Theo BSCKI. Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để phòng chống dịch Covid-19 cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc sau:

Nguyên tắc thứ nhất: Để tăng cường sức đề kháng là chế độ ăn phải đảm bảo đủ và cân đối các nhóm thực phẩm 

Việc đảm bảo đủ thành phần các nhóm thức ăn giúp cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng đa lượng là đạm, đường, béo và vi lượng là vitamin và các chất khoáng. Các chất đa lượng là đạm đường béo đóng vai trò cung cấp năng lượng và cấu trúc nên tế bào cơ thể, bao gồm cả các tế bào đóng vai trò miễn dịch. Các chất vi lượng như vitamin và chất khoáng là chất xúc tác và môi trường cho các phản ứng sinh học của các tế bào. Nên muốn cơ thể khỏe mạnh cần một chế độ ăn cân đối và hợp lý.

Bác sĩ dinh dưỡng đưa ra những nguyên tắc đảm bảo dinh dưỡng tăng sức đề kháng trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nguyên tắc thứ hai: Đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, tạo nên cầu vồng rau củ trong mỗi bữa ăn 

Mỗi loại rau có chất chống oxy hóa và kháng sinh tự nhiên riêng và hàm lượng chất khoáng, vitamin khác nhau. Nhóm rau củ màu tím có Anthrocyanin, nhóm rau củ màu vàng đỏ chứa lutein, betacaroten, nhóm rau củ màu xanh có Chlorophyll và Lycopene, Zeaxanthine, nhóm rau củ màu trắng như củ cải, súp lơ trắng có chứa nhiều Anthroxanthine Mỗi ngày, mỗi bữa nên thay đổi màu sắc của rau củ. Các loại thịt và tinh bột cũng nên thay đổi mỗi bữa, mỗi ngày đảm bảo đa dạng thực phẩm .

Nguyên tắc thứ ba: Uống đủ nước

Nước đóng vai trò quan trọng trong mọi phản ứng của cơ thể, chiếm 60 % thành phần cơ thể. Thiếu nước dẫn tới khô niêm mạc và giảm các phản ứng bảo vệ cơ thể. Nên bổ sung nước 40 ml/kg cân nặng mỗi ngày và uống chậm từng ngụm một. 

Bác sĩ dinh dưỡng đưa ra những nguyên tắc đảm bảo dinh dưỡng tăng sức đề kháng trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nước đóng vai trò quan trọng trong mọi phản ứng của cơ thể, chiếm 60 % thành phần cơ thể.

Một số thực phẩm tăng cường miễn dịch

Theo BSCKI. Nguyễn Anh Dũng, chúng ta nên bổ sung những nhóm thực phẩm cần thiết để nâng cao sức đề kháng như:

Nhóm thực phẩm giàu vitamin C

Nhu cầu vitamin C hàng ngày là 150- 200mg. Trong đợt nhiễm khuẩn, nhiễm virus cấp tính có thể bổ sung 1000 mg trong 4-5 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Chế độ ăn cân đối đã đảm bảo đủ nhu cầu vitamin C một ngày và cam chanh không phải là thực phẩm chứa nhiều vitamin C nhất. 

Theo bảng thành phần dinh dưỡng các thực phẩm Việt Nam năm 2007 của Viện dinh dưỡng quốc gia, hàm lượng vitamin C ( mg)/100g trong thực phẩm là như sau: Rau ngót 180mg; Kinh giới, ớt chuông, bưởi 90-110mg; Rau dền đỏ, rau đay, mồng tơi, súp lơ, diếp cá 70-80mg…  Từ bảng trên cho thấy, chế độ ăn chỉ cần 3 lưng bát con rau một ngày, 2 quả cam, ba quả quít, 6 múi bưởi trung bình đã đủ nhu cầu vitamin C cho một ngày.

Bác sĩ dinh dưỡng đưa ra những nguyên tắc đảm bảo dinh dưỡng tăng sức đề kháng trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Nhu cầu vitamin C hàng ngày là 150- 200mg.

Nhóm thực phẩm giàu vitamin A và tiền chất của vitamin A là Betacaroten

Vitamin A và Betacaroten có tác dụng tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên nhu cầu Vitamin A chỉ 700- 900 µg/ngày quy ra Betacaroten trong thực phẩm là 8400µg-10000 µg/ngày.

Theo BSCKI. Nguyễn Anh Dũng, sử dụng quá nhiều Betacaroten có thể dẫn tới vàng da, còn quá nhiều vitamin A có thể gây ngộ độc, cho nên không tùy tiện sử dụng các loại vitamin A đường uống và ăn các thực phẩm nhóm này với số lượng vừa đủ. 1 tuần chỉ nên ăn gan động vật 1 lần, 20g gấc, 250 – 400g rau tương đương với 3 lưng bát con rau, 1 củ cà rốt 200g, 2 quả trứng đã đáp ứng đủ nhu cầu vitamin A và Betacaroten 1 ngày.

Nhóm thực phẩm giàu kẽm

Kẽm có vai trò rất quan trọng với miễn dịch. Nhu cầu hàng ngày 10 mg với người hấp thụ tốt; 15-20 mg với người hấp thụ kém.

Tỏi: Chứa nhiều chất kháng sinh Allicin, giúp chống lại các virus gây bệnh, Chứa hàm lượng lớn các vitamin A, B, C, D. Nên ăn từ 2-5g tỏi tươi/ngày hoặc 1-2 g tỏi khô tương đương 1-2 nhánh tỏi. Nên ăn cùng bữa ăn, không ăn khi đang đói, khi bị tiêu chảy hoặc bị dị ứng với tỏi. Nên sử dụng tỏi sau khi đập dập hoặc băm nhuyễn từ 10-15 phút để tỏi có tác dụng

Gừng: Có nhiều các tinh dầu tự nhiên như gingerol, zingiberene, eicosanoide. Nên dùng từ 0,5 -1 g / 1 lần x 3 lần một ngày, tương đương với 5 lát gừng thái mỏng, hoặc đập dập, pha với nước ấm.

Tuy nhiên, nếu dùng quá 6g/1 ngày có thể gây viêm niêm mạc dạ dày. Gừng có tác dụng hạ đường máu và giảm đông máu, tăng nhịp tim nên tham khảo bác sĩ dinh dưỡng khi đang điều trị bệnh đái tháo đường và tim mạch. Đặc biệt, gừng gây co bóp túi mật nên bệnh nhân sỏi túi mật không nên dùng nhiều vì kích thích gây cơn đau.

Bông cải xanh: Chứa nhiều Suforaphane có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus và có tác dụng tốt bảo vệ niêm mạc đường hô hấp, giàu vitamin C, vitamin A, Beta caroten. Tuy nhiên không nên chỉ ăn mỗi bông cải xanh hàng ngày mà nên thay đổi các loại rau.

Theo BSCKI. Nguyễn Anh Dũng, mỗi người, mỗi bệnh lý cần một chế độ dinh dưỡng cụ thể khác nhau, đặc biệt đối tượng trẻ em và phụ nữ có thai, người đang mắc các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, suy thận, các bệnh lý tim mạch, xương khớp. Với những bệnh nhân sử dụng Aspirin, Paracetamol, thuốc chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu, thuốc tiểu đường, không nên sử dụng cùng với thực phẩm như sâm, gừng, lá cây bạch quả, cỏ.


 - Ảnh 1.