Bên cạnh bát, đĩa... đũa cũng là một loại dụng cụ ăn uống cổ truyền, không thể nào thiếu trong các bữa ăn của các quốc gia Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, và Việt Nam). Ngày nay, đũa được sản xuất dựa trên nhiều loại chất liệu như gỗ, kim loại, sơn mài... để người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn... Tuy nhiên một số loại đũa dưới đây có thể ảnh hưởng cho sức khỏe nếu được sử dụng sai cách.
1. Đũa gỗ
Đũa gỗ có lẽ là loại đũa được sử dụng phổ biến trong hầu hết các gia đình, tuy nhiên khi dùng đũa gỗ bạn nên hết sức thận trọng vì nó dễ sản sinh nấm mốc trong thời tiết ẩm ướt, đặc biệt dễ sản sinh ra aflatoxin - một loại nấm mốc gây ung thư.
Theo bác sĩ Sun Feng (Khoa hậu môn trực tràng, Bệnh viện trực thuộc Đại học Trung y Quảng Châu), aflatoxin là một loại nấm mốc được sản sinh bởi Aspergillus flavus. Bản thân đũa gỗ không chứa Aspergillus flavus, nhưng qua quá trình sử dụng, đũa không được vệ sinh sạch sẽ còn xót lại tinh bột, thực phẩm... Trong môi trường nhà bếp ẩm thấp khiến đũa bị mốc và sinh ra độc tố aflatoxin.
Ngoài ra, đũa gỗ nếu sử dụng lâu ngày có thể xuất hiện những đường nứt, những đường nứt nhỏ này rất dễ tích tụ bụi bẩn, khó vệ sinh và sản sinh nấm mốc gây hại lúc nào không hay. Không chỉ đũa gỗ mà thớt gỗ cũng gặp phải tình trạng này.
Theo bác sĩ, đũa tre và đũa gỗ là hai loại đũa không độc hại và thân thiện với môi trường hơn các loại đũa khác. Tuy nhiên, để phòng ngừa nấm mốc trong đũa gỗ, bác sĩ Sun Feng khuyến cáo mọi người nên rửa đũa thật sạch. Thường xuyên lấy đũa ra phơi nắng. Thường xuyên khử trùng tủ đựng bát đũa. Nên thay đũa gỗ 6 tháng/lần.
2. Đũa sơn mài
Đũa sơn mài cũng được không ít gia đình sử dụng bởi màu sắc và hoa văn đẹp mắt. Tuy nhiên, trên bề mặt loại đũa này thường được tráng lên một lớp sơn mài, sơn mài sử dụng lâu ngày có thể bị bong tróc và gây hại cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Sun Feng, những loại sơn này thường chứa nhiều kim loại nặng, sau khi ăn vào cơ thể người sẽ tăng gánh nặng cho gan và thận.
3. Đũa tre dùng một lần
Đũa tre dù được đánh giá là loại đũa an toàn cho môi trường và cơ thể nhưng loại đũa tre dùng một lần thì khác.
Đũa tre dùng một lần thường được sản xuất tại các xưởng nhỏ lẻ. Đũa được làm từ các loại gỗ mục nát, được ngâm trong hóa chất sau đó xông khí sunfua đậm đặc rồi lăn qua bột talc cho đẹp rồi bán, không hề có khâu vô trùng.
Theo bác sĩ Sun Feng, đũa dùng một lần được sản xuất theo cách này sẽ có rất nhiều chất hóa học đọng lại trên bề mặt đũa, thấm vào đũa và gây hại rất lớn cho cơ thể con người. Lấy bột talc làm ví dụ, sau khi vào cơ thể người sẽ làm tăng gánh nặng chuyển hóa của gan, tích tụ nhiều sẽ khiến người dùng mắc bệnh sỏi mật.
Vậy loại đũa nào an toàn và lành mạnh nhất?
Từ góc độ vệ sinh và sức khỏe, đũa kim loại được đánh giá là loại đũa lành mạnh và vệ sinh nhất. So với đũa tre và đũa gỗ, đũa kim loại thường được làm bằng thép không gỉ, trơn hơn và hạn chế được lượng vi khuẩn bám dính.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, đũa kim loại khó sử dụng, trơn trượt, khó vệ sinh các kẽ nếu có khắc các hình họa. Nếu không được vệ sinh cẩn thận, đũa kim loại có thể bị nhiễm khuẩn và thiếu an toàn. Do đó nếu chọn đũa kim loại cho gia đình thì bạn nên chọn loại trơn nhẵn.
Cách rửa đũa an toàn được các chuyên gia khuyến cáo đó là:
- Rửa đũa theo cặp và không nên chà xát đũa quá mạnh.
- Nếu đũa được làm bằng gỗ, kim loại hoặc nhựa chịu được nhiệt độ cao thì có thể cho vào lò vi sóng trong 3 phút sau khi rửa sạch để tiệt trùng.
- Chuẩn bị khăn lau chuyên dụng để lau đũa, lau đũa sạch sẽ sau mỗi lần vệ sinh rồi đặt lên giá bát đĩa cho khô ráo, tốt nhất nên khử trùng thường xuyên.
- Cuối cùng, đặt đũa thẳng đứng vào lồng đũa. Lồng đũa cần được bảo quản ở nơi thoáng và khô ráo để tránh sản sinh nấm mốc.
- Ngoài ra, đũa nên được luộc trong nước sôi nửa giờ mỗi tuần, sau đó đem phơi khô trước khi dùng.
(Nguồn: Nhân dân Nhật báo, The Paper)