải trí trong quá trình làm bài tập.
- Hãy tạo thời gian biểu cho việc sử dụng các thiết bị điện tử hàng ngày/tuần/tháng cho bé, ví dụ như không sử dụng 1 giờ trước khi đi ngủ.
- Hãy cân nhắc tải các phần mềm giới hạn thời gian sử dụng trong quá trình bé dùng các thiết bị.
- Yêu cầu trẻ sạc các thiết bị ngoài phòng ngủ của trẻ vào ban đêm.
- Tránh đặt các màn hình điện tử trong phòng ngủ.
- Cha mẹ nên tự giới hạn thời gian sử dụng của bản thân mình.
Hướng dẫn trẻ cách ứng xử phù hợp
Các mối quan hệ trực tuyến và mạng xã hội đã trở thành một phần quan trọng trong quá trình trẻ lớn lên. Con bạn hoàn toàn có thể tham gia vào thế giới đó - miễn là trẻ hiểu được các hành vi đúng đắn.
Hãy giải thích đầy đủ với trẻ rằng những gì được phép và những gì là không chấp nhận được, ví dụ như nhắn tin (liên quan đến tình dục), bắt nạt trực tuyến và chia sẻ các thông tin riêng tư trên mạng. Đặc biệt, cha mẹ cần nhấn mạnh rằng trẻ không được gửi/chia sẻ bất kỳ thông tin (hình ảnh, video…) nào trên trực tuyến mà trẻ không muốn cả thế giới có thể thấy suốt đời.
Cho dù bạn cảm thấy con mình đủ thông minh hay trưởng thành đi chăng nữa, hãy luôn theo dõi việc sử dụng internet và mạng xã hội của trẻ. Con trẻ có thể mắc một vài sai lầm trong việc sử dụng truyền thông. Hãy nói chuyện với con và giúp con học từ những sai lầm đó.
Quản lý việc sử dụng các thiết bị điện tử là một quá trình dài và rất nhiều các thử thách đối với các bậc cha mẹ. Nhưng bằng cách phát triển các quy tắc gia đình - điều chỉnh các phương pháp trong quá trình nuôi dạy trẻ - bạn có thể đảm bảo trẻ có một trải nghiệm an toàn và lành mạnh.
Bác sỹ Phillippe Collin tốt nghiệp chuyên ngành Đa khoa và Nhi Khoa vào năm 1974 và chuyên ngành sơ sinh vào năm 1976 tại ĐH Angers (Pháp). Bên cạnh đó, ông còn theo học chuyên ngành Kháng Sinh Học tại ĐH Nantes, chuyên ngành Thống Kê Sinh Học Và Y Học-ĐH Curie, chuyên ngành Quản Lý Y Tế tại ĐH Paris, và cuối cùng là ngành Cấy Ghép Mô tại ĐH Lyon. Hiện ông công tác tại một phòng khám đa khoa Quốc tế ở Hà Nội.
Trong giới chuyên môn, bác sỹ Collin được biết tới với những công trình nghiên cứu vi khuẩn kháng thuốc trụ sinh trong các ca nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính. Bác sỹ Collin là thành viên của Hiệp Hội Bác sỹ Nhi Khoa Pháp, Hiệp Hội Bác Sỹ Chuyên Ngành Nhi Sơ Sinh Hoa Kỳ, và Hiệp Hội Các Học Viện Nghiên Cứu Nhi Khoa Quốc Tế.
Các mẹ có thể xem thêm những bài viết của bác sĩ Collin tại đây.