Cơn khóc lặng (breath holding spell) là gì?
Cơn khóc lặng là hiện tượng làm ba mẹ hết hồn và nhiều khi nó đưa trẻ đến các xét nghiệm và điều trị không cần thiết.
Cơn khóc lặng hay đúng hơn là cơn khóc nín thở, hiện tượng này khá phổ biến ở trẻ em (5%), gặp từ 6 tháng – 4 tuổi, tuy nhiên gặp nhiều nhất là từ 6 tháng tới 18 tháng.
Có 2 loại cơn khóc lặng
Cơn khóc lặng tím (cyanotic BHS)
Loại này thường gặp hơn (85%), trẻ thường trong lúc bực bội, nhõng nhẽo mà khóc, trẻ hít vào sâu rồi khóc, sau đó thở ra rồi ngưng thở luôn. Trẻ bắt đầu đổi màu tím, nhất là ở môi, ngất xỉu. Một số ít có thể có hiện tượng co giật tay chân với tần suất chậm. Trong vài giây trẻ sẽ tự thở lại, hồng hào và tỉnh lại.
Một em bé đang khóc ngằn ngặt tím tái người.
Cho dù nhìn rất đáng sợ nhưng đây là tình trạng lành tính, không gây di chứng gì, tự hết sau 4 tuổi.
Nếu biết con bị chứng này, bạn có thể cắt cơn khóc bằng cách để cái gì lạnh lạnh lên mặt trẻ hay thổi mạnh vào mặt con. Ngoài ra, cha mẹ có thể phòng ngừa bằng cách tránh để con khóc nhiều, không phải bằng cách chiều chuộng vô lý mà bằng cách đánh lạc hướng con sang chuyện khác.
Tuyệt đối không hoảng sợ, lắc con hay đè ra nặn chanh, coi chừng trâu lành thành trâu què vì hít sặc gây viêm phổi, thậm chí có thể chết.
Cơn khóc lặng xanh xao (Pallid BHS)
Loại này ít gặp hơn, thường gặp sau một tai nạn gây đau như té ngã hay giật mình. Não truyền tín hiệu gây ra phản xạ vasovagal làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, ngưng thở và ngất. Trong cơn khóc này, bệnh nhân thường mất tri giác, ngưng thở và tim đập rất chậm, có thể kèm theo hiện tượng co giật. Bệnh nhân sẽ hồi phục rất nhanh trong vòng vài phút, tuy nhiên vì đặc điểm của cơn khóc này có điểm tương đồng với một số bệnh về thần kinh hay tim mạch, nên thường hay được làm một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh trên.
Cha mẹ lưu ý cả hai loại cơn khóc lặng này đều là KHÔNG TỰ CHỦ, có nghĩa là trẻ không cố tình và không kiểm soát được. Điều này khác với việc trẻ cố tình ngưng thở trong thời gian ngắn để yêu sách điều gì đó, trẻ sẽ KHÔNG BAO GIỜ mất tri giác và thường sẽ tự thở trở lại khi được thoả mãn yêu cầu hay không chịu nổi thì thở lại.
Làm gì để tránh các cơn khóc lặng ở trẻ?
Cơn khóc lặng tuy nhìn thì có vẻ đáng sợ nhưng lành tính, không có di chứng lâu dài.
Điều trị chủ yếu là đánh lạc hướng trẻ để trẻ không khóc nhiều hoặc tránh tạo ra các hoàn cảnh làm trẻ khóc, có thể dùng khăn lạnh để lên mặt trẻ để cắt cơn. Chú ý KHÔNG chiều chuộng trẻ vì trẻ có cơn khóc lặng sẽ dẫn đến những cơn khóc dỗi (tantrums) và làm nặng hơn tình trạng này.
Khi trẻ có cơn khóc lặng, thường không cần làm xét nghiệm gì ngoài hai loại chính:
- Tầm soát thiếu máu thiếu sắt: tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt khá cao trong những trẻ mắc cơn khóc lặng (69%), người ta cho tầm soát thiếu máu là một nguyên nhân gây cơn khóc lặng, tuy nhiên chưa hiểu rõ tại sao. Giả thuyết là thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh.
Tỷ lệ cơn khóc lặng giảm rõ rệt khi được bù sắt 3 tháng (84.1%) so với nhóm không được bù sắt (21.4%).
- EKG (điện tâm đồ), EEG (điện não đồ) trong các trường hợp nghi ngờ có bệnh tim hay động kinh, đặc biệt là loại cơn khóc lặng xanh xao.
Tóm lại, cơn khóc lặng dù nhìn đáng sợ nhưng lành tính, cần chú ý vấn đề thiếu máu thiếu sắt và điều trị nếu có.
Vài nét về tác giả
Bác sĩ Trương Hoàng Hưng là một bác sĩ nhi khoa người Việt đang sinh sống và làm việc tại bệnh viện của bang Texas (Mỹ). Tự nhận mình là người "hay lo chuyện bao đồng", bác sĩ đã chia sẻ rất nhiều bài viết hay dưới góc nhìn khoa học rất bổ ích cho các mẹ nuôi con nhỏ.
Trên aFamily, bạn có thể tìm đọc những bài viết của bác sĩ TẠI ĐÂY.