Cho con ăn dặm là một hành trình đầy thử thách mà mọi gia đình đều phải trải qua. Đây cũng là khoảng thời gian khiến không ít các mẹ cảm thấy khủng hoảng. Theo đó, gia vị cho bé ăn dặm là vấn đề được rất nhiều người quan tâm vì không phải cha mẹ nào cũng hiểu rõ độ tuổi nào nên nêm gia vị và nêm bao nhiêu là đủ để không ảnh hưởng đến vị giác và sức khỏe của bé?

Mới đây, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng (Dr Chuột) - bác sĩ Nhi khoa nổi tiếng trong cộng đồng những bà mẹ bỉm sữa tại Sài Gòn, đồng thời là Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhi đồng 2 đã trả lời thắc mắc của các mẹ bỉm sữa về vấn đề này.

"Không cần nêm thêm gia vị trong chế biến đồ ăn cho trẻ dưới 1 tuổi" là lời khẳng định đầu tiên của bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng.

Bác sĩ Nhi giải thích 3 lý do không nên nêm gia vị vào đồ ăn cho trẻ dưới 1 tuổi - Ảnh 1.

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng đưa ra 3 lý do và giải thích thuyết phục cho các mẹ bỉm sữa, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, có 5 vị cơ bản trong gia vị ẩm thực bao gồm: mặn, ngọt, đắng, chua và vị umami. Những vị này có thể có được từ trong sữa, bao gồm sữa mẹ, sữa công thức và một số loại thực phẩm, đặc biệt là đã đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ dưới 1 tuổi.

- Thứ hai, các cơ quan trong cơ thể của trẻ dưới 1 tuổi chưa phát triển hoàn chỉnh, đặc biệt là chức năng gan và thận, do đó nếu ăn quá dư thừa sẽ tăng nguy cơ bệnh lý.

- Thứ ba, không nên nếm gia vị cho trẻ dưới 1 tuổi, hoặc thậm chí sau 1 tuổi chúng ta vẫn khuyến khích trẻ ăn nhạt hơn, ăn ít ngọt, ít béo để phòng ngừa những bệnh lý nguy hiểm trong tương lai, ví dụ như: suy thận, bệnh chuyển hóa, bệnh não, bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa. Hậu quả có thể không thấy ngay lập tức nhưng tuyệt đối không được vì thế mà coi thường.

Cuối cùng, bác sĩ cũng nhấn mạnh: "Trẻ con không phải người lớn thu nhỏ, đừng bao giờ đừng áp đặt suy nghĩ, cảm giác và vị giác của mình vào trẻ con vì như thế sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của con."

Một số lưu ý cho các mẹ khi nấu bột/cháo ăn dặm cho trẻ:

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia Nhi khoa, bắt đầu từ khi 6 tháng tuổi, trẻ cần bắt đầu tập ăn bổ sung. Thức ăn chính của bé trong giai đoạn ăn dặm vẫn là sữa. Vì thế các mẹ nên tiếp tục cho con bú hoặc uống sữa và ăn thêm 2 bữa bột (hoặc cháo xay), trong đó có một bữa bột sữa, một bữa bột thịt hoặc bột trứng.

Bác sĩ Nhi giải thích 3 lý do không nên nêm gia vị vào đồ ăn cho trẻ dưới 1 tuổi - Ảnh 2.

Nêm gia vị mặn hợp lí vào bột/cháo ăn dặm của trẻ là rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ nhỏ (Ảnh minh họa).

- Khi nếm thử bột/cháo của trẻ thấy vừa miệng mẹ có nghĩa là bột/cháo đó mặn so với vị giác của trẻ.

- Khi nấu bột hoặc cháo, các mẹ không nên ăn cùng một món trong ngày tránh gây chán ăn, nên thay đổi linh hoạt giữa các bữa.

Lưu ý thành phần nấu bột hoặc cháo cho trẻ chỉ được bao gồm tinh bột (bột/cháo), chất đạm (thịt/cá/cua/tôm/trứng), chất khoáng (rau xanh xay nhuyễn) và chất béo (dầu/mỡ), không cho gia vị khác.

- Khi chế biến có thể cho thêm một lượng phô mai phù hợp vào bát bột/cháo của trẻ thay thế cho nước mắm/muối. Tuy nhiên vì phô mai cũng có vị mặn nên tốt nhất là nên cho phô mai vào bát bột của trẻ sau khi cho dầu ăn. Như vậy, bát bột/cháo của trẻ cũng sẽ thơm, ngon, ngậy và không quá nhạt.

- Khi trẻ ngoài một tuổi, mẹ nên nêm nhạt hơn so với cảm nhận vị mặn của người lớn vì bé chỉ cần 2,3g muối/ngày. Điều này sẽ giúp các bé tránh được thói quen ăn mặn sau này, phòng ngừa các nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp... cho trẻ trong tương lai.

Ngoài ra, các mẹ cũng nên tập cho bé ăn hoa quả tươi như nạo chuối tiêu, uống nước cam, xoài xay…

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng là bác sĩ chuyên khoa Nhi, hiện đang công tác tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM.

Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân và được rất nhiều độc giả tin tưởng, yêu thích.

Độc giả có thể đọc thêm các bài của bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng TẠI ĐÂY.

Bác sĩ Nhi giải thích 3 lý do không nên nêm gia vị vào đồ ăn cho trẻ dưới 1 tuổi - Ảnh 5.