Là bố mẹ, ai cũng mong con mình cao lớn, khỏe mạnh. Đặc biệt, vấn đề chiều cao luôn là nỗi băn khoăn của không ít phụ huynh. Chính vì thế họ không tiếc tiền mua cho con các loại sữa ngoại, thuốc bổ nhưng lại không biết có một số loại thực phẩm có thể cản trở việc tăng chiều cao của trẻ. Chỉ cần hạn chế cho trẻ tiêu thụ các loại thực phẩm này, kết hợp với việc tăng cường tập luyện thể dục, thể thao thì việc cải thiện chiều cao là điều không quá khó.
Trước những nỗi lo lắng của bố mẹ về vấn đề chiều cao của con cái, bác sĩ Nhi Thịnh Cẩm Vân đang công tác tại Bệnh viện Nhi thuộc Đại học Soochow, Đài Loan đã có những chia sẻ rất tỉ mỉ xung quanh vấn đề này.
Bác sĩ Thịnh cho biết, đối với trẻ em, sự phát triển thể chất về cơ bản chính là sự phát triển của xương. Chỉ khi xương chắc khỏe thì trẻ mới cao lớn và khỏe mạnh hơn, đồng thời tạo nền tảng vững chắc tránh bị loãng xương khi về già.
Trẻ từ 10 đến 17 tuổi là giai đoạn có nhu cầu cao về canxi. Trẻ từ 10 đến 13 tuổi cần bổ sung 800mg canxi, trẻ từ 13 đến 16 tuổi cần 1.200mg và trẻ từ 16 đến 17 tuổi cần 1.000mg canxi mỗi ngày.
Thông thường, nguồn canxi mà trẻ hấp thụ mỗi ngày đều dưới dạng thức ăn. Việc ăn những loại thực phẩm giàu canxi sẽ khiến trẻ phát triển chiều cao vượt trội. Tuy nhiên nếu chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc bổ sung canxi sai cách, nó còn gây ra một hệ lụy là đẩy nhanh quá trình tiêu hao canxi của cơ thể.
Bác sĩ Thịnh cho rằng, có 3 loại thực phẩm cản trở tăng chiều cao của trẻ, tốt nhất bố mẹ cần hạn chế cho trẻ tiêu thụ nhiều.
1. Thực phẩm đông lạnh
Có không ít bố mẹ vì quá bận rộn công việc mà họ lơ là trong việc chuẩn bị bữa ăn cho con cái. Họ mua rất nhiều thực phẩm đông lạnh như bánh bao, thịt chế biến, cá viên chiên… để tiện cho việc chế biến nhanh chóng.
Chẳng hạn như bánh bao đông lạnh tuy hình thức rất hấp dẫn, nhưng phần nhân bên trong chứa nhiều chất béo và một số chất phụ gia, ăn lâu ngày dễ khiến trẻ tăng cân, ức chế sự phát triển của xương.
Trong khi đó, các loại thịt chế biến sẵn, cá viên chiên có thành phần chính là thịt xay và nhiều chất phụ gia khác khau để tăng thêm hương vị hấp dẫn của món ăn. Hơn nữa, loại thực phẩm này có hàm lượng natri cao, tuy rất ngon miệng nhưng không chứa nhiều dinh dưỡng. Khi cơ thể chuyển hóa quá nhiều natri, nó cần phải có sự tham gia của canxi, điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ.
Những thực phẩm này sau khi đông lạnh lâu ngày hầu như không còn nhiều dinh dưỡng. Nhiều nhà sản xuất sẽ cho thêm nhiều chất phụ gia vào để kéo dài thời hạn sử dụng, trẻ ăn nhiều sẽ làm tăng gánh nặng tiêu hóa cho tỳ vị và dạ dày, dẫn đến chứng khó tiêu, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu của cơ thể khiến trẻ chậm lớn, cản trở chiều cao.
2. Đồ ăn vặt
Một nghiên cứu của trường Đại học Hebrew ở Jerusalem đã phát hiện ra thực phẩm chế biến quá kỹ như đồ ăn vặt có thể làm giảm chất lượng của xương, đặc biệt gây hại cho trẻ nhỏ trong giai đoạn đang phát triển về thể chất.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Bone Research, nói về mối quan hệ giữa đồ ăn vặt và sự phát triển hệ xương của trẻ.
Hầu hết đồ ăn vặt đều đã bị thay đổi trạng thái tự nhiên qua nhiều giai đoạn chế biến. Nó thường được thêm đường, chất béo, muối, chất bảo quản nhân tạo, góp phần gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu thụ, bao gồm cả việc béo phì. Những loại thực phẩm này thường rất thơm ngon, giá thành rẻ, rất hấp dẫn trẻ nhỏ.
3. Thức ăn thừa
Khi thức ăn để qua đêm và được hâm đi hâm lại nhiều lần, các chất dinh dưỡng sẽ dần mất đi. Nếu không bảo quản đúng cách lần nữa, thức ăn tiếp xúc với không khí sẽ tạo ra quá trình oxy hóa, dễ dàng sinh ra nitrit – một chất độc hại.
Việc thường xuyên ăn thức ăn thừa vì lý do tiết kiệm hay là gì đi chăng nữa cũng đều không tốt cho một đứa trẻ đang ở độ tuổi phát triển. Tiêu thụ thức ăn ở dạng này sẽ tạo điều kiện cho chất độc xâm nhập vào cơ thể, gia tăng áp lực lên tỳ vị và dạ dày của trẻ, theo thời gian chúng sẽ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao.
Nguồn: 163, Sohu, Xinhuanet