Sự việc này xảy ra khoảng 2 năm trước, khi nạn nhân chạy xe qua một công trình trong trời tối nên không phát hiện sợi dây văng ngang. Ngay sau đó anh được đưa vào một BV ở Campuchia để mở khí quản.

Lực của sợi dây chèn ép cổ họng nên kể từ đó, chàng trai không còn thở bằng mũi được mà phải mở một lỗ thông ở cổ, gặp rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Tâm lý anh cũng giảm sút nặng nề.

Bác sĩ Việt cứu chàng trai Campuchia 2 năm trời không nói, không thở được bằng mũi - Ảnh 1.

Chàng trai Campuchia hai năm trời không nói được vì tai nạn bất ngờ.

Phó Giáo sư Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc BV cho biết cách đây một năm, bệnh nhân trên tìm đến khám tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM. Tại đây dù có chỉ định nhập viện nhưng vì không đủ điều kiện về tài chính, bệnh nhân trốn viện trở về quê hương, tiếp tục chấp nhận kiếp đeo canule khí quản.

Ít ngày trước, bệnh nhân trở lại Việt Nam lần hai để mong được giải thoát giọng nói và đường thở.

Bác sĩ Việt cứu chàng trai Campuchia 2 năm trời không nói, không thở được bằng mũi - Ảnh 2.

Thanh quản bệnh nhân bị bít hoàn toàn, phải đeo canule khí quản.

Tại BV Tai Mũi Họng, các bác sĩ tiến hành nội soi thanh khí quản cho bệnh nhân và phát hiện sẹo hẹp bít tắc hoàn toàn khí quản. Chỗ bít tắc cách thanh môn khoảng 25 mm, hoàn toàn không có đường thông.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị sẹo hẹp khí quản đoạn cổ độ 4, chấn thương khí quản đã lâu nên được chỉ định mổ bằng phương pháp cắt nối tận - tận.

Bác sĩ Việt cứu chàng trai Campuchia 2 năm trời không nói, không thở được bằng mũi - Ảnh 3.

Các bác sĩ tiến hành phương pháp phẫu thuật cắt nối khí quản tận – tận cho bệnh nhân.

Ekip phẫu thuật cắt đoạn bị hẹp 5cm, bóc tách kéo hai đầu khí quản nối vào với nhau, khâu chỉ và nối lại. Ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhân được rút nội khí quản, đến ngày thứ 3 rút ống dẫn lưu, ngày thứ 7 rút ống nuôi ăn và khâu đóng cơ da.

Bác sĩ Việt cứu chàng trai Campuchia 2 năm trời không nói, không thở được bằng mũi - Ảnh 4.

Chàng trai được thông khí quản, nói lại và thở bằng mũi được sau hai năm.

Bác sĩ Thái Hữu Dũng, người tham gia điều trị cho bệnh nhân chia sẻ, sau mổ anh phải tiến hành âm ngữ trị liệu, tập nuốt, tập nói vì 2 năm qua thanh quản không hoạt động.

"Đây là trường hợp khó do chấn thương đứt khí quản bị bỏ quên gây bít hẹp hoàn toàn khí quản. Đoạn sẹo hẹp lại gần sụn nhẫn nên gây khó khăn cho quá trình phẫu thuật. Sử dụng phương pháp cắt nối khí quản tận – tận sẽ giúp bệnh nhân trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường. Đây cũng là lần đầu tiên BV Tai Mũi Họng tiến hành cắt nối tận – tận" – Bác sĩ Dũng nói.

Bác sĩ Lê Trần Quang Minh, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng thông tin thêm, cấp cứu đường thở là cấp cứu đứng hàng số 1 về độ cấp bách, vì chỉ cần 5 phút tắt đường thở là bệnh nhân đã tử vong. Bệnh nhân bị đứt lìa hai đầu đoạn khí quản 2 năm, có cơ địa sẹo lồi sẽ có thể làm hẹp lòng khí quản nên cuộc mổ gặp rất nhiều thách thức.

Bệnh nhân bị sẹo hẹp khí quản trên 6 tháng nên đã thỏa điều kiện phẫu thuật. Thông thường khoảng 1 tháng sau mổ, tình trạng sẹo sẽ ổn định.

Bác sĩ Việt cứu chàng trai Campuchia 2 năm trời không nói, không thở được bằng mũi - Ảnh 5.

Bác sĩ Lê Trần Quang Minh cho biết đây là lần đầu BV thực hiện thủ thuật cắt nối khí quản tận – tận.

Theo bác sĩ, sẹo hẹp khí quản là di chứng do nhiều nguyên nhân như đặt nội khí quản, mở khí quản, chấn thương thanh khí quản.

Điều trị bệnh này là thách thức hiện nay, bởi có nhiều phương pháp nhưng kết quả chưa cao. Cách điều trị phụ thuộc vị trí, mức độ diễn tiến, cơ địa của người bệnh, sự đánh giá đúng tổn thương và chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Sẹo hẹp khí quản ảnh hưởng nặng nề tâm lý người bệnh và chất lượng cuộc sống, là gánh nặng cho gia đình và xã hội (không thở được, phải khai thông đường thở bằng lỗ thông ở cổ).