Số ca nhiễm ở trẻ em ngày một tăng dần, theo UNICEF khoảng 13 triệu ca nhiễm ở trẻ em và thanh thiếu niên, chiếm khoảng 14% trên 103 đất nước. Mặc dù tỷ lệ tử vong ở trẻ em chiếm khoảng 0,00 – 0,03% (theo cập nhật của hiệp hội Nhi Khoa Hoa Kỳ đến ngày 12/8/2021) không có sự khác biệt ở thời điểm trước và sau khi giãn cách xã hội. Tuy nhiên những ca bệnh nặng ở trẻ em cũng bắt đầu được báo cáo nhiều hơn gần đây. Trong đó trẻ ≤ 1 tuổi, trẻ béo phì, có bệnh nền, những yếu tố nguy cơ được ghi nhận trên những trẻ có triệu chứng nặng.

Nói như vậy, để chúng ta không được chủ quan với đối tượng này. Gánh nặng lớn nhất đó là sự tác động lâu dài về phát triển thể chất cũng như tâm lý của các con sau đại dịch này. Hiểu được nỗi lo đó nên bác sĩ Nhi khoa Hoàng Quốc Tưởng (Dr Chuột) - Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhi đồng 2 gửi gắm 5 lời khuyên về dinh dưỡng cho các mẹ bỉm sữa trong thời gian này, để cùng nhau giúp các con vượt qua đại dịch an toàn.

1️. Tiếp tục cho con bú sữa mẹ

Các mẹ nên cố gắng duy trì cho con bú sữa mẹ vì những lý do sau đây.

- Thứ nhất lợi ích của sữa mẹ không có gì có thể thay thế được, nhất là đối với các em bé dưới 12 tháng tuổi.

- Thứ 2 cho đến thời điểm này, các nghiên cứu đều cho thấy chưa phát hiện việc lây truyền virus Covid-19 qua sữa mẹ và qua việc cho trẻ bú mẹ.

- Cuối cùng, nếu không may mắc bệnh thì đa phần là ở thể nhẹ và có thể điều trị tại nhà.

Do đó WHO khuyến cáo tiếp tục cho bú mẹ sau khi tiêm vắc xin, khi nghi ngờ bị mắc Covid-19. Thậm chí nếu mẹ mắc Covid-19 có thể cho bú lại khi mẹ cảm thấy đủ khoẻ để làm việc này. Lúc này người mẹ cần thực hiện một số điều sau:

- Đeo khẩu trang y tế bất cứ khi nào tiếp xúc với trẻ, kể cả ngay khi cho trẻ bú, thay khi thấy khẩu trang bị ẩm và bỏ vào thùng rác có nắp đậy.

- Không tái sử dụng khẩu trang y tế và không chạm vào mặt trước của khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dùng dung dịch rửa tay có cồn đặc biệt là trước khi chạm vào trẻ;

- Hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy, sau đó loại bỏ khăn giấy ngay và rửa tay lại.

- Rửa sạch bầu vú bằng nước ấm và xà phòng ít nhất 20 giây, hoặc ngay sau khi mẹ ho.

- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt mà người mẹ đã chạm vào.

- Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mình, để đảm bảo cung cấp cho cơ thể mẹ đủ chất và chất lượng sữa mẹ cho bé từ đó cũng được nâng cao.

Bác sĩ Nhi khoa Hoàng Quốc Tưởng đưa ra 5 lời khuyên dinh dưỡng cho trẻ trong mùa dịch   - Ảnh 1.

Các mẹ nên cố gắng duy trì cho con bú sữa mẹ vì rất nhiều lợi ích. (Ảnh minh họa)

2️. Nên chú trọng bổ sung vitamin và đảm bảo đủ chất trong các loại thức ăn cho bé

Thay vì than vãn rằng thiếu cái này cái kia, thì dành thời gian để biến những nguyên liệu sẵn có thành món ăn ngon lành và dinh dưỡng thì sẽ tốt hơn. Đừng đòi hỏi sự cầu toàn trong thời điểm hiện nay. Chỉ cần nhớ nguyên tắc rằng đủ 4 nhóm chất: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất là được.

Duy trì đủ 3 bữa chính thêm 1 – 2 bữa phụ, còn thực phẩm nào cũng được. Không có gạo thì mì, hủ tiếu, nui, phở. Không có thịt bò thì thịt heo, gà, hải sản. Có rau quả gì ăn rau quả đó, có ăn là được. Vừa cung cấp canxi, vitamin D, vitamin A và kẽm, đặc biệt là trong thời gian nghỉ dịch hiện tại, khi mà người lớn và trẻ em dành gần như hầu hết thời gian ở trong nhà, cơ thể dễ thiếu Vitamin D.

Ăn riêng, ăn kèm hoặc chế biến nhiều loại món ăn khác nhau tăng thêm hương vị mà còn làm phong phú thêm thực đơn của gia đình mình. Biết đâu nhờ vậy mà các bố mẹ đều trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, đồng thời con trẻ có thể học được cách thích nghi và trưởng thành hơn sau dịch thì sao. Nhớ là không nên cố gắng trữ nhiều lương thực làm gì vì cũng sẽ hư mà thôi.

3️. Dự trữ một chút đồ ăn vặt tốt cho trẻ

Thực phẩm tươi luôn là lựa chọn tốt nhất, tuy nhiên khi không thể mua được thì việc chọn các đồ ăn vặt đóng hộp cũng là sự lựa chọn thay thế. Chỉ cần chọn những thương hiệu uy tín và chú ý đến thành phần là được. Không nên chọn các loại đồ ăn vặt có nhiều chất béo bão hoà, nhiều đường và nhiều muối. Ưu tiên chọn các loại hạt cho trẻ đã nhai nuốt tốt.

Các loại phô mai, sữa chua (tốt nhất là loại không đường), hoa quả sấy khô, trứng luộc, hoặc những đồ ăn vặt khác tốt cho sức khoẻ mà sẵn có ở nơi bạn sinh sống. Nếu tự chế biến tại nhà được thì càng tốt vì sẽ bảo đảm được các thành phần cũng như gia vị mà chúng ta cho vào.

Bác sĩ Nhi khoa Hoàng Quốc Tưởng đưa ra 5 lời khuyên dinh dưỡng cho trẻ trong mùa dịch   - Ảnh 2.

4️. Nhớ cho bé uống đủ nước theo nhu cầu

Nên nhớ cho trẻ uống nhiều nước, có thể bổ sung nước trái cây như cam, chanh, nước ép rau củ quả hoặc sinh tố. Đối với trẻ em cần bổ sung nước thường xuyên chứ không đợi đến khi trẻ có cảm giác khát.

Nhu cầu lượng nước uống theo khuyến cáo sau đây:

- Trẻ dưới 6 tháng uống sữa là đủ dù sữa mẹ hay sữa công thức nên không cần uống thêm nước.

- Trẻ từ 7 - 12 tháng tổng lượng nước theo đường uống 600ml/ ngày, bao gồm cả sữa.

- Trẻ 1 - 3 tuổi tổng lượng nước theo đường uống 900ml/ ngày bao gồm cả sữa và nước ép trái cây.

- Trẻ 4 - 8 tuổi tổng lượng nước theo đường uống 1200ml/ ngày bao gồm cả sữa và nước ép trái cây.

- Trẻ 9 - 13 tuổi tổng lượng nước đường uống 1600ml/ ngày với nữ và 1800ml/ngày ở nam bao gồm cả sữa và nước ép trái cây,

- Trẻ 14 - 18 tuổi tổng lượng nước đường uống 1800ml/ ngày với nữ và 2600ml/ ngày ở nam bao gồm cả sữa và nước ép trái cây.

Trẻ từ 1 tuổi các mẹ nên giảm lượng sữa, tăng lượng nước lọc lên cho bé. Mỗi ngày chỉ nên uống 3 cữ sữa, mỗi cữ 100 - 120 ml/ lần. Với nước ép trái cây trên 1 tuổi có thể cho con uống. Nhưng nhớ với trẻ 1 - 3 tuổi lượng nước ép trái cây tối đa là 12ml/ngày; trẻ 4 - 6 tuổi lượng nước ép trái cây tối đa là 180ml/ ngày; trẻ trên 7 tuổi lượng nước ép trái cây tối đa là 240ml/ ngày.

Bác sĩ Nhi khoa Hoàng Quốc Tưởng đưa ra 5 lời khuyên dinh dưỡng cho trẻ trong mùa dịch   - Ảnh 3.

"Đừng đòi hỏi sự cầu toàn trong thời điểm hiện nay. Chỉ cần nhớ nguyên tắc rằng đủ 4 nhóm chất: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất là được", bác sĩ Tưởng cho biết.

5️. Biến nấu nướng và các bữa ăn thành những khoảng thời gian vừa vui vẻ vừa có ý nghĩa của gia đình

Nấu nướng và ăn cùng nhau là cách để tạo thói quen lành mạnh, gắn kết các thành viên trong gia đình và để mọi người vui vẻ cùng nhau. Bạn nên cho con mình cùng tham gia chuẩn bị bữa ăn, dạy trẻ cách phân loại thực phẩm.

Cố gắng dành riêng một khoảng thời gian cố định cho bữa ăn gia đình, có thể ăn từ xa với người thân qua các ứng dụng Zalo, facetime. Luôn tạo tinh thần lạc quan, thoải mái thưởng thức bữa ăn. Điều này không chỉ giúp trẻ giảm bớt lo âu căng thẳng trong thời gian dịch bệnh mà còn giúp cho bữa ăn của trẻ hiệu quả hơn vì có quá nhiều hormone hạnh phúc được tiết ra trong lúc này.

Dinh dưỡng và tâm lý cho các con là 2 điều không được bỏ quên trong lúc này, bố mẹ nhé!

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng là bác sĩ chuyên khoa Nhi, hiện đang công tác tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM.

Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân và được rất nhiều độc giả tin tưởng, yêu thích.

Độc giả có thể đọc thêm các bài của bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng TẠI ĐÂY.