Ngày 30/5, chúng tôi đã có buổi tiếp xúc với Ths. BS. Hoàng Công Tình – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) để trao đổi, tìm hiểu về sự cố y khoa và các bệnh nhân sau sự việc.
BS. Tình cho hay, kể từ lúc xảy ra sự việc cho đến giờ, người nhà bệnh nhân, các đồng nghiệp rất quan tâm và đều hỏi thăm tình trạng bệnh nhân mức độ như thế nào, kết quả điều trị ra sao, phối hợp các đơn vị liên quan chuyên môn hỗ trợ như thế nào.
Bác sĩ Tình chia sẻ về ác mộng của mình khi sự việc xảy ra
BS Tình chia sẻ rằng, đối với các bệnh nhân bình thường khác thì thời gian thầy thuốc gặp bệnh nhân ít hơn. Nhưng đối với bệnh nhân chạy thận có một điểm vô cùng đặc biệt là bác sĩ đều hiểu họ là những người bệnh quá thiệt thòi, quá bi đát nên rất gần gũi. Thậm chí bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân thuộc làu tên tuổi, ngày sinh nhật của nhau.
"Có bệnh nhân thận ở đây gần 10 năm, ít nhất cũng từ 1-2 năm nên chúng tôi biết hết tên tuổi, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình họ. Đôi khi chúng tôi còn biết hết tính cách, tâm lý bệnh nhân. Tôi hiểu rõ thời điểm nào đó người ta không muốn lọc, thời điểm nào đó người ta bi quan. Đặc biệt những hôm mưa gió, tới giờ lọc ca mà mưa gió tôi lại nghĩ tới những bệnh nhân ở huyện, ở xa vì đi xe máy, xe buýt họ có tới nơi được không. Có những ca lọc phải chờ, người khỏe trong điều kiện thời tiết đó tới đúng giờ đã khó chứ đừng nói tới bệnh nhân."
Ths Tình buồn lòng chia sẻ: "Người mắc bệnh mạn tính họ rơi vào trạng thái như trầm cảm, chán nản. Thậm chí nhiều trường hợp không muốn lọc, họ muốn bỏ lọc vì họ thấy việc gắn bó với bệnh viện liên tục như vậy là cái gì đó tồi tệ. Tuy vậy, những người thầy thuốc vẫn luôn phải động viên."
Ths. BS Hoàng Công Tình – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện đao khoa tỉnh Hòa Bình)
Theo BS Tình, bệnh nhân suy thận mạn chiếm khoảng 7 phần nghìn dân số. Có nghĩa số người bị thận phải dùng tới máy chạy thận và phải chạy thận rất nhiều.
"Khi xảy ra sự cố như vậy, anh em chúng tôi, có cảm giác đau đớn như mất đi người thân", Bs Tình tâm sự."Tôi được cấp cứu bệnh nhân từ đầu và theo bệnh nhân tới giờ phút này, cảm giác mình mất đi một cái gì đó rất lớn mà không tả được".
BS Tình cho hay, đối với bản thân ông đây là một cú sốc vì sự việc quá đột ngột: "Chúng tôi vừa nói chuyện với nhau, nhưng trong chốc lát lại xuất hiện đột ngột. Ngay bản thân tôi cũng nghĩ đó là giấc mơ, như là cơn ác mộng nhưng đó là sự thật mà mình phải chấp nhận nó.".
Bệnh viện Bạch Mai thành lập hội đồng chuyên khoa và cử đoàn bác sĩ lên Hòa Bình hỗ trợ các bệnh nhân
Theo BS tình, sau sự cố y khoa nói trên xảy ra, rất may mắn gia đình các bệnh nhân cũng thấu hiểu nỗi ưu tư của các cán bộ y tế.
Một trong số bệnh nhân may mắn được cứu chữa kịp thời vẫn chưa hết bàng hoàng
Trước đó, tại buổi họp báo về sự việc, TS Trương Qúy Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, đây là sự cố y khoa hy hữu xảy ra tại đơn nguyên Thận nhân tạo, nơi có thâm niên điều trị cho bệnh nhân trên 10 năm và mỗi năm điều trị thường xuyên cho trên 100 người bệnh.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, bệnh viện đã phối hợp cùng cơ quan công an niêm phong máy móc và trang thiết bị, thuốc men của khoa Thận nhân tạo. Đồng thời Bệnh viện đã đình chỉ kíp trực và tạm thời dừng tiếp nhận bệnh nhân đối với khoa Thận nhân tạo.
Liên quan vụ việc trên, trưa 30/5, trao đổi với PV, Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.