Viêm tai giữa có hai nhóm là viêm tai giữa không nguy hiểm và viêm tai giữa nguy hiểm.
Viêm tai giữa nguy hiểm là nhóm viêm tai giữa có thể gây các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh. Việc phát hiện sớm viêm tai giữa nguy hiểm và biến chứng của loại bệnh lí này giúp người bệnh tránh được những rủi ro nguy hiểm tới tính mạng.
Viêm tai giữa nguy hiểm sẽ có hai nhóm biến chứng, gồm biến chứng ngoài sọ và biến chứng nội sọ.
Biến chứng ngoài sọ
Bệnh nhân có tiền sử chảy mủ tai thối hoặc đang có đợt viêm tai giữa cấp, xuất hiện hiện tượng ù tai, chóng mặt và mất thăng bằng rõ rệt kèm theo nghe kém tăng nhanh có thể dẫn tới điếc tiếp âm. Đây có thể là viêm mê nhĩ. Bệnh nhân bị liệt mặt ngoại biên do bệnh tích phá hủy vỏ xương bảo vệ dây thần kinh mặt phần đi qua tai giữa làm tổn thương gây viêm hoặc tổn thương dây VII dẫn đến nước bọt chảy qua miệng khi đánh răng, mắt không nhắm được, mắt khép không kín. Một bên miệng và nhân trung bị kéo lệch về một phía.
Biến chứng nội sọ: Có thể xảy ra viêm tắc tĩnh mạch bên, viêm màng não, áp-xe não.
* Viêm tắc tĩnh mạch bên, theo nhiều nghiên cứu y khoa, có tỷ lệ xuất hiện khoảng 6%. Tĩnh mạch bên có đường kính lớn, đường đi ngoằn nghèo, tốc độ chảy của dòng máu chậm, lại đi sát ổ viêm tai nên dễ bị viêm nhiễm lan sang gây viêm tĩnh mạch bên. Biểu hiện ở bệnh nhân là sốt cao dao động kèm rét run, toàn trạng nhiễm trùng nặng, buồn nôn và nôn. Đau tai, nghe giảm nhanh và đau đầu khu trú, da vùng sau tai nề đỏ, đóng bánh (dấu hiệu Griessinger).
* Viêm màng não: là tình trạng nhiễm trùng của dịch não tủy và các màng não (gồm có màng cứng, màng nhện và màng mềm). Trong các trường hợp viêm tai giữa cấp tính hoặc viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm, vi khuẩn từ tai giữa có thể lan tới màng não qua nhiều con đường khác nhau. Tỉ lệ tử vong của viêm màng não lên tới 100% nếu không được điều trị. Kể cả khi được điều trị đúng phác đồ chuẩn, 10% bệnh nhân vẫn có khả năng không đáp ứng, thậm chí tử vong.
Biểu hiện của viêm màng não thường là: Đột ngột sốt cao, đau đầu nhiều kèm buồn nôn, nôn. Bệnh nhân bị cứng gáy, thay đổi nhận thức: lơ mơ hoặc kích thích; sợ ánh sáng, bệnh nhân phải nằm trong tư thế cò súng.
Các biểu hiện của viêm màng não ở trẻ < 1 tuổi còn có thêm các dấu hiệu: Sốt cao hoặc hạ thân nhiệt, thóp phồng (với trẻ dưới 18 tháng), thờ ơ, li bì hoặc kích thích, quấy khóc không ngừng; vàng da, suy hô hấp (thở nhanh, tím quanh môi, đầu chi).
* Áp-xe não: là một trong những biến chứng nội sọ nguy hiểm bởi tỉ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Theo thống kê trước đây, 50% các trường hợp áp xe não có nguyên nhân từ tai.
Biểu hiện với triệu chứng nhức đầu từng cơn, có vị trí khu trú, nôn vọt, tinh thần u ám, dấu hiệu nhiễm trùng và có thể kèm theo dấu hiệu tổn thương thần kinh khu trú tùy vào vị trí ổ áp xe ở đại não hay tiểu não.
Các biến chứng nội sọ do tai thường có triệu chứng không điển hình, không đầy đủ nên cần đặc biệt lưu ý các trường hợp viêm tai nguy hiểm. Các biến chứng nội so rất nguy hiểm cần được phát hiện sớm để tránh tử vong.
Ngược lại, nếu có những biểu hiện nhiễm trùng nội sọ trên một người chảy mủ tai thối, có thể xác định nguyên nhân từ tai vì có tới 50% áp-xe não là bắt nguồn từ viêm tai.
Nếu thấy nghi ngờ, cần sớm đưa bệnh nhân đi thăm khám để thày thuốc có hướng xử trí như: Mổ cấp cứu để loại bỏ ổ viêm càng sớm càng tốt, và điều trị nội khoa tích cực tùy theo từng loại biến chứng.
Để phòng bệnh, cần thăm khám và điều trị sớm các bệnh lý tai mũi họng tại cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được chỉ định phẫu thuật, xử lý sớm những bệnh lý viêm tai được chẩn đoán là viêm tai nguy hiểm./.