Ngày 29/6, BS Nguyễn Bửu Thuyên, Trưởng khoa Sản (Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức, Quảng Nam) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp đến làm thủ tục để sinh con nhưng khi siêu âm thì mới phát hiện thực tế không hề mang thai.

Theo đó, khoảng 11h ngày 27/6, chị Nguyễn Thị D (sinh năm 1988, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) được người nhà đưa đến viện trong tình trạng bụng khá to, khệ nệ. Cùng đi có khoảng 7 người mang theo túi xách, đầy đủ áo, quần, khăn, tã để... chờ sinh.

Bác sĩ sản khoa nói gì về trường hợp vác bụng bầu đi đẻ nhưng thực chất không hề có thai? - Ảnh 2.

Hình ảnh siêu âm của chị D cho thấy không hề có thai nhi trong bụng. Ảnh: BSCC

Tuy nhiên, sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện chị D không hề có thai. Để có bằng chứng khách quan, chị D được siêu âm và xét nghiệm beta HCG (một chất khi có thai mới có) nhưng kết quả vẫn khẳng định, người phụ nữ này không mang thai. Lúc này, gia đình mới "ngã ngửa" vì lâu nay thấy bụng to cứ ngỡ là chị có thai.

Theo chồng chị D, vợ chồng anh lấy nhau 7 năm không có con dù đã đi nhiều nơi để chạy chữa. Năm ngoái, có người quen mách đến một "thầy" chuyên chữa vô sinh nên hai vợ chồng anh tìm đến.

Quả thực, sau khi uống loại thuốc "thầy" cho, chị D bị tắt kinh và bụng to lên như đang có thai. Nhưng vì vị thầy này yêu cầu chị D không được đi siêu âm thì mới hiệu nghiệm nên hai vợ chồng cũng không dám làm trái ý.

Cũng theo chồng chị D, mỗi lần đến thì "thầy" không lấy tiền, chỉ nói tùy tâm, muốn gửi bao nhiêu thì gửi. Nhưng lần cuối cùng, khi bụng to như sắp đẻ, vị "thầy" này đưa cho vợ chồng anh 2 chai nước dặn chị D uống trước khi sinh và có lấy 5 triệu đồng.

Tại bệnh viện, sau khi biết tin không có thai, cả gia đình chị D buồn bã đi về. Theo BS Thuyên, đây không phải là trường hợp đầu tiên gặp phải tại Bệnh viện Vĩnh Đức. Trước đó khoảng 2 tuần, cũng có hai vợ chồng đến xin điều trị động thai nhưng khi các bác sĩ khám thì không phát hiện có thai.

Họ cho biết, cách đó vài tháng đã đi chữa hiếm muộn ở một thầy lang, được cho uống thứ thuốc gì đó và bụng cứ thế to lên nên tưởng mình đang có thai (!?).

Trên thực tế, câu chuyện các cặp vợ chồng hiếm muộn uống thuốc của thầy lang, thầy cúng và mang thai "giả" đã từng được phản ánh ở một số địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo đây là cách chữa hiếm muộn không có căn cứ khoa học nhưng nhiều người vẫn mê muội tin theo.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, BS Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện) cho biết, thực tế, trước đây, bà cũng đã từng gặp một số trường hợp tương tự như vậy.

Bác sĩ sản khoa nói gì về trường hợp vác bụng bầu đi đẻ nhưng thực chất không hề có thai? - Ảnh 3.

BS Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện)

Theo đó, cách đây gần chục năm, có một bệnh nhân nữ đã cắt cả hai buồng trứng nhưng vẫn muốn có con. Chính BS Nhã đã khẳng định, trường hợp này không thể có con được nữa nhưng không hiểu lý do gì, người này lại tìm đến một ông "thầy" ở khu vực phía Nam để "cầu con".

Sau đó không lâu, chị này về Bắc và "khoe" rằng mình đang mang thai và quả thực, bụng có to lên từng ngày. Nhưng khi các bác sĩ đề nghị siêu âm kiểm tra thì người phụ nữ này khăng khăng từ chối. Mãi đến khi bị đau ruột thừa được đưa vào viện cấp cứu và làm các xét nghiệm, siêu âm cần thiết, người này mới tá hỏa khi biết mình không hề có thai như "thầy" phán.

"Hay một trường hợp khác đến Bệnh viện Bưu điện để làm thủ tục đăng ký sinh. Nhìn vẻ bề ngoài thì quả thực, người này rất giống một sản phụ sắp sinh: Bụng to, đi khệ nệ, hai người dìu hai bên. Tuy nhiên, khi các bác sĩ thăm khám thì cũng cho kết quả khẳng định không có thai", BS Nguyễn Thị Nhã kể lại.

Lý giải về những trường hợp không có thai nhưng bụng vẫn to lên như bầu sắp đẻ như trên, BS Nhã cho biết, chưa có căn cứ khoa học nào giải thích hiện tượng này. Tuy nhiên, rất có thể trong thành phần thuốc mà "thầy" đưa cho những chị em hiếm muộn uống có chứa chất làm giữ nước trong cơ thể khiến bụng bị to lên. Càng uống thì bụng càng to ra.

"Cũng có thể, những người hiếm muộn đã được dùng phương pháp "ám thị". Nghĩa là, bằng cách nào đó, những ông "thầy" làm cho tâm lý người phụ nữ luôn tin rằng, mình đang mang thai thật. Cũng mất kinh, nôn, nghén và bụng to dần như một phụ nữ mang thai bình thường", BS Nhã nói.

Theo BS Nhã, những trường hợp này rất sợ "mất con" nên thường nghe "răm rắp" theo lời "thầy" dặn không đi siêu âm, mãi đến khi bụng to như sắp đẻ thì mới vỡ lẽ về "cái thai rỗng" trong bụng.

Bên cạnh việc bị người khác "ám thị", nhiều trường hợp vì quá mong có con đã tự "ám thị" mình đang mang thai và họ ăn nhiều chất bổ cho "em bé" trong bụng phát triển để rồi bị chấn động tâm lý khi phát hiện mình không hề có thai như vẫn nghĩ.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong chữa vô sinh, hiếm muộn, BS Nhã khuyến cáo, mọi người không nên tin theo những bài thuốc chữa vô sinh, hiếm muộn không rõ nguồn gốc để tránh tiền mất, tật mang và tổn thương tâm lý về sau.

Trường hợp không may mắn bị chậm con, các cặp vợ chồng nên đến bệnh viện chuyên khoa, cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, làm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm ra nguyên nhân hiếm muộn. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả, đem lại cơ hội có con cho các cặp đôi.