Ngày 11/1, sản phụ họ Bình sống tại Vũ Hán, Trung Quốc, bắt đầu có dấu hiệu sốt nhẹ và ho khan. Chị Bình đã đến bệnh viện khám và tiêm thuốc trong 2 ngày nhưng bệnh tình vẫn không khỏi, cứ đến tối là chị Bình lại lên cơn sốt cao.
Ngày 26/1, bệnh tình của chị Bình chuyển biến nghiêm trọng với dấu hiệu ho dữ dội, ngực đau nhói, khó thở. Anh Minh ngay lập tức đưa vợ đến bệnh viện khám. Do bệnh tình của sản phụ chuyển biến xấu nên thai nhi trong bụng có dấu hiệu thiếu dưỡng khí, tim thai không ổn định.
Qua kết quả xét nghiệm máu và chụp CT, biểu hiện sốt cao của chị Bình được khoanh vùng nghi nhiễm cúm coronavirus. Tình hình khẩn cấp nên bác sĩ Đại Thục Lan, khoa sản, bệnh viện Wuhan Dongxihu District People Hospital liền thông báo đến các khoa và hội chẩn đến 12 giờ khuya.
Trường hợp của sản phụ Bình được đánh giá là nghiêm trọng nên bác sĩ Lan đã túc trực ngày đêm ở bệnh viện. Sau khi các lãnh đạo bệnh viện tham khảo ý kiến của bác sĩ Lan, cô đã kiên định nói rằng: "Sản phụ này cần phải được cứu, tôi sẽ tiến hành phẫu thuật, nếu cứ trì hoãn thời gian sẽ khiến cả mẹ và thai nhi gặp nguy hiểm".
Bác sĩ mặc 4 lớp bảo hộ tiến hành phẫu thuật
Bác sĩ Lan cùng ê kíp phẫu thuật đã mặc 4 lớp bảo hộ, trong đó có 2 lớp áo quần phẫu thuật, 2 lớp cách ly. Ngoài ra, họ còn mang thêm 4 lớp găng tay và kính bảo hộ.
Quá trình phẫu thuật diễn ra vô cùng khó khăn và kéo dài. Khi bác sĩ Lan tiến hành mổ lấy thai, do mang nhiều lớp găng tay nên thao tác không linh hoạt nên bác sĩ khâu vết mổ cho sản phụ mất nhiều công sức và thời gian. So với những ca phẫu thuật thông thường, ca mổ mang nhiều lớp bảo hộ kéo dài gấp 3 lần.
Ngày 27/1, khoảng 6 giờ tối, bé gái sinh non chào đời với cân nặng 2,5kg. Điều này khiến bác sĩ Lan vui mừng khôn xiết, bởi theo đánh giá thì sản phụ 33 tuần thai có khả năng sinh non không quá 2kg. Cân nặng của bé gái nặng hơn những em bé sinh non thông thường chứng tỏ bé phát triển tốt trong tử cung.
Bé gái gặp khó khăn trong hô hấp nên ngay sau đó được đưa vào phòng chăm sóc trẻ sơ sinh. Chị Bình sau phẫu thuật được đưa vào khoa truyền nhiễm điều trị. Sau 2 lần xét nghiệm cho kết quả dương tính virus corona nên chị Bình được xác nhận nhiễm cúm Vũ Hán. Bé gái sơ sinh cũng được tiến hành chụp CT phổi nhưng may mắn không có dấu hiệu lây nhiễm cúm Vũ Hán từ mẹ.
Bác sĩ đặt tên cho bé gái là Di Hạnh
Sau phẫu thuật, bác sĩ Lan thường xuyên lui tới khoa truyền nhiễm và khoa chăm sóc trẻ sơ sinh để thăm 2 mẹ con sản phụ. Theo nguyện vọng của chị Bình là muốn bác sĩ đặt tên cho con mình, bác sĩ Lan đặt tên cho bé gái là Di Hạnh, với mong muốn bé sẽ hạnh phúc cả đời.
Anh Minh chia sẻ: "Tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi biết tình trạng của hai vợ con chuyển biến tốt. Ngày hôm đó, tôi chỉ có thể đứng bên ngoài hành lang của khoa truyền nhiễm, tuyệt vọng nhìn vợ con qua tấm kính cách ly. Trải qua nhiều ngày lo lắng, cuối cùng nỗi sợ cũng bắt đầu tan biến. Hiện tại, cả nhà 3 người đều cách ly ở nơi khác nhau, nhưng tôi tin tưởng vợ sẽ chiến thắng bệnh dịch. Tôi rất cảm kích đội ngũ y bác sĩ đã không ngại mạo hiểm cứu sống vợ con của tôi".
Nguồn: Youth
#ICT_anti_nCoV
VÌ SỨC KHỎE GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG, HÃY ĐEO KHẨU TRANG!
Trong bối cảnh đại dịch corona diễn biến phức tạp, chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ gia đình và cộng đồng từ hành động vô cùng đơn giản: Đeo khẩu trang.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc với người khác hay thường xuyên rửa tay với xà phòng - đeo khẩu trang là việc làm bé nhỏ nhưng mang tính chất phòng ngừa cơ bản nhất, ngăn chặn nguy cơ lây truyền virus corona qua nước bọt hoặc dịch tiết đường hô hấp.