Hành trình triển khai thành công kỹ thuật mổ não thức tỉnh tại Việt Nam
Vừa bóc tách khối u não, bác sĩ Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa trò chuyện với bệnh nhân Gill Manuel MachadoTeixeira. Với khối u thần kinh đệm, nếu mổ theo phương pháp gây mê hoàn toàn, người bệnh có nguy cơ bị rối loạn ngôn ngữ và trầm cảm. Nhằm giảm thiểu các di chứng có thể xảy ra, bác sĩ Đồng Văn Hệ đã chọn phương pháp mổ não thức tỉnh. Ca phẫu thuật thành công, một tuần sau, anh Gill Manuel MachadoTeixeira đã được xuất viện, sum họp cùng gia đình.
Anh Gill Manuel MachadoTeixeira là một trong số hơn 40 bệnh nhân được mổ não thức tỉnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, kể từ ca phẫu thuật đầu tiên vào tháng 3 năm 2019 đến nay. Đây là kỹ thuật được thực hiện trên não khi người bệnh vẫn tỉnh táo hoàn toàn. Ưu điểm của kỹ thuật là loại bỏ các khối u ở vị trí khó nhưng vẫn bảo toàn các chức năng quan trọng như chức năng ngôn ngữ, chức năng vận động sau mổ. Để đưa kỹ thuật này về Việt Nam, bác sĩ Đồng Văn Hệ cùng ê kíp đã trải qua thời gian rất dài với sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
“Kỹ thuật mổ nào thức tỉnh đã được triển khai trên thế giới từ rất lâu rồi. Cách đây gần 20 năm chúng tôi mời một số chuyên gia ở châu Âu sang mổ tại Việt Nam nhưng thất bại do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thất bại tức là không gây tê cho bệnh nhân được thì quay lại phương pháp truyền thống là gây mê hoàn toàn. Sau đó, chúng tôi phải tạm dừng kỹ thuật này lại” – bác sĩ Đồng Văn Hệ nhớ lại.
Trước thất bại ban đầu song vị bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh chưa khi nào từ bỏ ước mơ triển khai kỹ thuật mổ não thức tỉnh tại Việt Nam.
“Cách đây mấy năm, khi dự Hội nghị phẫu thuật thần kinh châu Á, tôi gặp vị giáo sư người Nhật trình bày về mổ não thức tỉnh. Lúc đó, tôi rất hứng thú với bài trình bày của giáo sư vì đúng kỹ thuật mình đã ấp ủ lâu nay. Hơn 1 năm sau (tháng 3/2019) chúng tôi đã tự thực hiện được ca đầu tiên. Tuy nhiên, trước khi tiến hành mổ cho bệnh nhân, phải chuẩn bị rất nhiều từ con người, trang thiết bị, đào tạo và huấn luyện bệnh nhân. Chúng tôi đã cử ekip sang Nhật đào tạo. Các chuyên gia của Nhật Bản cũng sang Việt Nam tới 3 lần. Lần đầu kiểm tra các khâu chuẩn bị, lần 2 kiểm tra lại một lần nữa và các chuyên gia mổ, chúng tôi phụ mổ. Lần 3 thì chúng tôi mổ và các chuyên gia đứng quan sát. Khi thành công chúng tôi rất mừng. Vì mình đã trải qua thất bại và thời gian chuẩn bị rất dài, rất tỉ mỉ nên không thể mô tả hết cảm giác sung sướng lúc đấy” – bác sĩ Hệ chia sẻ thêm.
Làm chủ kỹ thuật mổ não thức tỉnh song khó khăn vẫn đặt ra đối với các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đó là không có máy kích thích điện trong mổ - một loại dụng cụ rất đắt tiền nhằm nhận biết vùng vận động của não, tránh gây tổn thương đến vùng này trong quá trình phẫu thuật. Trong cái khó, các bác sĩ đã sáng tạo dùng dao điện – một thiết bị để thay thế mà vẫn đảm bảo hiệu quả nhận biết vùng vận động và an toàn cho người bệnh.
Cứu sống nhưng phải bảo tồn tối đa các chức năng cho người bệnh
Không riêng kỹ thuật mổ não thức tỉnh, bác sĩ Đồng Văn Hệ còn là người thực hiện các kỹ thuật tiên tiến khác, điều trị thành công nhiều trường hợp u não phức tạp, giúp người bệnh trở về với cuộc sống bình thường. Phẫu thuật thần kinh là một lĩnh vực khó trong ngoại khoa với áp lực rất lớn. Làm việc ở bệnh viện tuyến trung ương – nơi bệnh nhân đặt niềm hi vọng cuối cùng lại càng áp lực hơn. Bác sĩ Hệ luôn tâm niệm nghề y là một nghề đặc biệt bởi sự thành bại trong mỗi ca mổ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống cũng như gia đình bệnh nhân và cả xã hội. Do đó, trước mỗi ca bệnh, ông luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách phẫu thuật tối ưu nhằm giữ lại sự sống đồng thời bảo tồn tối đa các chức năng cho người bệnh.
“Là bác sĩ, ai cũng mong muốn cho người bệnh khỏi bệnh nhanh và quay lại đời sống xã hội sớm nhất có thể. Cho đến bây giờ, mấy chục năm trong nghề nhưng trước mỗi ca bệnh, trước khi phẫu thuật hoặc thực hiện bất cứ can thiệp nào cho bệnh nhân, chúng tôi đều luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm phương án tối ưu. Thậm chí cân nhắc vài lần cũng chưa yên tâm. Có những ca bệnh khó thì phải đọc sách, tìm hiểu tài liệu, trao đổi, hội chẩn với các chuyên gia nước ngoài – những người mà họ biết nhiều về bệnh lý đó. Trong quá trình làm việc, cũng có những ca thành công ngay, có ca chưa đạt kết quả như ý muốn. Sau mỗi lần thất bại, chúng tôi lại phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao, rà soát lại toàn bộ quá trình, thay đổi cách thức tiếp cận... Cho nên trước mỗi ca phẫu thuật, dù đơn giản hay phức tạp, chúng tôi đều phải cân nhắc và chuẩn bị kỹ càng để làm sao cứu sống người bệnh nhưng cũng phải bảo tồn các chức năng cho họ. Do đó, dù sắp về hưu rồi vẫn luôn phải học hỏi” – BS Đồng Văn Hệ cho biết.
Hơn 40 năm gắn bó với công việc chữa bệnh cứu người, vị bác sĩ nổi tiếng trong phẫu thuật thần kinh chia sẻ, dù những năm gần đây, ngành y gặp nhiều sóng gió song ông vẫn tha thiết yêu nghề và luôn cố gắng điều trị cho người bệnh bằng tất cả khả năng. BS Đồng Văn Hệ cũng tri ân những người thầy lớn đã dìu dắt ông từ thủa chân ướt chân ráo mới tốt nghiệp đại học và bắt đầu theo học bác sĩ nội trú chuyên khoa phẫu thuật thần kinh.
“Năm 1989-1990, tôi đỗ thủ khoa kỳ thi nội trú và được các thầy chọn cho học chuyên ngành phẫu thuật thần kinh. Thời đó, đây là một chuyên ngành rất khó và áp lực kinh khủng, bởi rất thiếu thốn về trang thiết bị , số ca thất bại rất nhiều. Áp lực đến nỗi thầy của tôi còn nói có lúc muốn bỏ nghề. Nhưng tôi đến với chuyên ngành thần kinh như một cái duyên, được các thầy dìu dắt, đào tạo. Tôi may mắn có những người thầy lớn như thầy Tôn Thất Bách, thầy Nguyễn Thường Xuân cũng như các thầy ở Trường Đại học Y Hà Nội... và các giáo sư người nước ngoài. Mỗi người thầy giúp cho mình học rất nhiều và hỗ trợ mình trong những lúc sống còn của người bệnh. Có sự tư vấn, trợ giúp của các thầy khiến mình tự tin lên rất nhiều” - BS Đồng Văn Hệ tâm sự.
Và giờ đây, với cương vị Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam, BS Đồng Văn Hệ lại hết lòng truyền dạy, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo những thế hệ học trò kế tiếp nhằm có thêm nhiều người bệnh được cứu chữa và trở lại với cuộc sống bình thường.