Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta tiếp xúc ngày càng nhiều với các thiết bị điện tử như: máy tính, điện thoại, tivi,... gây tình trạng mỏi mắt, mắt yếu hay tật khúc xạ đang dần phổ biến. Do đó, việc bổ sung các thực phẩm bổ mắt, giúp mắt sáng khỏe hơn cho bữa ăn hàng ngày là rất cần thiết.

Bác sĩ ở TP.HCM liệt kê các loại thực phẩm "cứu mắt": Đừng bỏ qua nếu bạn thường làm việc hàng giờ bên máy tính- Ảnh 1.

Tỷ lệ mắc các vấn đề về mắt do tiếp xúc với các thiết bị điện tử ngày càng gia tăng ở nước ta. Ảnh: internet

Đôi mắt là một bộ phận quan trọng của cơ thể, chúng còn được xem là “cửa sổ tâm hồn” vì thế luôn cần được sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ ăn hợp lý như bổ sung các thực phẩm bổ mắt trong thực đơn hàng ngày sẽ giúp chúng ta có một đôi mắt sáng khỏe. Tuy nhiên, ăn uống như thế nào? lựa chọn thực phẩm bổ mắt ra sao? Không phải ai cũng nắm rõ. Dưới đây là các thực phẩm có thể bảo vệ sức khỏe mắt mà Bác sĩ Huỳnh Minh Nhựt (Bác sĩ khoa Nội Nhiễm - BV đa khoa Khu vực Thủ Đức) gợi ý.

Các loại thực phẩm bổ mắt, giúp mắt sáng khỏe

Rau, củ, quả

Rau củ quả là nhóm thực phẩm được ưu tiên vì sự đa dạng, gần gũi và giàu dinh dưỡng cho mắt. Các loại rau củ quả có màu vàng như: đu đủ, cà rốt, bí đỏ, ớt chuông,... hay những loại rau có màu xanh đậm như: súp lơ, rau ngót, rau bina, cải bó xôi,... bên trong chúng chứa rất nhiều Beta-caroten. Đây là thành phần sẽ chuyển hóa thành vitamin A khi vào cơ thể giúp bổ mắt. Bên cạnh đó, bên trong các loại rau củ trên cũng rất giàu Vitamin C, Lutein, vitamin B2,... giúp tăng cường thị lực, chống oxy hóa, giảm nguy cơ đục thuỷ tinh thể và giúp bảo vệ giác mạc.

Bác sĩ ở TP.HCM liệt kê các loại thực phẩm "cứu mắt": Đừng bỏ qua nếu bạn thường làm việc hàng giờ bên máy tính- Ảnh 2.

Chế độ ăn cần bổ sung nhiều rau củ, quả để mắt luôn sáng khỏe (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, rau củ quả còn có tác dụng hỗ trợ nhuận tràng cho cơ thể bởi hàm lượng chất xơ bên trong chúng. Chúng góp phần hỗ trợ tiêu hoá và có vai trò quan trọng đối với sức khoẻ tổng thể rất lớn.

Thịt, cá và trứng

Thịt, cá và trứng là nhóm thực phẩm chính giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, tuy nhiên chúng còn chứa nhiều kẽm, vitamin B1, các acid amin,... giúp bổ mắt và phòng ngừa các bệnh về mắt quan trọng.

Trong đó, cá Hồi chứa nhiều dinh dưỡng giúp bảo vệ võng mạc và ngăn ngừa mù lòa. Axit béo omega-3 trong cá hồi còn duy trì độ ẩm thiết yếu của mắt và chống lại bệnh thoái hóa điểm vàng. Các chuyên gia tư vấn nên ăn cá hồi ít nhất 2 lần một tuần. Ngoài ra, việc bổ sung gà tây và thịt gà trong bữa ăn còn giúp mỗi người chống đục thủy tinh thể và những căn bệnh suy nhược thị giác khác bởi lượng lớn kẽm và vitamin.

Trứng cũng là thực phẩm tốt cho mắt với lòng đỏ chứa nhiều lutein và Zeaxanthin. Đây là 2 dưỡng chất quan trọng, giúp mắt giảm nguy cơ bị thoái hoá điểm vàng và đục thuỷ tinh thể.

Các loại hạt, dầu hạt giàu vitamin A, E

Tương tự như thịt cá, các loại đậu xanh, đậu đen, hạt bí, óc chó, gạo lứt và dầu hạt là những nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho mắt trong bữa ăn hàng ngày.

Đậu đen chứa nhiều kẽm, khoáng chất cần thiết cho võng mạc cũng như duy trì các mạch máu ở nhãn cầu. Kẽm ngăn ngừa tình trạng mất thị lực cũng như đục thủy tinh thể.

Đậu xanh lại chứa lượng cao folate và magie chống oxy hoá và giúp sáng mắt.

Bác sĩ ở TP.HCM liệt kê các loại thực phẩm "cứu mắt": Đừng bỏ qua nếu bạn thường làm việc hàng giờ bên máy tính- Ảnh 3.

Nên bổ sung các loại hạt, dầu hạt giàu vitamin A, E vào bữa ăn hàng ngày để giúp mắt luôn sáng, khỏe - Ảnh: internet

Hạt Óc chó, Hạnh nhân chứa một lượng lớn các axit béo omega-3 đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khoẻ tổng thể của mắt. Ngoài ra, quả óc chó chứa chất chống oxy hóa, kẽm và vitamin E, giúp chống viêm và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu đậu phộng,... giàu vitamin E giảm nguy cơ mắc bệnh cườm mắt, chống oxy hoá.

Các bài tập giúp giảm căng thẳng cho mắt

Ngoài việc bổ sung các dưỡng chất thiết yếu, mỗi người cần thường xuyên thực hiện các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đôi mắt biện pháp sau:

Cho mắt nghỉ ngơi: Không để mắt làm việc liên tục dưới ánh sáng của các thiết bị, mỗi 30 - 45 phút bạn nên thực hiện một vài động tác đơn giản giúp giảm căng thẳng cho mắt như: Chớp mắt và ngáp, thay đổi điểm nhìn của mắt, đảo tròn mắt và chuyển động mắt theo chiều dọc - ngang hoặc đứng dậy đi vòng quanh để thị giác được nghỉ ngơi.

Làm ấm mắt: Đây là một biện pháp dễ dàng và giúp giảm căng thẳng cho mắt hiệu quả. Để làm dịu mắt bạn có thể sử dụng một miếng gạc ấm đắp lên mắt, hơi ấm có tác dụng giúp mắt điều tiết và thư giãn.

Ngoài ra, dùng thêm thuốc nhỏ mắt hàng ngày để làm dịu mắt khi mỏi mệt cũng góp phần nuôi dưỡng, phòng ngừa các bệnh về mắt để mắt luôn sáng khỏe.