Không chỉ trong dịp Tết, ngay cả ngày bình thường, nếu mất cân bằng trong sinh hoạt, ăn uống cũng sẽ tác động tiêu cực đến sức khoẻ. Trong đó, phổ biến là đầy bụng, khó tiêu, táo bón, cảm cúm.
Thông thường, các chứng đầy bụng, khó tiêu, táo bón nhẹ sẽ tự hết hoặc chỉ cần bổ sung men tiêu hóa và điều chỉnh lại bữa ăn như hạn chế dầu mỡ, nước ngọt... Khi bị tiêu chảy, nôn ói thì cần sử dụng thuốc chống nôn, chống tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu triệu chứng ngày càng nặng, uống thuốc không giảm thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Lưu ý, với những trường hợp có bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tim mạch..., không nên phá vỡ sinh hoạt thường ngày, ăn uống thả ga vì sẽ khiến bệnh nặng thêm.
Đối với người bệnh tiểu đường, huyết áp, khi ăn bánh chưng, bánh tét thì có thể bỏ nếp, ăn ít nhân. Đối với trẻ nhỏ, không nên uống các loại nước ngọt, nước có ga vì sẽ khiến trẻ đầy bụng, không nạp được năng lượng.
Mọi đối tượng nói chung đều nên ăn đủ 3 bữa chính với thực phẩm đa dạng, tăng cường rau củ, trái cây; hạn chế ăn mặn, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt; uống nước lọc thay cho nước ngọt, hạn chế rượu bia...
Dịp Tết cũng là thời điểm mọi người đi lại nhiều nên việc di chuyển đến nơi có khí hậu khác biệt có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như say nắng, cảm lạnh. Nếu bị sốt thì có thể uống paracetamol để giảm sốt và đặc biệt không để thiếu nước.
Ngoài ra, chúng ta nên tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung vitamin D, ngủ đủ giấc, duy trì tập luyện thể thao trong những ngày Tết - có thể tập ít hơn nhưng đừng bỏ - bởi vận động giúp kích thích tiêu hóa. Lưu ý, sau khi ăn no, không nên vận động mạnh.
Tết chỉ kéo dài vài ngày nhưng chúng ta vẫn nên chú ý chăm sóc sức khoẻ, chú ý đến ăn uống, sinh hoạt để đón năm mới mạnh khoẻ.