Viêm kết mạc(đau mắt đỏ) và kích ứng mắt: Đau mắt đỏ là bệnh rất dễ bị lây nhiễm do nước hồ bơi. Bệnh xảy ra ở những người không có thói quen đeo kính bơi, thường mở mắt khi bơi. Khi bị viêm kết mạc, mắt bị cộm như vướng vật lạ, nước mắt chảy nhiều, có rất nhiều gèn, nhức mắt dữ dội khi nhìn thấy ánh sáng...
Nếu không bị đau mắt đỏ thì hiện tượng thường thấy ở những người đi bơi là cặp mắt đỏ quạch một lúc mới hết. Đó chính là hiện tượng kích ứng mắt do tác động của chất clo và các chất khử trùng hóa chất khác được sử dụng trong các hồ bơi. Ngoài ra, bụi bẩn và các yếu tố không hợp vệ sinh trong hồ bơi cũng có thể kích thích các mô tế bào của mắt, dẫn đến kích ứng mắt gây đỏ mắt.
Viêm tai ngoài: Nấm mốc, vi khuẩn trong nước hồ bơi sẽ dễ đọng lại ở tai (do cấu tạo đặc biệt của tai), từ đó gây bệnh viêm tai ngoài. Bệnh này nếu không được chăm sóc, chữa trị tốt, vi khuẩn sẽ lan sâu vào gây viêm ống tai và có thể gây giảm thính lực. Luôn nhớ lau khô tai ngay sau khi bơi, lưu ý chỉ lau khô tai ngoài của bạn, từ từ và nhẹ nhàng bằng khăn mềm hoặc vải. Nghiêng đầu sang một bên để giúp nước chảy ra từ ống tai. Bạn có thể làm khô tai bằng máy sấy đặt ở chế độ thấp nhất và giữ máy cách tai ít nhất 30 cm.
Bệnh hen: Thủ phạm gây bệnh hen khi đi bơi chính là các chất hóa học được sử dụng nhằm giữ cho nước bể bơi sạch và trong hơn. Nếu thấy có hiện tượng ho nhiều và khó thở, nên tạm dừng hoặc giảm tần suất bơi.
Rụng tóc: Các hóa chất dùng để khử trùng, làm sạch nước sẽ làm tóc bạn sẽ trở nên thô xơ và cứng, thậm chí là rụng tóc sau một thời gian đi bơi. Khi bơi bạn nên dùng mũ nilon bảo vệ tóc để tránh cho tóc và da đầu tiếp xúc với những chất độc hại này. Gội đầu và xả sạch tóc thật kỹ sau mỗi lần đi bơi. Một số loại lá thơm có tác dụng dưỡng tóc cũng rất hữu ích khi dùng để gội đầu sau khi bơi như rễ trầm, hương nhu, bồ kết, sả…
Các bệnh ngoài da: Nhiều người không có thói quen tắm vòi sen trước khi xuống hồ, lúc này mồ hôi, mỹ phẩm, kem dưỡng da, khói bụi sẽ bị hòa tan vào nước trong hồ và trở thành nguồn gây bệnh cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, việc xử lý nước trong hồ bơi cũng không đảm bảo khi nồng độ pH quá ít hoặc lượng clo quá nhiều cũng sẽ gây tổn thương da.
Thông thường, các bệnh ngoài da dễ bị lây qua nước ở hồ bơi là nấm, lang ben, viêm da tiếp xúc… Ngay khi có các dấu hiệu ngứa, rát, đỏ da, nổi mẩn thì nên dừng bơi, lên trên phòng tắm và tắm sạch, tránh gãi vì dễ gây kích ứng, tổn thương da. Sau đó cần đến các trung tâm da liễu để được điều trị đúng cách.
Bệnh tiêu chảy: Nước bể bơi ở những nơi không thay lọc thường xuyên là môi trường lý tưởng để mầm bệnh gây tiêu chảy Cryptosporidium - một ký sinh trùng gây nhiễm trùng đường ruột sinh sống. Ngoài ra nước hồ bơi cũng là nơi tập trung của vi khuẩn có hại như E.coli và Giardia, Shigella... gây bệnh tiêu chảy. Loại ký sinh trùng này gây tổn thương tế bào biểu mô ở dạ dày, ruột, đường hô hấp. Một người bị tiêu chảy có thể dễ dàng gây nhiễm bẩn bể bơi, rồi lây sang người khác, vì vậy bạn không nên đi bơi khi bị tiêu chảy. Cách ngừa tốt nhất là tránh để nước ở bể bơi xâm nhập vào miệng; Tắm rửa sạch sẽ trước và sau khi bơi, rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh…
Bệnh viêm đường tiết niệu và phụ khoa: Do nước bể bơi có chứa nhiều vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… Trong môi trường nước, các loại vi khuẩn gây bệnh rất dễ xâm nhập và tấn công vào vùng kín, gây nhiễm nấm, viêm đường tiết niệu và viêm nhiễm phụ khoa. Khi có các triệu chứng như ngứa ngáy, tiểu buốt, tiểu khó, tiểu ra máu thì cần gặp ngay bác sĩ để được điều trị kịp thời. Bởi những bệnh lý vùng kín không chỉ gây khó chịu tức thời mà còn ảnh hưởng về lâu dài cũng như khả năng sinh sản.
Chọn bể mà… bơi
Dùng mắt để quan sát độ trong xanh của nước ở dưới bể. Nếu màu nước tối, bị vẩn đục hoặc có các vật thể lạ thì môi trường nước ở đó sẽ không an toàn. Còn nếu cảm thấy mùi nước ở bể bơi rất khó chịu thì có thể là do khâu xử lí nước chưa được tốt, lượng clo nhiều mà độ pH thì quá ít. Điều này cũng sẽ không đảm bảo cho sức khỏe.
Cách giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh khi đi bơi: Lựa chọn hồ bơi có ít người, nguồn nước sạch, trong xanh, không có vật thể, mùi lạ.Tuyệt đối không đi bơi khi trên người đang có vết thương hở hoặc tình trạng sức khỏe không tốt. Trang bị đầy đủ kính bơi, mũ chụp đầu để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn vào mắt, tai, mũi, họng. Không ngâm mình dưới hồ bơi quá lâu. Sau khi bơi cần tắm lại sạch sẽ, súc miệng, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.