Giai đoạn sơ sinh được xem là giai đoạn vàng quyết định hệ miễn dịch của một đứa trẻ. Trong thời điểm này, "nuôi con bằng sữa mẹ" sẽ đem đến những điều kỳ diệu cho sự phát triển của bé. Vậy sữa mẹ có tác dụng thế nào và vì sao, cùng lắng nghe những chia sẻ từ bác sĩ Anh Thy - người đầu tiên tại Việt Nam lấy được chứng nhận Chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC (International Board Certified Lactation Consultant) nhé.

Những điều kỳ diệu mà sữa mẹ đem lại cho bé

- Tăng sự gắn kết giữa 2 mẹ con. Nhiều mẹ sợ con bám mẹ, tuy nhiên, nếu mẹ đừng lạm dụng việc cho bú để trấn an con, tập con tự trấn an bằng nhiều hình thức khác thì bé sẽ yêu hơi mẹ vừa phải, và rất đáng yêu. Sự gắn kết này rất tốt cho sự phát triển của bé.

- Sữa mẹ giúp tăng sức đề kháng cho bé. Trong sữa mẹ sẽ có kháng thể. Kháng thể có thể lót 1 lớp trên bề mặt niêm mạc ruột, không cho siêu vi/vi khuẩn bám lên gây bệnh cho bé, hoặc có loại kháng thể lại đi đục thủng màng tế bào của vi khuẩn.

 Hoặc khi bé đến tuổi đi học, bé sẽ đem nhiều con siêu vi ở trường về, cơ thể mẹ tiếp xúc bé cũng sẽ tiếp xúc với các con siêu vi/vi khuẩn này, từ đó cơ thể mẹ sẽ tạo ra kháng thể chống lại chính các con siêu vi khuẩn có ở lớp bé. Nếu bé còn được bú mẹ dù 1-2 lần /ngày thôi thì lượng kháng thể sẽ giúp bé ít bệnh hơn hẳn so với các bé khác.

- Muốn bé phát triển chiều cao tối ưu nhất thì mẹ hãy cho bé bú sữa mẹ nhé, vì canxi trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa công thức.

- Muốn bé phát triển tối đa trí thông minh, mẹ hãy cho bé bú sữa mẹ, vì hàm lượng DHA, AHA, ARA (giúp phát triển trí não) trong sữa mẹ luôn có sẵn và ở dạng dễ hấp thu hơn hẳn so với sữa công thức.

- Sữa mẹ có sẵn các men tiêu hóa, giúp cho hệ tiêu hóa của bé dễ hấp thu các chất. Ví dụ trong sữa mẹ có sẵn men Lipase, men này như những cây kéo giúp cắt nhỏ các phân tử chất béo, nên cơ thể bé rất dễ hấp thu.

- Sữa mẹ cung cấp cho bé hệ lợi khuẩn tốt cho đường tiêu hóa của bé.

- Đạm trong sữa mẹ chủ yếu là đạm whey, còn trong sữa công thức, đạm chủ yếu là đạm casein. Vì thế sữa mẹ không mất nhiều thời gian để tiêu hóa.

- Sữa mẹ ngoài việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để bé phát triển toàn diện, còn giúp bé tăng sức đề kháng, khởi đầu tốt cho một sức khỏe bền vững sau này.

Bác sĩ sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam: "Sữa mẹ luôn là tiêu chuẩn vàng về dinh dưỡng và có sức mạnh kỳ diệu" - Ảnh 1.

Cơ chế tạo sữa mẹ là như thế nào?

Sữa mẹ sẽ được tạo ra theo nhu cầu của bé. Thực phẩm như móng giò, chân dê, ngũ cốc,… đều không giúp làm tăng sữa. Em bé rút sữa ra khỏi ngực bao nhiêu thì cơ thể sẽ hiểu để tạo lại bấy nhiêu. 

Ví dụ: bình thường, em bé đang bú 80ml/cữ từ ngực mẹ trong 20 phút. Hôm nay, bé tăng nhu cầu lên 120ml/cữ. Thay vì bé bú 20 phút như mọi khi thì bây giờ bé sẽ bú thành 45-60 phút để rút thêm 40ml còn thiếu. Từ đó cơ thể hiểu: à, bé tăng nhu cầu rồi, phải sản xuất sữa ra thêm với tốc độ nhanh hơn. Sữa được sản xuất liên tục chứ không phải cứ 2-3 tiếng sữa mới về 1 đợt như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Cơ thể mất vài ngày để hiểu rõ nhu cầu con, từ đó sẽ tăng tốc độ sản xuất. Sau một vài ngày, cơ thể sẽ sản xuất đủ lượng sữa, sao cho con bú 20 phút là được khoảng 120ml. 

Hoặc một giai đoạn khác, bé giảm nhu cầu bú, bé không bú 120ml/cữ nữa, mà sẽ giảm còn 100ml/cữ. Lúc này trong ngực còn ứ lại 20ml, cơ thể hiểu là giờ em bé bú giảm lại rồi, từ đó nó sẽ giảm bớt tốc độ sản xuất sữa.

Dĩ nhiên, bé sẽ bú với một lượng không giống nhau ở các cữ. Bác chỉ lấy ví dụ để các mẹ hiểu rằng: sữa mẹ sẽ sản xuất theo nhu cầu của bé, chứ không theo thức ăn.

Vậy nên nếu mẹ muốn nhiều sữa, hãy cho bé bú nhiều, hoặc hút sữa đủ số lần.

Màu sắc của sữa mẹ có quyết định tới chất lượng sữa?

Màu sắc của sữa mẹ bị ảnh hưởng bởi thức ăn mẹ ăn vào. Nếu mẹ ăn nhiều thực phẩm có màu vàng như: cà rốt, bí đỏ, nghệ, ngũ cốc, da gà… thì sữa mẹ sẽ có màu vàng. Sữa mẹ màu vàng và sữa mẹ màu trắng có chất lượng như nhau. Vì thế, mẹ không cần phải tìm cách ăn gì để sữa màu vàng.

Bác sĩ sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam: "Sữa mẹ luôn là tiêu chuẩn vàng về dinh dưỡng và có sức mạnh kỳ diệu"  - Ảnh 2.

Cương sữa sinh lý là gì, có đáng lo không?

Sau sinh, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5, mẹ sẽ có hiện tượng căng cứng và có rất nhiều cục cứng ở 2 bên ngực. Ngực có thể căng to khiến mẹ cảm giác đau như vác 2 tảng đá nặng trước ngực, thậm chí nếu không lấy sữa ra được, sữa ứ lại gây tắc, có thể có sốt. Nếu bé bú hoặc vắt sữa ra thì sẽ dễ chịu hơn nhưng ngực sẽ lại căng đau lại rất nhanh sau 1-2 tiếng.

Đây không phải là tắc tia. Mẹ đang bị cương sữa sinh lý. Giai đoạn này, ngoài việc sữa đang về nhiều hơn, thì máu và dịch của cơ thể mẹ cũng dồn về ngực nhiều hơn nên mẹ sẽ thấy ngực căng cứng khó chịu. Mẹ chịu khó tích cực cho bé bú hoặc lấy sữa ra mỗi 2-3 tiếng 1 lần thì từ từ ngực sẽ dễ chịu và mềm sau khoảng 3-4 ngày. Nếu mẹ không lấy sữa ra tốt, mẹ có thể sẽ bị tắc tia. Nếu căng đau nhiều, mẹ có thể vắt tay hoặc hút sữa ra thêm một ít sau khi con bú, hoặc có thể chườm mát thay vì chườm ấm như mọi người vẫn nghĩ. Việc chườm mát sẽ giúp các mạch máu co lại, khiến cho máu và dịch bớt dồn về ngực, giúp kháng viêm và giảm đau.

Sữa mẹ luôn là tiêu chuẩn vàng về dinh dưỡng và có sức mạnh kỳ diệu. Những thành phần trong sữa mẹ giúp bảo vệ hệ miễn dịch của bé, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời. Vì vậy, các mẹ đang cho con bú hãy luôn an tâm, tiếp tục sứ mệnh cao cả của người mẹ nhé.